Trung Quốc và Saudi Arabia xích gần

Khi mối quan hệ giữa khu vực Trung Đông và Mỹ dần 'lạnh nhạt', các quốc gia vùng Vịnh đang tìm đến những cơ hội hợp tác mới và nhiệt tình chào đón Trung Quốc hơn.

Trong hai thập kỷ qua, dù nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở nhiều khu vực trên thế giới, Bắc Kinh dường như vẫn thận trọng khi tiếp cận khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, vào ngày 9/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thay đổi cách tiếp cận này khi tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, theo Nikkei Asia.

Ông Dave Sharma, cây bút của Nikkei Asia và từng là cựu cố vấn ngoại giao hàng đầu trong văn phòng thủ tướng Australia, nhận định "sự kiện này đánh dấu thời điểm Trung Đông gia nhập cuộc cạnh tranh đang diễn ra trên toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc".

Cột mốc mới

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông. Bắc Kinh là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Saudi Arabia và là người mua dầu lớn nhất ở khu vực Trung Đông nói chung, với khoảng 4 triệu thùng/ngày.

Dù có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, cho đến nay, khu vực này vẫn phụ thuộc vào Mỹ về mặt an ninh. Bắc Kinh không can thiệp vào các cuộc xung đột hay các vấn đề an ninh lớn trong khu vực, chẳng hạn cuộc nội chiến ở Syria hay tham vọng hạt nhân của Iran.

Song với việc hai bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, tờ Hoàn Cầu thời báo nhận định chuyến thăm của ông Tập “phản ánh một cột mốc mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab”.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh, Saudi Arabia, vào ngày 7/12. Ảnh: Saudi Press Agency.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh, Saudi Arabia, vào ngày 7/12. Ảnh: Saudi Press Agency.

21 quốc gia Arab hiện là một phần Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia lần lượt xếp thứ hai và thứ ba về số lượng dự án xây dựng của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI.

Trung Quốc hỗ trợ quá trình tái thiết Syria và đang đầu tư vào các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng ở Iraq. Nước này cũng đang hỗ trợ xây dựng thủ đô hành chính mới của Cairo và một tàu điện ngầm mới ở Mecca, Saudi Arabia.

Một hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và 6 quốc gia vùng Vịnh Arab sắp hoàn tất, sau khi Bắc Kinh thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này vào năm 2020.

Lợi ích của Trung Quốc trong khu vực rất rõ ràng. Trung Đông là nhà cung cấp năng lượng quan trọng, và việc đầu tư vào các cảng, cơ sở hạ tầng khác giúp đảm bảo các tuyến thương mại kết nối Bắc Kinh với châu Phi và châu Âu. Trung Đông cũng có thể trở thành đối tác ngoại giao tiềm năng của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác.

Trong khi đó, từ góc nhìn của thế giới Arab, mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cũng rất hấp dẫn, ông Sharma cho biết.

Trung Quốc vừa là một thị trường xuất khẩu đang phát triển, vừa là nguồn cung cấp vốn và hỗ trợ chuyên môn. Không giống như Mỹ và châu Âu, Bắc Kinh không đưa ra các quan ngại về nhân quyền trên bàn đàm phán. Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp vũ khí tiềm năng thay thế Mỹ.

Khi sự phụ thuộc của Mỹ vào năng lượng ở Trung Đông đã giảm bớt và Washington chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các quốc gia Arab cảm thấy bị coi nhẹ.

Đặc biệt đối với các quốc gia vùng Vịnh, vốn thiếu năng lực quân sự để tự vệ trước các cường quốc như Iran, Trung Quốc là một đối tác chiến lược tiềm năng có thể bù đắp cho mối quan hệ đối tác an ninh đang sụt giảm với Mỹ.

Tham vọng và nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran vẫn là mối lo ngại an ninh lớn nhất của Trung Đông. Các quốc gia vùng Vịnh không còn đặt nhiều niềm tin vào quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng họ hy vọng Trung Quốc có thể sử dụng một số đòn bẩy để tác động đến nước này.

"Mặc dù Bắc Kinh khó có thể giúp đỡ trực tiếp trong vấn đề này, vì họ không muốn vướng vào các tranh chấp khu vực, quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Saudi Arabia cũng sẽ làm phức tạp thêm tính toán chiến lược của Iran", ông Sharma giải thích.

Sự đối lập với ông Biden

Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Saudi Arabia. Tuy nhiên, Thái tử Mohammad bin Salman không tiếp đón ông tại sân bay, và hành trình của ông Biden chỉ bao gồm một điểm dừng ở Jeddah chứ không phải thủ đô nước này.

Với chuyến thăm này, Washington muốn nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tăng lượng xuất khẩu để hạ giá dầu đang tăng vọt, vốn đe dọa cơ hội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, theo CNN.

Tuy nhiên, vài tuần sau chuyến thăm của ông Biden, Riyadh đã thúc đẩy cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, khiến mối quan hệ giữa hai nước càng rạn nứt.

 Cái cụng tay của ông Biden với thái tử Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Cái cụng tay của ông Biden với thái tử Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng nhận được sự chào đón nồng nhiệt hơn ở Riyadh.

Saudi Arabia đã trải thảm đỏ chào đón ông Tập, “điều này tạo nên sự tương phản rõ rệt với sự tiếp đón yên lặng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được khi ông đến thăm vương quốc này vào tháng 7”, tờ Hoàn cầu Thời báo viết.

CNN cũng đưa tin ít nhất 14 nhà lãnh đạo Arab tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Các quốc gia Arab. Và theo cơ quan báo chí của nước chủ nhà, hơn 20 thỏa thuận ban đầu trị giá 29,26 tỷ USD sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm.

Tuy nhiên, ông Sharma cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng ngoài các cuộc xung đột khu vực và tránh những xích mích không cần thiết. “Họ không tìm cách thay thế Mỹ với tư cách một đối tác an ninh của thế giới Arab”, ông viết trên Nikkei Asia.

Song sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc với khu vực mang lại cho thế giới Arab một cơ hội mới - chưa từng được hưởng kể từ Chiến tranh Lạnh - và họ đang nắm bắt cơ hội từ cả hai phía, vị chuyên gia nhận định.

Ông Biden cụng tay với thái tử Saudi Arabia Ông Joe Biden cụng tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khi cả hai gặp nhau lần đầu tiên ở Jeddah vào ngày 15/7, trong chuyến công du của tổng thống Mỹ đến Trung Đông.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-va-saudi-arabia-xich-gan-post1383410.html