Trung Quốc ưu tiên công nghệ chiến lược
Hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với truyền thông và điện toán lượng tử là những ưu tiên công nghệ hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Mới đây, nước này đã cơ cấu lại Bộ Khoa học - Công nghệ và thành lập Ủy ban Khoa học - Công nghệ trung ương để thể hiện chính sách này.
Vũ trụ
Trung Quốc hiện vẫn đang là một cường quốc trong không gian với các chương trình dân sự. Các mục tiêu đầy tham vọng đã phản ánh điều này: Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng vào năm 2036; chứng minh khả năng sản xuất điện ở mức gigawatt thông qua dự án năng lượng mặt trời trên không gian vào năm 2050; thực hiện sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa trong giai đoạn 2033-2049 và một nhiệm vụ thăm dò tiểu hành tinh vào năm 2025.
Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất có trạm vũ trụ quỹ đạo tầm thấp (LEO) độc lập của riêng mình mang tên Thiên Cung. Gần đây, Trung Quốc thông báo thử nghiệm thành công khả năng tái tạo 100% nguồn cung cấp oxy trên trạm Thiên Cung. Theo thông tin trích dẫn trên China Daily, Biện Cường, Trưởng phòng Kiểm soát môi trường và kỹ thuật hỗ trợ sự sống thuộc Trung tâm Phi hành gia Trung Quốc, đã giải thích tầm quan trọng của nó: “Sự phát triển này phản ánh sự chuyển đổi cơ bản của hệ thống kiểm soát môi trường và hỗ trợ sự sống cho tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc, từ “tiếp tế” sang “tái tạo”. Quan trọng hơn, hệ thống này có thể tái tạo 95% lượng nước của chính nó, điều đó có nghĩa là việc tiếp tế cho trạm vũ trụ từ mặt đất thông qua tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu sẽ giảm 6 tấn/năm.
Trung Quốc cũng có hệ thống định vị Bắc Đẩu độc lập của riêng mình bao gồm 35 vệ tinh; gần 250 vệ tinh quân sự phục vụ tình báo, giám sát, trinh sát và xác định mục tiêu, cũng như năng lực ASAT động lực học và phi động lực học. Trong Sách Trắng năm 2021 của Trung Quốc về các hoạt động không gian, bảo vệ hành tinh được xác định là nhiệm vụ chính. Sứ mệnh bảo vệ hành tinh được Trung Quốc đặt ra cũng bao gồm việc theo dõi các tiểu hành tinh, thiên thạch và phát triển các công nghệ làm chệch hướng. Nhờ đó, Trung Quốc đã xác định tiểu hành tinh 2019 VL5, có đường kính khoảng 108 feet (33 mét) quay quanh Mặt trời 356 ngày một lần, là điểm đến của một sứ mệnh bảo vệ hành tinh vào năm 2025. Theo đó, họ sẽ phóng 2 tàu, một tàu quan sát và tàu va chạm với nhiệm vụ nghiên cứu và làm chệch hướng hành trình của tiểu hành tinh này bằng va chạm.
Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở quan sát không gian sâu ở Trùng Khánh, bao gồm 25 radar với khẩu độ 30m, để phát hiện các tiểu hành tinh cách xa hơn 10 triệu km. Được gọi là Phức Nhãn (China Fuyan), hệ thống radar tầm xa này sẽ bồi đắp cho bộ máy phòng thủ hành tinh của nước này cũng như cung cấp khả năng quản lý giao thông không gian.
Trí tuệ nhân tạo
Trong Sách Trắng của Học viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc về “Trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy”, đã nêu bật sự phát triển của AI như một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Các công nghệ dựa trên AI được hình dung trong tài liệu này bao gồm hệ thống tín nhiệm xã hội, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, ôtô tự lái, máy bay không người lái và máy bay tự hành; sản xuất đắp lớp và thậm chí cả các nền tảng không gian trong quỹ đạo với khả năng xác định ai là kẻ thù dự vào AI. Trung Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 14,7 tỷ USD cho AI trong năm 2023, chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu. Đến năm 2026, con số này ước tính sẽ đạt khoảng 26 tỷ USD.
Sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo với các công nghệ quân sự có thể tạo thêm lợi thế đáng gờm cho Trung Quốc. Đến năm 2025, Trung Quốc có kế hoạch phát triển cụm Cát Lâm-1 gồm 130 vệ tinh trang bị AI để làm chệch hướng năng lực vệ tinh ASAT của nước khác. Dự án Cát Lâm-1 đang được Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trường Xuân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) phát triển như một phần của kính viễn vọng vệ tinh trí tuệ địa không gian Trung Quốc với kinh phí 375 triệu USD. Công ty Trung Quốc Head Aerospace cũng tham gia dự án. 70 trong số 138 vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo. Các vệ tinh Cát Lâm sử dụng AI để theo dõi chính xác các vật thể chuyển động, có thể được áp dụng để thu thập thông tin tình báo và nhắm mục tiêu chính xác với phạm vi theo dõi bao phủ một số khu vực nhất định trên Trái Đất từ 17 đến 20 lần mỗi ngày.
AI cũng được xác định là một ngành công nghệ và công nghiệp then chốt trong chiến lược đổi mới và “Made in China 2025” của Trung Quốc. Nước này cũng đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, 7 năm kể từ khi tái thiết cấu trúc thể chế khoa học và công nghệ.
Truyền thông và điện toán lượng tử
Trung Quốc đã chứng tỏ vị thế dẫn đầu toàn cầu về truyền thông lượng tử từ năm 2017 khi các nhà khoa học Trung Quốc chiếu chùm photon liên kết từ vệ tinh truyền thông lượng tử đầu tiên trên thế giới Micius được phóng lên năm 2016. Tháng 6/2020, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature, Phan Kiến Vĩ, Ủy viên Ủy ban toàn quốc của Chính hiệp Trung Quốc, viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch điều hành của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đã giới thiệu một phương pháp an toàn để nhắn tin lượng tử bằng cách sử dụng Micius. Điều này đưa Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu sở hữu khả năng liên lạc không thể bị xâm phạm.
Sự kết hợp giữa vũ trụ, AI cùng với truyền thông và điện toán lượng tử đang thúc đẩy Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ thực sự. Đây được coi là sự tiếp nối trong tư duy chiến lược vĩ đại về sức mạnh quốc gia toàn diện từ thời ông Đặng Tiểu Bình, trong đó xác định sự phát triển của khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc nổi lên như một cường quốc và thay thế Mỹ vào những năm 2020.