Hôm nay (31-8-2020), Bangkok Post đưa tin, Chính phủ Thái Lan đã tạm dừng dự án mua hai tàu ngầm đang gây nhiều tranh cãi trị giá 22,5 tỷ bạt (tương đương khoảng 720 triệu USD) từ Trung Quốc, sau khi Chính phủ Trung Quốc chấp thuận việc trì hoãn hợp đồng mua bán trong vòng một năm.
Ủy ban Giám sát ngân sách tài khóa 2021 của Hạ viện đã được Chính phủ Thái Lan thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc chấp thuận đề nghị hoãn triển khai hợp đồng trên và đề nghị cắt giảm dự toán số tiền trong gói thanh toán đầu tiên.
Được biết, hợp đồng mua 3 tàu ngầm lớp Yuan Trung Quốc của Hải quân Thái Lan được ưu đãi “Mua 3 tàu tính giá 2 chiếc” với tổng ngân sách được công bố là 36 tỷ bạt (tương đương khoản 1,14 tỷ USD), khoản tiền trị giá 13,5 tỷ bạt (khoảng 429 triệu USD) đã được chi cho chiếc tàu đầu tiên.
Ngày 21/8 vừa qua, Tiểu ban phụ trách mua sắm tài sản công thuộc Hạ viện Thái Lan đã bỏ phiếu thông qua khoản chi 22,5 tỷ bạt (tương đương khoảng 713 triệu USD) trong năm tài khóa 2021 để thực hiện hợp đồng mua chiếc 2 tàu ngầm lớp Yuan còn lại của Trung Quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhiều Hạ nghị sĩ đối lập đã phản đối gay gắt kế hoạch này của Hải quân Thái Lan.
Chưa kể chất lượng vũ khí Trung Quốc, đặc biệt là tàu ngầm vẫn là điều đáng bàn. Đáng chú ý trong quá khứ Thái Lan từng ngậm phải "quả đắng" từ những thương vụ vũ khí kém chất lượng từ Trung Quốc.
Cụ thể Thái Lan đã từng mua xe tăng chủ lực Type-69-II và 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2, tuy nhiên phần lớn chúng đã bị loại biên vì kém chất lượng khi vừa đưa vào trang bị chưa lâu.
Vì vậy việc tạm dừng hợp đồng mua tàu ngầm là điều đã được dự báo từ trước. Hiện Trung Quốc chưa bình luận về sự việc.
Do tiếp giáp biển nên Thái Lan nuôi tham vọng sở hữu tàu ngầm giống các quốc gia trong khu vực.
Hải quân Thái Lan từng mất nhiều năm thuyết phục chính phủ mua 6 tàu ngầm cũ từ Đức, tuy nhiên cuối cùng họ lại chấp nhận chi số tiền lớn để mua 3 chiếc S26T lớp Yan từ Trung Quốc.
Tàu ngầm S26T sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), được phát triển từ mẫu tàu ngầm Type-039A (lớp Yuan, đây là loại tàu ngầm được nhận xét là sao chép từ tàu ngầm lớp Kilo của Nga) cho hải quân Trung Quốc.
Tàu dài 75 m, giãn nước 3.600 tấn, sử dụng hệ thống AIP bên cạnh động cơ diesel-điện.
Tàu ngầm S26T đóng vai trò bệ phóng tên lửa hành trình, chuyên tiến hành nhiệm vụ ở các vùng biển nông. Dù Bắc Kinh dành nhiều lời có cánh cho loại tàu ngầm phát triển trong nước này, tuy vậy một lần nữa họ lại trượt hợp đồng nhiều trăm triệu đô vào phút cuối.