Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới

Từ ngày 18-20/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến thăm Malaysia nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm là nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Malaysia trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại là trọng tâm

Theo hãng tin Bernama của Malaysia, chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Trung Quốc bắt đầu từ 18/6 và kéo dài 3 ngày trong bối cảnh hai quốc gia đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới quốc gia Đông Nam Á này trên cương vị là Thủ tướng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm ngày 19/6, ông Lý Cường đã có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại thủ đô hành chính Putrajaya trước khi gặp mặt với các phái đoàn. Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận khác nhau với 9 bộ của Malaysia, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, tài chính, nông nghiệp cho tới khoa học công nghệ, du lịch và văn hóa.

“Trung Quốc đang thúc đẩy hiện đại hóa trên mọi mặt thông qua phát triển chất lượng cao. Về phần mình, Malaysia đang thúc đẩy sự phát triển quốc gia dưới tầm nhìn của Malaysia Madani. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Malaysia”, ông Lý Cường nói trong một tuyên bố được hãng thông tấn quốc gia Bernama đăng tải.

Malaysia Madani - hay Civil Malaysia - là khung chính sách và khẩu hiệu chính phủ được Thủ tướng Anwar Ibrahim đưa ra, với Madani là từ viết tắt được tạo thành từ 6 giá trị cốt lõi bao gồm sự bền vững, thịnh vượng, đổi mới, tôn trọng, tin cậy và lòng nhân ái.

Một trong những thỏa thuận đáng chú ý nhất là một chương trình kéo dài 5 năm về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia với mục tiêu tăng cường liên kết giữa các ngành trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất cấp cao và kinh tế kỹ thuật số.

Ngoài ra, hai bên cũng ký một nghị định thư về các biện pháp cho phép Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, theo Văn phòng Thủ tướng Malaysia. Việc cho phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ mở ra một thị trường mới cho Malaysia ngoài thị trường sầu riêng cấp đông và sầu riêng nhuyễn hiện tại. Kể từ năm 2018, giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Malaysia sang Trung Quốc đã tăng từ 36 triệu USD lên gần 255 triệu USD vào năm 2023.

Ngoài hai thỏa thuận trên, các thỏa thuận khác được ký kết nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số và phát triển xanh, chống tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển nhà ở và đô thị, giáo dục đại học, trao đổi khoa học và công nghệ, du lịch cũng như hợp tác văn hóa.

Động lực thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Malaysia

Theo Bloomberg, chuyến thăm của ông Lý Cường là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc tới quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường mối quan hệ với một quốc gia luôn khẳng định tính trung lập trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực. Thủ tướng Anwar đang định vị Malaysia là điểm đến đầu tư của cả hai cường quốc, cam kết ít nhất 25 tỷ Ringgit (5,3 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn khi chuỗi cung ứng toàn cầu có sự thay đổi.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Malaysia cần thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc, đối tác số 1 từ năm 2009, nhằm tạo động lực để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 4% tới 5% trong năm 2024. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Malaysia, thương mại với Trung Quốc chiếm 17% thương mại toàn cầu của Malaysia, trị giá 98,8 tỷ USD vào năm 2023. Trước đó, trong báo cáo thường niên được Ngân hàng Trung ương Malaysia Bank Negara công bố ngày 20/3, tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2023 chỉ đạt 3,7%, giảm mạnh so với mức 8,7% của năm 2022 do nhu cầu bên ngoài yếu, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và tăng trưởng kinh tế trì trệ tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Malaysia hiện đang tìm cách gia nhập BRICS để đa dạng hóa các cơ hội kinh tế; trong khi một số nhà phân tích đặt câu hỏi về việc các thành viên của nhóm sẽ được hưởng lợi gì đối với sự tham gia của Malaysia thì nếu được các thành viên hàng đầu như Trung Quốc, Nga chấp thuận sẽ là bước tiến dài giúp Malaysia đạt được mục tiêu của mình. Ngày 17/6, trong cuộc phỏng vấn với trang Guancha của Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh, “Malaysia từng ngỏ ý tham gia BRICS và giờ đây đã đưa ra quyết định phù hợp. Chúng tôi sẽ sớm khởi động quy trình chính thức”. Ông cho biết, Chính phủ Malaysia đang tham vấn quy trình gia nhập BRICS với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời chờ phản hồi từ chính phủ Nam Phi. Ông Anwar đánh giá BRICS có “ý nghĩa chiến lược” với Malaysia, đồng thời nhận định vị trí địa lý của nước mình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khối. Malaysia nằm giáp eo biển Malacca, cầu nối vận tải hàng hải quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Còn theo TASS, Malaysia là điểm dừng chân thứ ba của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau New Zealand và Australia. Động thái cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và đầu tư vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh đang diễn ra với Mỹ. TASS nhận định, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ không ngừng thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines; đặc biệt, thông qua quan hệ với ASEAN để quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập phạm vi ảnh hưởng độc quyền trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặc biệt coi trọng vai trò của Đông Nam Á, muốn các nước trong khu vực này phụ thuộc chặt chẽ hơn vào Trung Quốc để ngăn chặn sự phong tỏa, can dự của Mỹ, đồng thời tạo đà vươn ra thế giới. Rõ ràng, xu hướng cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt, trong đó cả hai nước đều đang đặt ASEAN ở vị trí trung tâm và tích cực thúc đẩy lợi ích chung đối với các nước trong khu vực này.

Theo AFP ngày 20/6 cho biết, Trung Quốc sẵn sàng nghiên cứu kế hoạch kết nối Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) trị giá 10 tỷ USD của Malaysia với các dự án đường sắt khác do Trung Quốc hỗ trợ ở Lào và Thái Lan, nhằm mở rộng Chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh trên khắp Đông Nam Á. Giới phân tích chính trị cho rằng, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Lý Cường lựa chọn Malaysia là điểm dừng chân thứ ba sau New Zealand và Australia trong chuyến công du nước ngoài dài ngày của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Malaysia nằm trên tuyến giao thương quốc tế quan trọng, nhất là đối với Trung Quốc.

Hơn nữa, với vị trí địa lý nằm giữa khu vực và với một cộng đồng người Hoa khá lớn, Malaysia là một tác nhân hàng đầu, một yếu tố chính giúp Trung Quốc thắt chặt các mối quan hệ với ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Malaysia, nhất là sau khi BRI được triển khai từ năm 2013. Các dự án BRI nổi bật ở Malaysia có thể kể đến như Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc (MCKIP); Khu thương mại tự do kỹ thuật số; Dệt may D&Y; Liên minh Thép; Đầu tư vào năng lượng mặt trời của Jinko tại Penang; Trung tâm Đầu máy toa xe (CRCC) của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc tại Batu Gajah, Perak; và khoản đầu tư ô tô của Geely vào Proton, công ty ô tô quốc gia. BRI cũng bao gồm các khoản đầu tư của Huawei và ZTE vào lĩnh vực viễn thông cũng như các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời của Longyi tại Sarawak ở Đông Malaysia.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trung-quoc-va-malaysia-that-chat-quan-he-voi-mot-hiep-dinh-kinh-te-moi-217320.htm