Trung Quốc xem xét nâng trần sở hữu nước ngoài ở các công ty niêm yết

Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các quy định giới hạn quyền sở hữu nước ngoài ở các công ty đại chúng trong nước trong nỗ lực thu hút các quỹ toàn cầu quay trở lại thị trường chứng khoán trị giá 9.400 tỉ đô la Mỹ.

Tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng kỷ lục 12 tỉ đô la cổ phiếu hạng A của Trung Quốc. Ảnh: Macau Daily Times

Tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng kỷ lục 12 tỉ đô la cổ phiếu hạng A của Trung Quốc. Ảnh: Macau Daily Times

Tờ Bloomberg hôm 22-9 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, giới chức trách Trung Quốc đang cân nhắc điều chỉnh chính sách nhằm nâng trần sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh. Đây là một phần trong nỗ lực mở cửa thị trường và thúc đẩy giao dịch chứng khoán. Trung Quốc hiện giới hạn tổng quyền sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết trong nước ở mức 30% và giới hạn sở hữu ở mức 10% đối một cổ đông nước ngoài riêng lẻ.

Theo các nguồn tin, các cuộc thảo luận mới nhất về quyền sở hữu nước ngoài vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các chi tiết, chẳng hạn như lĩnh vực nào có thể được hưởng lợi và mức trần sở hữu mới, vẫn chưa được quyết định. Động thái nới lỏng quyền sở hữu nước ngoài, nếu được thực hiện trong thời gian tới ,có thể đi kèm với rủi ro ở mức độ về việc dòng vốn đột ngột đổ vào, gây biến động mạnh trên thị trường.

Các cuộc thảo luận về trần sở hữu nước ngoài diễn ra trong bối cảnh các quỹ nước ngoài đang tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Đó cũng là một tín hiệu khác cho thấy Trung Quốc đang thực hiện cam kết trong cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 7 về việc “tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư”.

Tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng kỷ lục 12 tỉ đô la cổ phiếu hạng A của Trung Quốc (cổ phiếu giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến). Tính đến cuối tháng 6-2023, lượng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu cũng như nợ của Trung Quốc giảm khoảng 1.370 tỉ nhân dân tệ (188 tỉ đô la), tương đương mức 17%, so với mức đỉnh hồi tháng 12-2021.

Các nhà đầu tư toàn cầu tháo chạy trong bối cảnh họ lo ngại hàng loạt lo ngại từ nền kinh tế mong manh của Trung Quốc cho đến cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng và mối quan hệ ngày càng xấu với Mỹ.

Nhà sản xuất thiệt gia dụng điện tử Midea Group Co. là một trong những công ty Trung Quốc có sở hữu nước ngoài nhiều nhất với tỷ lệ sở hữu là 25,8%, tính đến hôm 21-9. Công ty kiểm định Center Testing International Group Co. có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao nhất (27,48%), tiếp theo là Công ty Công nghệ Hongfa (27,17%) và Công ty mỹ phẩm Proya (26,37%).

Trong một diễn khác, Trung Quốc cho phép người nước ngoài ở Thượng Hải và Bắc Kinh tự do chuyển tiền ra vào nước này. Đây là bước đi hướng tới việc nới lỏng các kiểm soát vốn nghiêm ngặt khi Bắc Kinh tìm cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thông báo từ chính quyền thành phố Thượng Hải hôm 21-9, các nhà đầu tư nước ngoài, dù là cá nhân hay công ty, tại khu thương mại tự do thí điểm Thượng Hải, có thể chuyển tiền của họ mà không có bất kỳ hạn chế hoặc chậm trễ nào.

Thông báo lưu ý các khoản tiền này cần tuân thủ pháp lý và liên quan đến các khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc. Quy định mới không áp dụng cho công dân Trung Quốc đại lục.

Khu thương mại tự do Thượng Hải là một trong những khu vực lớn nhất Trung Quốc. Đây là nơi đặt nhà máy Gigafactory của Tesla cũng như trụ sở quốc gia của hàng trăm công ty đa quốc gia, bao gồm HP, AstraZeneca và BlackRock.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Bắc Kinh đề xuất các quy định tương tự, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách mới được cho là nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng một nền kinh tế mở. Chính quyền đang ghi nhận phản hồi của công chúng về đề xuất này.

Các tin tức trên được công bố chỉ vài tuần sau khi dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng quý vào Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục do niềm tin kinh doanh sụt giảm.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, công bố hồi đầu tuần này, chỉ 52% công ty Mỹ được hỏi lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới ở Trung Quốc. Đây là tỷ lệ lạc quan nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu vào năm 1999.

Theo Bloomberg, CNN

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-xem-xet-nang-tran-so-huu-nuoc-ngoai-o-cac-cong-ty-niem-yet/