Trung Quốc và Nga dẫn đầu toàn cầu về mảng này

Khi năng lượng hạt nhân được nhìn nhận lại như một nguồn năng lượng ổn định không phát thải, Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu xu hướng, với 70 lò phản ứng được xây dựng trong thập kỷ qua.

Vào năm 2024, sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, và trong 10 năm qua, khoảng 60% lò phản ứng hạt nhân mới được đưa vào sử dụng là ở Nga và Trung Quốc.

Thông tin trên được Nikkei – tờ báo kinh tế hàng đầu của Nhật Bản đưa, trích dẫn các tính toán và dữ liệu của họ từ Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF), nơi quy tụ các công ty hàng đầu trong ngành tại "xứ sở mặt trời mọc".

Trung Quốc và Nga dẫn đầu toàn cầu về số lượng lò phản ứng hạt nhân mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Power Engineering

Trung Quốc và Nga dẫn đầu toàn cầu về số lượng lò phản ứng hạt nhân mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Power Engineering

Theo JAIF và các nguồn dữ liệu khác của Nikkei, tính đến tháng 6 năm nay, có tổng cộng 436 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên toàn thế giới. Các lò này có khả năng tạo ra khoảng 416 gigawatt (GW) điện. Con số này vượt qua kỷ lục năm 2018 là gần 414,5 GW.

Trong 10 năm qua, gần 80 lò phản ứng hạt nhân mới đã được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới. Đáng chú ý, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến nhanh chóng về cả công suất và công nghệ.

Cùng nhau, Trung Quốc và Nga là nơi có khoảng 60% trong số khoảng 70 lò phản ứng được xây dựng trong thập kỷ qua. Trong cùng khoảng thời gian này, Trung Quốc đã xây dựng 39 lò phản ứng, tăng gấp 4 lần công suất điện.

Lò phản ứng thứ 56 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động vào tháng 5 tại nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Xét về số lượng lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, Trung Quốc ngang bằng với Pháp, và đứng thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho biết trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ về năng lượng hạt nhân vào năm 2030.

Năng lượng hạt nhân là một phần trong nỗ lực cắt giảm lượng phát thải CO2 và ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, nơi phụ thuộc vào các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất khoảng 70% điện năng.

Về phía Nga, gã khổng lồ Á-Âu đã bắt kịp Nhật Bản về số lượng lò phản ứng hạt nhân. Trong số 33 lò phản ứng đang hoạt động của Nga, 9 lò đã bắt đầu hoạt động trong vòng 10 năm qua.

Nga có thêm 10 lò phản ứng đang được xây dựng và hơn 20 lò khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch khi nước này tìm cách giảm mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên – một mặt hàng xuất khẩu chính của họ.

Nga nắm giữ gần 50% thị phần làm giàu uranium toàn cầu – một yếu tố thiết yếu để sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Về mặt công nghệ, nước này đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới, bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2020. Moscow cũng dẫn đầu trong việc phát triển các lò phản ứng nhanh, sử dụng nhiên liệu hạt nhân hiệu quả hơn.

Ở phương Tây, việc phát triển năng lượng hạt nhân chủ yếu do khu vực tư nhân dẫn đầu, nhưng các chính phủ đang ngày càng hỗ trợ nhiều hơn.

Năm ngoái, Pháp đã quốc hữu hóa công ty điện EDF, một động thái mà Paris cho biết là cần thiết để xây dựng các lò phản ứng hạt nhân.

Năm 2022, Mỹ đã khởi động một chương trình trị giá 6 tỷ USD để ngăn chặn các nhà máy điện hạt nhân đóng cửa. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cung cấp 30 tỷ USD tín dụng thuế cho các nhà sản xuất năng lượng hạt nhân từ năm 2024 đến năm 2032.

Tại Nhật Bản, hơn 20 công ty đã rút khỏi ngành công nghiệp hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011. Hiện tại, chi phí xây dựng một nhà máy hạt nhân là hơn 1.000 tỷ yên (6,9 tỷ USD), hoặc cao hơn gấp đôi so với ước tính của chính phủ Nhật Bản vào năm 2021.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhu cầu từ riêng các trung tâm dữ liệu được dự báo sẽ tăng vọt 2,3 lần vào năm 2026 so với năm 2022.

Thường bị lu mờ bởi năng lượng tái tạo trong cuộc tranh luận về việc cắt giảm phát thải carbon, năng lượng hạt nhân đang được nhìn nhận lại như một nguồn năng lượng ổn định không phát thải.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 năm ngoái, 22 quốc gia đã thông qua mục tiêu đưa công suất điện hạt nhân lắp đặt vào hoạt động là 1.200 GW vào năm 2050, gấp 3 lần so với năm 2020. Điều đó sẽ đòi hỏi ít nhất 600 lò phản ứng mới, nhưng chỉ có 160 lò phản ứng đang được lên kế hoạch trên toàn thế giới.

Minh Đức (Theo Nikkei Asia, Fakti)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-quoc-va-nga-dan-dau-toan-cau-ve-mang-nay-20424082221393532.htm