Trung Quốc trải thảm đón khách quý, vượt lên ghi thêm một điểm, 'chơi đẹp' với doanh nghiệp Mỹ

Trung Quốc mở bung cửa chào đón thế giới. Bắc Kinh ghi thêm một điểm trong cuộc đua cạnh tranh với Mỹ, từ chính sự tương phản trong cách đối xử với doanh nghiệp đối phương.

Nhiều nhân vật chính trị cấp cao từ các quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và CEO của các công ty trong danh sách Fortune 500 đã có mặt tại Trung Quốc trong những ngày này.

Hai diễn đàn cấp cao một ở phía Nam và một ngoài Bắc đã tạo nên bầu không khí nhộn nhịp khắp nền kinh tế khổng lồ số 1 châu Á, mang lại hơi ấm mùa Xuân cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang bao trùm một “màu xám” lạnh lẽo, bởi nhiều khó khăn dài hạn và rủi ro ngắn hạn, từ khủng hoảng ngân hàng đến lạm phát.

Trung Quốc mở bung cửa đón khách quý, đi trước một bước, ‘chơi đẹp’ trước Mỹ. Trong ảnh: Cờ các quốc gia bay bên ngoài địa điểm chính của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Nguồn: Shine.cn)

Trung Quốc mở bung cửa đón khách quý, đi trước một bước, ‘chơi đẹp’ trước Mỹ. Trong ảnh: Cờ các quốc gia bay bên ngoài địa điểm chính của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Nguồn: Shine.cn)

Trung Quốc đang thu hút sự chú ý

Giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi, động thái “mở bung cửa” của Bắc Kinh đang cộng hưởng với các giá trị từ khắp thế giới. Ngay sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 (CDF) chủ đề “Phục hồi kinh tế: Cơ hội và hợp tác” (25-27/3), Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 (28-31/3) xoay quanh mục tiêu "Đoàn kết hợp tác ứng phó thách thức, mở cửa hòa nhập thúc đẩy phát triển trong thế giới không xác định" đã thu hút các “khách quý” từ khắp thế giới đến với Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là những kỳ vọng mạnh mẽ của thế giới đối với nền kinh tế Trung Quốc và mong muốn cấp thiết của họ nhằm đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi với Bắc Kinh. Đó cũng chính là mục tiêu mà cả hai Diễn đàn kinh tế lớn đầu tiên của Trung Quốc sau thời gian dài nền kinh tế đóng cửa chống dịch hướng tới.

Cùng nhấn mạnh từ khóa "hợp tác" và Bắc Kinh đã nhận được phản hồi tích cực từ thế giới bên ngoài. Các sự kiện cho thấy, bất chấp tình hình quốc tế ảm đạm, không thể che giấu khát vọng chung là mở cửa, hợp tác và phát triển cùng có lợi, thay vì bế tắc, đối đầu và độc quyền. Đây sẽ chính là yếu tố phòng ngừa hiệu quả các bất ổn đang phát sinh và cung cấp một chỗ neo vững chắc cho con tàu khổng lồ mang vận mệnh chung của xã hội loài người.

Đánh giá của giới phân tích cho thấy, sự biến động và phức tạp của môi trường chính trị, cũng như kinh tế quốc tế hiện nay là chưa từng có. Một loạt các vấn đề như lạm phát cao, nợ nần chồng chất, tăng trưởng kinh tế chậm, khủng hoảng năng lượng và lương thực đã xuất hiện ở cả các nước phương Đông và phương Tây.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước mong tìm được không gian hợp tác để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Mà trước đây không lâu, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali đã chứng minh rằng, sự hợp tác vẫn có thể tồn tại trong vô số các cạnh tranh đan xen như hiện nay.

Mặc dù vẫn còn những ý kiến đề cao sự tách rời và phi toàn cầu hóa, nhưng xu hướng đoàn kết và hợp tác toàn cầu nhằm tìm kiếm sự phục hồi kinh tế vẫn không thể cưỡng lại. Điều mà thế giới cần là đoàn kết các hy vọng này, hợp lực và thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia nhất, cố gắng không để bất kỳ quốc gia nào tụt lại phía sau.

