Nguy cơ suy thoái toàn cầu từ đòn thuế mới của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3-4 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Washington kỳ vọng đây sẽ là công cụ tạo nguồn thu cho việc cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đòn thuế quan mới của Mỹ sẽ làm suy yếu hơn nữa kinh tế thế giới vừa phục hồi sau đợt lạm phát tăng vọt sau đại dịch và đang bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong sự kiện công bố mức thuế mới tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-4 công bố loạt chính sách thuế quan mới. Theo đó, Mỹ áp thuế cơ sở 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5-4. Ngoài ra, Mỹ áp dụng thuế đối ứng với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ ngày 9-4. Tổng thống Trump cho biết mức thuế đối ứng này chỉ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó đang áp lên hàng hóa Mỹ.
Danh sách cho thấy Mỹ sẽ áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%. Nhóm các nước khác chịu mức thuế 10% gồm có Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo bảng danh sách của Nhà Trắng, Nga và Belarus không nằm trong đó. Người phát ngôn Nhà Trắng, Karoline Leavitt cho biết Nga và Belarus bị loại khỏi danh sách do các lệnh trừng phạt kinh tế đã được áp dụng. Các quốc gia bị trừng phạt nghiêm trọng khác, bao gồm Cuba và Triều Tiên, cũng không có trong danh sách này. Canada và Mexico cũng nằm trong số các quốc gia được miễn trừ do đã bị áp thuế 25% trước đó.
Thị trường quốc tế chao đảo
Dù đã phần nào dự đoán trước nhưng thị trường quốc tế vẫn chao đảo mạnh trước “cơn địa chấn” thuế quan của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm 2 USD sau khi ông Trump công bố thuế quan mới, làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô.
Thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" với chỉ số Dow Jones giảm 0,61%, S&P 500 giảm 1,69% và Nasdaq-100 giảm 2,54%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 4% và 1,29%. Trong phiên giao dịch sáng 3-4, chỉ số chứng khoán Nikkei tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng. Tại Trung Quốc, đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tuần và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sau khi các mức thuế mới của Mỹ có thể ảnh hưởng bất lợi đến các đối tác thương mại của nước này.
Trên thị trường vàng, giá kim loại này đã chạm mức cao kỷ lục khi có lúc vọt lên trên 3.160 USD/ounce trước khi trở lại mốc 3.153,44 USD/ounce. Giá vàng giao sau tại New York tăng vọt lên mức kỷ lục trên 3.200 USD/ounce. Vàng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh bất ổn kinh tế-chính trị và nguy cơ nổ ra cuộc chiến thuế quan mới đang hiện hữu.
Các nước tuyên bố đáp trả
Động thái mới nhất của ông Trump đánh dấu bước leo thang đáng kể nhất về thuế quan của Mỹ trong gần một thế kỷ, kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930. Nhưng cuộc đối đầu thương mại này chưa dừng lại ở đó. Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng nhiều mức thuế bổ sung theo từng ngành sẽ tiếp tục được công bố trong thời gian tới.
Nhiều quốc gia đã phát tín hiệu sẽ đáp trả mức thuế mới của ông Trump. Từ ngày 30-3, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả. Cả ba quốc gia này phải đối mặt với mức thuế cao hơn 20%. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố bà sẽ công bố một kế hoạch kinh tế toàn diện vào ngày 3-4 để đối phó với các mức thuế của ông Trump, bao gồm các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp ô-tô. Nhiều lãnh đạo châu Âu cũng lên tiếng sau tuyên bố của ông Trump, cam kết sẽ đáp trả sau khi nghiên cứu kỹ tác động của các mức thuế này. Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đăng trên X rằng các quan chức nước này sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Thủ tướng Canada Mark Carney nói rằng các mức thuế mới sẽ thay đổi căn bản hệ thống thương mại quốc tế và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đối đầu với các mức thuế này bằng các biện pháp đáp trả”.
Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh nhiều đối tác thương mại đã bày tỏ bất bình và phản đối một cách rõ ràng. Trung Quốc "kiên quyết phản đối" quyết định áp thuế đối ứng mà Tổng thống Trump vừa công bố, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng các nước không vội trả đũa sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới. “Hãy ngồi xuống, hít thở sâu, đừng vội trả đũa ngay lập tức”, ông Bessent nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Hãy chờ xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu, vì nếu các nước đáp trả ngay lập tức, đó là cách khiến căng thẳng leo thang”. Ông cảnh báo rằng bất kỳ hành động vội vàng nào cũng sẽ là thiếu khôn ngoan.
