Trung Quốc: Xu hướng thuê 'cha mẹ chuyên nghiệp' để nuôi dạy con cái

'Người đồng hành chuyên nghiệp với trẻ em' hoặc một số người gọi là 'cha mẹ chuyên nghiệp' đang trở thành xu hướng thịnh hành ở Trung Quốc khi họ được các gia đình thuê để đảm nhận trách nhiệm giống như những người cha, người mẹ, cung cấp mức độ chăm sóc vượt xa vai trò bảo mẫu hoặc gia sư truyền thống.

"Người đồng hành" hỗ trợ trẻ làm bài tập về nhà, tổ chức các hoạt động thể chất hấp dẫn. Ảnh: SCMP composite/Shutterstock

"Người đồng hành" hỗ trợ trẻ làm bài tập về nhà, tổ chức các hoạt động thể chất hấp dẫn. Ảnh: SCMP composite/Shutterstock

Nhiều người trong số họ tốt nghiệp các trường danh tiếng như Harvard và Cambridge và là những cá nhân có nhiều kỹ năng và mức lương của họ đặc biệt rất cao.

Trong các gia đình hiện đại ngày nay, khi cả hai vợ chồng đều phải vật lộn với những công việc đòi hỏi cao, giờ giấc làm việc ngặt nghèo, việc quan tâm và nuôi dạy con cái có thể là một thách thức đáng kể. Trong nhiều trường hợp, các cặp đôi không muốn nhờ ông bà chăm sóc trẻ, hoặc nhiều gia đình mong muốn có một chất lượng giáo dục chuyên môn và kỹ năng sống tốt hơn cho con cái của mình, một giải pháp độc đáo đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc: thuê “cha mẹ chuyên nghiệp”.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), giới thượng lưu của đất nước này đang tìm đến những cá nhân có trình độ cao để làm “bạn đồng hành” với con cái của họ. Họ không chỉ là gia sư mà còn là người chăm sóc tận tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy, hướng dẫn sự phát triển về kiến thức, kỹ năng và cảm xúc của những đứa trẻ mà họ chăm sóc.

Vậy, những “cha mẹ chuyên nghiệp” này là ai? Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn vai trò và tác động của họ.

Vượt xa khái niệm bảo mẫu, gia sư

Những “người bạn đồng hành chuyên nghiệp dành cho trẻ em” này cung cấp dịch vụ chăm sóc vượt xa vai trò bảo mẫu hoặc gia sư truyền thống.

Ví dụ, Song Siyu, một người bạn đồng hành của trẻ em đến từ Trùng Khánh, làm việc từ 5h30 chiều đến 8h30 tối các ngày trong tuần, hỗ trợ trẻ trong suốt các hoạt động học tập tại nhà và chịu trác nhiệm cùng trẻ tham gia các hoạt động thể thao, kỹ năng như bóng đá, đấu kiếm hoặc bơi lội.

Một "người đồng hành" đưa trẻ đến các trung tâm giải trí. Ảnh: SCMP

Một "người đồng hành" đưa trẻ đến các trung tâm giải trí. Ảnh: SCMP

Những người chăm sóc này cũng đảm nhiệm một “vai trò mới mẻ” của các bậc cha mẹ truyền thống, từ đưa trẻ đi khám bệnh cho đến tâm sự, giúp trẻ giải quyết các nhu cầu tình cảm, thậm chí đưa trẻ đi du lịch. Họ có thể sống cùng với gia đình người thuê hoặc sống tại nhà riêng và lịch trình của họ thay đổi tùy thuộc yêu cầu của mỗi gia đình.

Một nhà tuyển dụng đã phỏng vấn hàng trăm cá nhân đăng ký làm “người đồng hành với trẻ em” và tiết lộ những chi tiết đáng ngạc nhiên về những “thành tích khủng” của họ. Chẳng hạn nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Harvard, Cambridge, Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Họ có bằng cấp cao, thông thạo nhiều ngôn ngữ và có kỹ năng chơi thể thao. Một số người thậm chí còn có kiến thức chuyên môn về tâm lý trẻ em.