Và không phải Mỹ, Trung Quốc đang tận dụng tốt thời giương cao ngọn cờ tập hợp, trở thành động lực và yếu tố vững chắc trong nỗ lực này.

Giới quan sát bình luận, “thế giới đang hướng sự chú ý về Trung Quốc và Trung Quốc cũng mở rộng cửa đón chào thế giới. Sự tương tác tích cực này đang ngày càng rõ ràng hơn. Việc tổ chức liền hai diễn đàn có tính chất quốc tế lớn một lần nữa chứng minh điểm này.

Trong thập kỷ qua, đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã vượt quá 30% và theo dự báo của IMF. Trung Quốc vẫn sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

“Chơi đẹp”

Là những “xúc tu” năng động và nhạy bén nhất của toàn cầu hóa, động thái của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia chính là hình ảnh mang tính đại diện.

Nhiều hãng truyền thông Mỹ đang rất chú ý đến chuyến công du Trung Quốc của CEO Apple Tim Cook, đồng thời đề cập "sự khác biệt đáng kể" mà CEO Shou Zi Chew của TikTok đã nhận được tại Washington cách đây vài ngày.

Đó là một sự tương phản rất mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, CEO Cook "đã có một bài phát biểu lạc quan và nhận được nhiều tràng pháo tay". Ông mô tả mối quan hệ của Apple với Trung Quốc là "một mối quan hệ cộng sinh mà cả hai chúng tôi đều thích". Tuy nhiên, tại Mỹ, ông Shou Zi Chew phải đối mặt với nhiều giờ thẩm vấn, được giới quan sát bình luận là một "vở kịch" không vui.

Theo tính toán, tăng trưởng GDP ở Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm đã dẫn đến tăng trưởng trung bình 0,3 điểm phần trăm ở các nền kinh tế châu Á khác. Trong khi đó, gần đây ở Mỹ và châu Âu liên tục xảy ra các vụ phá sản ngân hàng, kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính đang đến gần.

Trung Quốc không chịu áp lực đáng kể từ lạm phát hoặc giảm phát và chính sách tiền tệ của nước này vẫn còn nhiều dư địa điều chỉnh hơn. Sự ổn định của nền kinh tế và tài chính Trung Quốc cũng sẽ hứa hẹn mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực cho thị trường tài chính quốc tế đầy biến động.

Điều này cho thấy rõ, trong giai đoạn hiện nay, hợp tác có ý nghĩa thiết thực và cấp bách. Trước nhiều khó khăn trở ngại bủa vây, thế giới cần hình thành một lực lượng mạnh mẽ để khắc phục và sửa chữa chúng. Nó đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh, từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến hai diễn đàn kinh tế lớn này, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ thúc đẩy mở rộng cửa. Động thái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia đã cảm nhận được sự ấm áp khi trở thành “người một nhà” trong thị trường tỷ dân này.

Giới phân tích bình luận, việc tổ chức thành công hai diễn đàn quốc tế lớn không chỉ thể hiện Trung Quốc đã đi được nửa chặng của con đường phát triển kinh tế và kết nối sâu rộng với thế giới, mà còn thể hiện sự cộng hưởng của các giá trị Trung Quốc với cộng đồng quốc tế.

Từ Sáng kiến Phát triển toàn cầu đến Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu, sự tương tác giữa thế giới và Trung Quốc đang dần vượt qua cấp độ kinh tế và thương mại. Các giá trị Trung Quốc đang bén rễ để đơm hoa kết trái ở nhiều nơi trên thế giới, thể hiện bằng chính sự hiện diện của họ ở đâu đó.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sự hấp dẫn và sức hấp dẫn mà nó tạo ra đã xuất hiện tại các địa điểm tổ chức hai diễn đàn lớn, trong sự tương tác nhiệt tình giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và Trung Quốc.

(theo Global Times)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-trai-tham-don-khach-quy-vuot-len-ghi-them-mot-diem-choi-dep-voi-doanh-nghiep-my-217848.html