“Canh bạc” đối với kinh tế Mỹ
Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro nhận định, với việc sử dụng các đòn thuế quan, “ngân sách Mỹ mỗi năm sẽ thu về được thêm 600 tỷ USD. Đây là một món tiền rất lớn nếu so sánh với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2022 là 3.200 tỷ USD”.
Chưa rõ liệu “canh bạc” thuế quan mới của Tổng thống Trump có thực sự mang lại "cú hích" cho nền kinh tế Mỹ như thông báo của giới chức chính quyền hay không, nhưng hậu quả đã nhìn thấy ngay trước mắt. Giới quan sát ví đây là “đợt tăng thuế lịch sử” có thể đẩy trật tự toàn cầu đến điểm tan vỡ và khởi động một quá trình chuyển đổi đau đớn cho chính người dân Mỹ khi các mặt hàng thiết yếu đều sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chưa kể tác động từ việc phá vỡ các liên minh được xây dựng với Mỹ để đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế.
Ông Olu Sonola, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings, cho biết theo chính sách mới, mức thuế quan trung bình có hiệu lực của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% từ mức chỉ 2,5% năm 2024. Đây là mức thuế trung bình cao nhất trong hơn 100 năm qua và là bước ngoặt không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu. Nhà nghiên cứu này còn cảnh báo nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Tương tự, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody's Analytics lo ngại rằng, nếu các mức thuế mới được thực thi mà không có miễn trừ đáng kể, chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ khó lòng "tiêu hóa" được cú sốc này và nguy cơ suy thoái là rất cao.
Ngay cả những thành viên của đảng Cộng hòa vốn rất tin tưởng vào ông Trump cũng thừa nhận rằng thuế quan có thể phá vỡ nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp lành mạnh là 4,1%. Thực tế cho thấy trong bối cảnh đồng USD giảm dần sức mạnh như hiện nay, gánh nặng này sẽ đổ lên vai người tiêu dùng Mỹ. Giá hàng hóa nhập khẩu, từ ô-tô, điện tử đến hàng tiêu dùng thiết yếu, sẽ tăng vọt. Chính quyền của Tổng thống Trump kỳ vọng thuế quan sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất trở lại Mỹ nhưng với chi phí lao động cao, việc này chỉ khả thi với các ngành tự động hóa cao và các sản phẩm cao cấp. Ngay cả khi thành công, quá trình này cũng cần nhiều thời gian và khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh nguồn cung hàng nhập khẩu ngay trước mắt.
Áp lực lên nền kinh tế toàn cầu
Vòng thuế quan mới nhất của Mỹ được công bố ngày 2-4 sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế thế giới, vốn đang chật vật phục hồi trong bối cảnh lạm phát tăng vọt hậu đại dịch, gánh nặng nợ nần chồng chất và bất ổn do xung đột địa chính trị.
Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà Mỹ đã dẫn dắt từ sau Thế chiến thứ hai. Trong những tháng tới, tác động dễ thấy nhất sẽ là việc giá hàng hóa tăng do thuế mới, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.
Ông Antonio Fatas, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại trường kinh doanh INSEAD (Pháp), nhận định rằng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang dần trở nên kém hiệu quả hơn, bất ổn hơn và có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. Thuế quan cũng có khả năng cao sẽ gây tác động lan tỏa rộng tới các nhà hoạch định chính sách tại các ngân hàng trung ương và chính phủ. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến lạm phát toàn cầu vượt mức 2% - mục tiêu mà các ngân hàng trung ương hiện coi là có thể kiểm soát được. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các quyết định của ngân hàng trung ương. Tăng trưởng sản lượng yếu hơn sẽ khiến các chính phủ càng thêm khó khăn trước khối nợ công kỷ lục 318.000 tỷ USD trên toàn thế giới và tìm nguồn ngân sách cho các ưu tiên như quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội.
Nếu thuế quan đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển, những nước có lợi ích gắn chặt với nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Những gì xảy ra ở Mỹ sẽ không gói gọn ở đó. Nền kinh tế quá lớn và quá kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn khiến phần còn lại của thế giới không thể không bị ảnh hưởng", Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, bình luận.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguy-co-suy-thoai-toan-cau-tu-don-thue-moi-cua-my-post311162.html