Một người quản lý tại một công ty tư vấn giáo dục ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, chia sẻ với CNR News rằng có hơn 6.000 người nộp hồ sơ xin việc trong một năm sau khi công ty thành lập dịch vụ “bạn đồng hành cùng trẻ em”. Khoảng 60% ứng viên có bằng thạc sĩ, 30% tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và 10% là tiến sĩ.

Truyền thụ kiến thức, cảm hứng và định hướng cho trẻ

Đặc biệt, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các bậc cha mẹ Trung Quốc quan tâm tới những kỹ năng mềm của những người đồng hành. Họ mong muốn sẽ có người giúp con cái họ xây dựng thói quen học tập tích cực và truyền đạt những giá trị đúng đắn.

Những người bạn đồng hành này giúp trẻ em có cuộc sống trọn vẹn, xây dựng thói quen học tập tích cực và truyền đạt những giá trị đúng đắn. Ảnh: Shutterstock

Những người bạn đồng hành này giúp trẻ em có cuộc sống trọn vẹn, xây dựng thói quen học tập tích cực và truyền đạt những giá trị đúng đắn. Ảnh: Shutterstock

“Tôi thực sự muốn thuê một người có trình độ học vấn cao và kỹ năng để bầu bạn với con gái khi chồng và tôi đi làm. Mẹ tôi đang giúp chúng tôi chăm sóc con gái 4 tuổi của chúng tôi, nhưng bà không thể để mắt đến con bé vì còn bận việc nhà”, cô Li Nan, một bà mẹ 38 tuổi làm việc cho một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh cho biết.

“Tôi hiểu rằng một người đồng hành khác với một người trông trẻ thông thường. Tôi nghĩ hầu hết các bậc phụ huynh thuê người đồng hành đều muốn không chỉ dạy kiến thức như tiếng Anh hay toán mà còn cung cấp các khóa học liên quan đến nghệ thuật, kỹ năng, tạo dựng nề nếp cho con cái của họ”, cô nói thêm.

Cô Cai Yan, một giáo viên đến từ Cao đẳng Y khoa Tam Hiệp, Trùng Khánh, người được đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh, cho biết sự hỗ trợ tình cảm ổn định cho trẻ em quan trọng hơn đối với những gia đình thuê người đi cùng khi cha mẹ có cuộc sống bận rộn.

“Theo như tôi biết, mô tả công việc có một số điểm tương đồng với gia sư gia đình. Nhưng một người bạn đồng hành sẽ tập trung nhiều hơn đến việc hỗ trợ giáo dục trẻ em bằng cách truyền cảm hứng và hướng dẫn chúng hình thành thói quen học tập tốt, thay vì chỉ tập trung giúp chúng nâng cao điểm số”, cô Cai Yan nói.

“Tư vấn tâm lý cũng là một phần quan trọng của công việc. Người bạn đồng hành nên cảm nhận được những cảm xúc không lành mạnh của trẻ em trong quá trình đồng hành và cung cấp cho chúng tư vấn”, cô Cai nói thêm. Cô cho biết người đồng hành với trẻ em phải có sự kiên nhẫn, hiểu biết sâu sắc về tâm lý trẻ em và kỹ năng giao tiếp tốt. Cho đến nay, vẫn chưa có khóa đào tạo hoặc chứng chỉ chính thức nào cho nghề này. Tôi nghĩ rằng việc quản lý nghề này sẽ được cải thiện trong tương lai do nhu cầu thị trường lớn.

Mức lương khủng, nhu cầu lớn

Mặc dù không có số liệu chính thức, nhưng theo CNR News, mức lương của họ cũng không kém phần bất ngờ, dao động từ 1.400 USD đến 4.100 USD một tháng, theo trang tin tức Phoenix News của Trung Quốc. Mức lương phụ thuộc vào ngân sách của mỗi gia đình và yêu cầu về trình độ học vấn cũng như kỹ năng của người đi cùng.

