Trung Quốc và EU đàm phán, Mỹ có thể 'ngửi thấy mùi máu'
Khi các cuộc đàm phán đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tới giai đoạn quan trọng, Mỹ sẽ theo dõi bất kỳ nhượng bộ nào được Bắc Kinh đưa ra.
Hôm 26-7, báo South China Morning Post (SCMP) cho biết các quan chức Trung Quốc và EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về một hiệp ước đầu tư.
Giới phân tích nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ người chịu áp lực nặng nề nhất ở Mỹ sau khi ông thúc đẩy việc tạo ra một mối quan hệ thương mại và đầu tư cân bằng hơn với Trung Quốc. Bất kỳ sự nhượng bộ nào của Bắc Kinh đối với EU cũng có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ tăng cường cách tiếp cận trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích Kelsey Broderick, nếu Mỹ thấy Trung Quốc nhượng bộ EU một cách nghiêm túc, họ có thể "ngửi thấy mùi máu trong nước" (giống loài cá mập, khi đó sẽ thúc đẩy bản năng săn mồi) và tìm cách đạt được các thỏa thuận với Bắc Kinh, qua đó thực hiện cam kết thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.
Mỹ và Trung Quốc đã trải qua hơn 24 vòng đàm phán từ thời cựu Tổng thống Barack Obama cho đến Tổng thống Trump nhằm đạt được Hiệp ước đầu tư song phương (BIT) và các mục tiêu cơ bản vẫn còn nguyên. Báo cáo của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) năm 2016 chỉ ra rằng BIT có thể tạo cơ hội để giải quyết và ngăn cấm các hành vi không phù hợp với quy chuẩn pháp lý và đầu tư quốc tế của Trung Quốc.
BIT dưới thời ông Obama không nhắm mục tiêu cụ thể vào các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nhà nước (SOEs), thay vào đó cố gắng giải quyết ưu đãi mà Bắc Kinh dành cho các công ty đó cũng như các công ty nước ngoài cạnh tranh tại thị trường đại lục.
Còn EU lại tìm kiếm các cam kết về hành vi của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đồng thời tăng tính minh bạch của các khoản trợ cấp.
Thành viên Hội đồng Đại Tây Dương, Julia Friedlander, cho hay thành công của EU có thể khuyến khích Mỹ từ bỏ hàng loạt biện pháp trừng phạt nhưng chỉ khi Trung Quốc ngừng leo thang quân sự và cải thiện nhân quyền. Nếu không, nó sẽ gây ra sụt giảm đầu tư của phương Tây vào Trung Quốc.
Nhà kinh tế Chad Bown tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) nhận định hầu hết vấn đề mà EU đang đàm phán với Trung Quốc trong khuôn khổ hiệp ước đầu tư song phương có thể mang lại lợi ích cho Mỹ nếu Bắc Kinh đồng ý thực hiện cam kết.
Mặc dù vậy, khả năng Mỹ phối hợp với EU để tạo sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ vẫn còn chưa rõ ràng trong khi Tổng thống Trump thường có lập trường đối đầu với EU. Một số lệnh trừng phạt đầu tiên của chính quyền Washington, đó là áp thuế mới đối với thép và nhôm, làm tổn thương các nhà sản xuất EU nhiều hơn so với những khu vực khác.