Trung Quốc và loạt nước châu Á phản ứng trước thuế quan của Mỹ
Trung Quốc hối thúc Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các mức thuế quan mới nhất, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích. Trong khi đó, nhiều nước châu Á cho biết sẽ đàm phán với Washington để cải thiện tình hình.
TRUNG QUỐC
Trong tuyên bố ngày 3/4, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ “hủy bỏ ngay lập tức” biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết những khác biệt thương mại với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế 34% đối với Bắc Kinh, Reuters đưa tin.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình,” Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh mức thuế quan mới của Mỹ là “mối nguy hiểm đối với cả chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế”.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng “không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ”.

Bảng liệt kê mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố sẽ áp dụng cho các quốc gia trên thế giới. Ảnh: AFP
Với tuyên bố mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%. Tính cả mức thuế 20% mà ông Trump đã áp đặt trước đó đối với Bắc Kinh, tổng mức thuế mới mà nhiều mặt hàng của quốc gia tỷ dân phải đối mặt là 54%. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không được miễn trừ, khi Liên minh châu Âu (EU) cũng chịu mức thuế 20%.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 154 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Con số này đã tăng lên 164 tỷ USD vào năm ngoái.
“Nói một cách đơn giản: Nếu đợt tăng thuế quan 20% trước đây của Tổng thống Trump gây ảnh hưởng đến thương mại Mỹ - Trung, thì động thái mới nhất chính là vũ khí lợi hại,” bà Jennifer Welch, chuyên gia phân tích địa kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, nhận định. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cũng dự báo rằng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn các nước khác trong việc đạt được thỏa thuận với Mỹ.
ĐÔNG NAM Á
Tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia bị Mỹ đánh thuế cao nhất ở mức 49%, tiếp theo là Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 44%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.
Theo Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 3/4 cho biết nước này sẽ đàm phán với Mỹ về thuế quan.
“Chúng tôi sẽ không để GDP không đạt được mục tiêu. Chúng tôi có một kế hoạch vững chắc. Chúng tôi đã chuẩn bị một số bước đi, bao gồm việc cử đại diện thường trực của chúng tôi đến nói chuyện với họ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đàm phán,” bà cho hay.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết Chính phủ nước này không ngạc nhiên khi bị áp thuế, mặc dù mức 36% là cao hơn dự kiến. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ đạt 45 tỷ USD vào năm 2024. Thái Lan cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu các sản phẩm năng lượng và thực phẩm để cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) Philippines lưu ý rằng Manila được xếp hạng là "ít bị ảnh hưởng nhất" trong số các nước xuất khẩu chính sang Mỹ. "Mức thuế quan mới cũng đưa Philippines vào vị thế có lợi hơn, cụ thể là đối với một số sản phẩm xuất khẩu nhất định,” Bộ trưởng Thương mại Cristina Roque cho biết, chỉ ra rằng sản phẩm dừa là một khả năng.
"Nhiệm vụ hiện tại của DTI và các cơ quan khác là làm thế nào để hành động nhanh chóng và tận dụng diễn biến mới này,” bà cho biết. Quan chức này cũng nói rằng Philippines đã chuẩn bị thảo luận về việc “mở rộng tiếp cận thị trường” đối với các sản phẩm xuất khẩu chính của Mỹ như ô tô, sản phẩm từ sữa, thịt đông lạnh và đậu nành.
Cùng ngày, CNA dẫn tuyên bố của ông Gan Kim Yong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, cho biết nước này thất vọng với mức thuế 10% mà Mỹ áp đặt. “Thuế nhập khẩu trả đũa sẽ chỉ làm tăng thêm chi phí cho hoạt động nhập khẩu của chúng tôi,” ông Gan nói, lưu ý rằng Chính phủ Singapore sẽ xem xét lại các dự báo kinh tế của mình do tình hình đang xấu đi.
Phó Thủ tướng Singapore đồng thời cho biết “đảo quốc sư tử” sẽ cố gắng tiếp cận Mỹ để hiểu các lĩnh vực quan tâm của Tổng thống Donald Trump và xem liệu chúng có thể được giải quyết hay không. “Nếu không có mối quan tâm cụ thể nào, thì sẽ khó để tranh luận hoặc đàm phán hơn,” ông Gan cho hay.
ĐÔNG BẮC Á
Tại khu vực Đông Bắc Á, mức thuế mà Hàn Quốc gánh chịu là 25%, trong khi Nhật Bản là 24%, còn nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) là 32%.
Phát biểu tại Seoul, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết: “Cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực và chính phủ phải dốc toàn lực để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại này”.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo. Ảnh: Yonhap
Ông Han Duck-soo cũng đã ra lệnh các Bộ tích cực đàm phán với Washington nhằm giảm thiểu tác động của chính sách thuế quan đối với doanh nghiệp Hàn Quốc; đồng thời yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto tuyên bố Nhật Bản sẽ cân nhắc “mọi biện pháp” để đối phó với mức thuế 24% do Tổng thống Trump công bố. “Khi cân nhắc các biện pháp đáp trả, chúng tôi cần đưa ra quyết định vừa cẩn trọng, vừa mạnh mẽ và nhanh chóng, sao cho có lợi nhất cho Nhật Bản. Chúng tôi hiện để ngỏ mọi phương án có thể,” Reuters trích phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto tại cuộc họp sáng 3/4.
Ông Muto cũng cho biết một nhóm đặc trách sẽ được thành lập để đánh giá chi tiết các tác động của chính sách thuế quan mới đến từ Nhà Trắng.
NAM Á
Các nền kinh tế tại khu vực Nam Á cũng chịu thuế cao, gồm Sri Lanka 44%, Bangladesh 37%, Pakistan 29%, Ấn Độ 26%. Bộ Thương mại Ấn Độ ngày 3/4 cho biết New Delhi đang cẩn thận xem xét những tác động từ thông báo áp thuế của Washington; đồng thời cũng “nghiên cứu các cơ hội có thể phát sinh do diễn biến mới nhất trong chính sách thương mại của Mỹ”.
Cơ quan này cũng nhắc đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có thỏa thuận hồi tháng 2 năm nay về việc thực hiện giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại vào mùa Thu năm nay.
"Các cuộc đàm phán đang diễn ra tập trung vào việc cho phép cả hai nước tăng trưởng thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với chính quyền ông Trump về các vấn đề này và hy vọng sẽ đưa chúng tiến triển trong những ngày tới,” theo tuyên bố của Bộ Thương mại Ấn Độ.

Một công ty dệt may của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images
Ông Shafiqul Alam, thư ký báo chí của nhà lãnh đạo lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus, cho biết Chính phủ nước này đang tìm kiếm giải pháp khi Mỹ áp thuế 37%. “Hội đồng Doanh thu Quốc gia (NBR) đang xác định các lựa chọn để hợp lý hóa thuế quan một cách nhanh chóng. Đây là điều cần thiết để giải quyết vấn đề này”.
Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), ngành may mặc đạt kim ngạch xuất khẩu 38,48 tỷ USD trong năm 2024. Bangladesh xuất khẩu 8,4 tỷ USD hàng may mặc hàng năm sang Mỹ.