Đài truyền hình quốc gia CCTV cũng đưa tin rằng người bạn đồng hành là trẻ em thường được các gia đình giàu có thuê trực tiếp từ các nền tảng mạng xã hội, bỏ qua quy định và sự bảo vệ của các cơ quan.

Thông thường, các dịch vụ này được các gia đình có giá trị tài sản ròng cao với tài sản vượt quá 1,4 triệu USD tìm kiếm. Khi những bậc cha mẹ này phải xoay xở giữa sự nghiệp đòi hỏi cao với mong muốn cung cấp dịch vụ chăm sóc hàng đầu cho con cái của họ, nhiều người đang lựa chọn người bạn đồng hành chuyên nghiệp thay vì dựa vào ông bà để được hỗ trợ.

Báo cáo của tờ Southern People Weekly cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nữ chuyên gia để kèm cặp con cái của các gia đình giàu có rất cao vì hầu hết các gia đều muốn tìm người đảm nhận vai trò “bà mẹ chuyên nghiệp”.

Shura, một “người bạn đồng hành của trẻ em”, nói với Southern People Weekly rằng lý do khiến "các bà mẹ chuyên nghiệp" thống trị ngành này là vì việc nuôi dạy con cái vẫn được coi là thiên chức của người mẹ. Quan điểm này khiến nhu cầu đối với "những ông bố chuyên nghiệp" hạn chế hơn.

Cô Shura cho biết: “Các gia đình có thể chọn người đồng hành là nam với mục đích giúp con họ phát triển thể chất, nhưng họ cũng nghĩ rằng nam giới có thể không phù hợp để chăm sóc con gái mình”.

Cha mẹ có thể bị “thay thế”?

Tuy nhiên, xu hướng này cũng có mặt trái. Trong không ít trường hợp, trẻ em có xu hướng trở nên gắn bó về mặt tình cảm với bạn đồng hành hơn là với cha mẹ của mình.

SCMP đưa tin, một người bạn đồng hành nữ tên là Susu, người có chuyên môn về dinh dưỡng, chịu trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch bữa ăn cho những đứa trẻ mà cô chăm sóc, đã chia sẻ với tờ báo rằng cô ấy đã dành một mùa hè để chăm sóc một cậu bé ương bướng, dễ nổi loạn trong khi người mẹ của cậu bé này lại là một người có phần độc đoán.

Susu giúp cậu bé làm bài tập về nhà, cho cậu bé đi đạp xe, chơi bóng rổ và họ thường có những cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành. Một lần, sau một cuộc cãi vã với mẹ, cậu bé nói với bà: "Con không thích mẹ, con muốn Susu làm mẹ của con cơ".

Vai trò của những "cha mẹ chuyên nghiệp" này đang làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Nhiều người tin rằng thuật ngữ "cha mẹ" mang ý nghĩa sâu sắc hơn thế rất nhiều.

Một người dùng viết: “Chúng ta không nên gọi họ là những “cha mẹ chuyên nghiệp”. Họ chỉ là những chuyên gia được trả lương trong một số lĩnh vực nhất định. Từ “cha mẹ” có nội hàm và có ý nghĩa cảm xúc sâu sắc hơn nhiều”.

Pan Lan, một chuyên gia giáo dục gia đình đến từ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn với SCMP. Bà lưu ý: “Những người bạn đồng hành như vậy không thể thay thế được tình bạn, tình yêu thực sự của cha mẹ. Sự phát triển lành mạnh của trẻ, cả về thể chất và tinh thần, cần có tình yêu thương và sự hỗ trợ của cha mẹ. Giáo dục gia đình chất lượng cao là quá trình phát triển chung giữa cha mẹ và con cái”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Một người dùng có một góc nhìn khác viết rằng: “Nếu con tôi có người kèm cặp là một cá nhân đến từ một trường đại học danh tiếng, tôi sẽ không lo lắng về việc chúng tụt hậu so với những người khác ngay từ đầu”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/trung-quoc-xu-huong-thue-cha-me-chuyen-nghiep-de-nuoi-day-con-cai--i386379/