Trung Quốc yêu cầu Ukraine đưa 14 công ty khỏi 'danh sách đen'
Trung Quốc vừa yêu cầu Ukraine lập tức đưa hơn chục công ty của họ ra khỏi danh sách 'các nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh', để 'loại bỏ những tác động tiêu cực'.
Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Kiev nói với các quan chức Chính phủ Ukraine rằng việc đưa những công ty đó của Trung Quốc vào danh sách có thể gây tổn hại cho quan hệ song phương, Reuters đưa tin.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách, yêu cầu Ukraine lập tức sửa chữa sai lầm và loại bỏ tác động tiêu cực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu ngày 1/2, nhưng không nói rõ tác động tiêu cực cụ thể là gì.
Bắc Kinh vẫn giữ quan hệ gần gũi với Mátxcơva sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng cũng khẳng định ủng hộ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
Ukraine đưa 48 công ty trên toàn cầu vào danh sách “tài trợ quốc tế cho chiến tranh”, trong đó có 14 công ty Trung Quốc. Kiev cho rằng hoạt động kinh doanh của những công ty này gián tiếp hỗ trợ hoặc đóng góp cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
“Đại sứ nói rằng tất cả những việc này có thể gây tác động tiêu cực lên quan hệ giữa hai nước”, một quan chức cấp cao Ukraine nói với Reuters về cuộc gặp.
Nguồn tin cho biết, Trung Quốc chưa đặt ra điều kiện gì với Ukraine, mà chỉ bày tỏ quan điểm của họ về danh sách.
Nguồn tin thứ hai cho rằng Bắc Kinh có thể gắn vấn đề này với việc Trung Quốc mua ngũ cốc của Ukraine.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, nhập khẩu nhiều ngũ cốc, dầu hướng dương và quặng sắt từ Ukraine.
Các công ty bị đưa vào danh sách đen có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Sinopec và CNOOC không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters. CNPC nói rằng danh sách này không phải diễn biến mới.
Dù phương Tây coi Trung Quốc là đồng minh của Nga nhưng Ukraine vẫn tránh chọc giận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngược lại Kiev đang cần Bắc Kinh tham gia vào hội nghị hòa bình quốc tế.
Theo hành lang vận tải mới trên Biển Đen mà Kiev thiết lập vào tháng 8 năm ngoái, dữ liệu của chính phủ cho thấy khoảng 30% hàng hóa xuất khẩu qua đường biển của Ukraine, bao gồm thực phẩm, kim loại và quặng, được chuyển đến Trung Quốc.
Trung Quốc có nhiều công ty nhất trong "danh sách đen", tiếp theo là Mỹ, Pháp và Đức, lần lượt có 8, 4 và 4 công ty.
Ngày 30/1, Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông gặp Đại sứ Ukraine tại Bắc Kinh để trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm. Trong cuộc gặp, Thứ trưởng Tôn nói rằng các nước nên tôn trọng và đối xử chân thành với nhau.