Trung Quốc tuyên bố 'không có chỗ' cho Đài Loan tìm độc lập
Trung Quốc tuyên bố 'không có chỗ' cho hoạt động ly khai nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ chờ 'thống nhất'.
Một phát ngôn viên của Trung Quốc hôm 28-10 tái khẳng định không có không gian nào được phép cho các hoạt động ly khai tìm kiếm độc lập cho Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.
Bà Zhu Fenglian, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, đưa ra tuyên bố trên tại một cuộc họp báo để trả lời một câu hỏi của giới truyền thông, hãng Tân Hoa xã đưa tin.
“Chúng tôi vẫn kiên định như đá tảng trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sẽ không bao giờ dành ra bất kỳ khoảng trống nào cho các hoạt động ly khai tìm kiếm độc lập cho Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào” – bà Zhu nói.
Chính quyền Đảng Dân Tiến và các phần tử ly khai thúc đẩy “ độc lập cho Đài Loan” đã cấu kết với các thế lực bên ngoài và tăng cường khiêu khích nhằm tìm kiếm điều này, đây là nguyên nhân sâu xa của tình hình phức tạp và nghiêm trọng hiện nay trên eo biển Đài Loan, theo bà Zhu.
Liên quan đến Đài Loan, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 27-10 cho biết máy bay chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “sẽ bay qua Đài Loan” và cảnh báo nếu Đài Loan trả đũa thì điều đó đồng nghĩa với việc “xảy ra chiến tranh”.
Sau khi Mỹ công bố bán một loạt các vũ khí tinh vi cho Đài Loan trong vài tuần qua, Trung Quốc vào ngày 26-10 đã thông báo các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ liên quan đến các thương vụ này, bao gồm Lockheed Martin, Raytheon và Boeing Defense.
Cùng ngày hôm đó, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến đã cáo buộc các nhà lãnh đạo của đảng Dân Tiến Đài Loan đang thúc đẩy quá trình “phi hạt nhân hóa” và hợp tác với Mỹ để “gây nguy hại cho sự trỗi dậy của đại lục”.
Vị tổng biên tập này cho rằng việc Đài Loan tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong nỗ lực ly khai của hòn đảo này là một “ngõ cụt” và lựa chọn tốt nhất để duy trì hòa bình của hòn đảo này là quay trở lại “Đồng thuận 1992”, một thỏa thuận mà theo đó hai bên đều công nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.