Trung Quốc ứng dụng công nghệ để giảm lượng khí thải

Than được biết đến là 'xương sống' của Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới. Đất nước hơn 1 tỷ dân tiêu thụ 53% lượng than trên thế giới, đồng thời 'đóng góp' tới 30% lượng khí thải toàn cầu. Trong nỗ lực loại bỏ dần than đá, Trung Quốc đang thúc đẩy ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để giảm lượng khí thải carbon.

Đây là mỏ than lộ thiên Heidaigou, với công suất 34 triệu tấn than mỗi năm. Trung Quốc có 72 mỏ than khổng lồ như thế này. Năm 2021, sản lượng của các mỏ than lớn chiếm 72% tổng sản lượng than ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng than khai thác lớn cũng đi kèm với số lượng chất thải rắn công nghiệp lớn.

Bà Gao Guimei, Phó Giám đốc Nhà máy Thí điểm Oxit Nhôm Zhunge'er Energy cho biết: "Nếu chúng ta không tận dụng tro than, nó sẽ là chất thải rắn công nghiệp lớn nhất ở Trung Quốc. Từ năm 2011 đến 2021, Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách về sử dụng toàn diện chất thải rắn công nghiệp. Hai chất thải rắn lớn nhất trong khai thác than lộ thiên là tro than và than phế liệu.”

Than phế liệu là chất thải rắn được tạo ra trong quá trình khai thác và làm sạch, chiếm 10 - 15% tổng sản lượng than. Nhiều nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc có thể biến chất thải rắn này thành điện năng.

Ông Liu Haijun, Giám đốc Nhà máy điện than phế liệu nói: "Điện sản xuất từ than phế liệu được truyền đến lưới điện phía tây Nội Mông, sau đó đến Bắc Kinh, hòa vào lưới điện phía bắc Trung Quốc và cuối cùng là toàn bộ khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Đường Sơn. Khoảng 1 triệu kWh điện được truyền tới các hộ gia đình ở Bắc Kinh mỗi ngày. Ngoài ra, năng lượng được tạo ra bằng lò hơi tầng sôi tuần hoàn, nhiệt độ đốt cháy khá thấp, khoảng 850 độ C. Vì vậy, nó tạo ra ít chất gây ô nhiễm hơn như nitơ oxit và lưu huỳnh điôxit, khiến than trở nên thân thiện với môi trường hơn.”

Đến cuối năm 2021, số lượng các nhà máy điện có lượng khí phát thải thấp đã ngày càng nhiều, chiếm 77% tổng số nhà máy nhiệt điện trên khắp Trung Quốc. Thậm chí, giờ đây, nhiều nhà máy điện còn đặt mục tiêu đưa mức phát thải gần bằng 0.

Ông Song Chengpeng, Phó Giám đốc Mỏ than lộ thiên Heidaigou đánh giá thị trường than hiện nay vẫn đang bùng nổ và công ty của ông vẫn có lãi. Nhưng chắc chắn một ngày nào đó than sẽ cạn kiệt. "Vì vậy, trong vài thập kỷ qua, chúng tôi đã suy nghĩ về những gì mình sẽ làm trong tương lai", ông Song Chengpeng nói.

Bà Gao Guimei, Phó Giám đốc Nhà máy Thí điểm Oxit Nhôm Zhunge'er Energy cho biết: “Chúng tôi lựa chọn đổi mới công nghệ. Đó là điều mà giai đoạn phát triển đất nước đang trông đợi. Công nghệ của chúng tôi cho phép chúng tôi tận dụng tốt cả than phế liệu và tro than. Vì vậy chúng tôi có thể tận dụng tối đa than đá.”

Với việc ứng dụng công nghệ mới, nhà máy Thí điểm Oxit Nhôm Zhunge'er Energy đến nay đã có thể sản xuất 4.000 tấn oxit nhôm mỗi năm từ tro than.

Theo bà Gao Guimei, Phó Giám đốc Nhà máy Thí điểm Oxit Nhôm Zhunge'er Energy, một tấn than nếu bán trực tiếp sẽ mang lại một phần lợi nhuận, nhưng với công nghệ cao, lợi nhuận sẽ tăng gấp 18 lần.

Hiện tại, than đá vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính của Trung Quốc. Tuy vậy, tỷ lệ điện than trong tổng sản lượng điện của Trung Quốc đã giảm hơn 10% trong thập kỷ qua, trong khi năng lượng sạch đạt được nhiều tiến bộ, chiếm hơn 60% mức tăng trưởng về tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết giảm dần tiêu thụ than sau năm 2025.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/trung-quoc-ung-dung-cong-nghe-de-giam-luong-khi-thai-148971.htm