Trung Quốc: Tuyển dụng hàng trăm nghìn giáo viên cho nông thôn nghèo khó
Bộ Giáo dục Trung Quốc dự kiến tuyển dụng hơn 84.000 tân cử nhân ngành Sư phạm vào vị trí giáo viên tại các trường tiểu học, THCS ở vùng nông thôn.
Dự án triển khai từ năm 2021, là nỗ lực thúc đẩy “tái sinh” các vùng nông thôn tại quốc gia này.
Trong cuộc họp ngày 7/4, Bộ Giáo dục cho biết chương trình tuyển dụng giáo viên vùng nông thôn hướng đến những khu vực nghèo khó, khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình cũng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học yếu kém tại vùng nông thôn như Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin.
Việc tuyển dụng giáo viên vùng nông thôn là vấn đề lớn đối với ngành giáo dục Trung Quốc dù quốc gia này đạt nhiều thành tựu đào tạo đội ngũ giảng dạy trong những năm gần đây. Năm 2006, Bộ và các ngành liên quan đã khởi động chương trình tuyển dụng giáo viên vùng nông thôn cho bậc mẫu giáo đến lớp 9 tại miền Trung, miền Tây. Sau 3 năm, chương trình mở rộng tới huyện nghèo tại 22 tỉnh.
Đến năm 2015, Chính phủ Trung Quốc ban hành dự án đầu tiên hỗ trợ xây dựng đội ngũ giáo viên tại các vùng nông thôn, coi đây là chiến lược quốc gia. Dự án bao gồm xây dựng nhà ở xã hội, tăng tiền lương, chính sách bảo hiểm cho giáo viên tại vùng nông thôn. Đến nay, chương trình đã tuyển dụng được 950.000 giáo viên cho 30.000 trường nông thôn tại 1.000 quận. Trong đó, 51,6% có bằng cử nhân trở lên.
Trong 15 năm qua, chính phủ đã phân bổ 71 tỷ nhân dân tệ để trả lương, xây dựng nhà ở, giao thông, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho 1,27 triệu giáo viên ở khu vực khó khăn. Mức lương của giáo viên nông thôn cũng được cải thiện đáng kể dù vẫn có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành.