Trung tá, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Hồng Tuấn: 'Có nghèo cũng không được dễ dãi với nghề'

Trung tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vũ Hồng Tuấn có thể không nổi tiếng trên truyền thông như cách công chúng thường hình dung về nghệ sĩ.

Nhưng, khán giả yêu sân khấu và giới chuyên môn nhắc tới anh với sự tôn trọng bởi tài năng, niềm say mê, sự nghiêm cẩn mà anh dành cho nghề cùng lối diễn “đóng dấu thương hiệu”...

Trung tá, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Hồng Tuấn.

Trung tá, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Hồng Tuấn.

1. Trung tá, NSND Hồng Tuấn thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ 2 của Đoàn kịch nói Công an nhân dân, sau thế hệ đầu tiên với NSND Trần Nhượng, NSND Nguyễn Hải...

Sinh năm 1968 tại Ninh Bình, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng năng khiếu trời phú và tình yêu sân khấu đã dẫn lối để rồi khi tròn 18 tuổi, Vũ Hồng Tuấn trở thành sinh viên khóa 2 hệ Đại học, Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Ngày ấy, có tới hàng ngàn người thi tuyển vào khoa Diễn viên nhưng qua các vòng thi, cuối cùng chỉ chọn được gần 30 người. Được sự chỉ dạy của những người thầy giỏi, tận tâm, Vũ Hồng Tuấn như “cá gặp nước”. Khi đó, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh có đoàn kịch thử nghiệm nên ngay khi học năm đầu tiên, một số sinh viên như Hồng Tuấn, Tất Đạt... được chọn để cùng các anh chị khóa 1 tham gia diễn xuất ở một số vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ như “Ông không phải là bố tôi”, “Tin ở hoa hồng”... Các nghệ sĩ trẻ đã góp phần tạo chất riêng cho đoàn kịch này. Ngay từ năm 1989, đoàn đã công diễn ở nhiều nơi, được khán giả yêu mến. Những vở diễn của lứa sinh viên thời đó làm nên một hiện tượng của sân khấu Thủ đô khi "đỏ đèn" cả tháng trời ở Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi...

NSND Vũ Hồng Tuấn thể hiện vai Ba Tẩu (giữa) trong vở "Gặp lại người đã chết".

NSND Vũ Hồng Tuấn thể hiện vai Ba Tẩu (giữa) trong vở "Gặp lại người đã chết".

Tốt nghiệp vào năm 1992, Vũ Hồng Tuấn quyết định “đầu quân” cho Đoàn kịch nói Công an nhân dân, khi ấy mới thành lập được vài năm, dù vài nhà hát có bề dày truyền thống sẵn sàng nhận anh về. Và đến nay anh vẫn luôn thầm cảm ơn quyết định đúng đắn đó, bởi trong môi trường này anh đã được phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Ba mươi năm cần mẫn lao động nghệ thuật, thành tích mà Vũ Hồng Tuấn nhận được không chỉ là xấp xỉ 15 Huy chương vàng, bạc, giải thưởng các loại, mà quan trọng hơn là sự yêu mến của khán giả và sự ghi nhận của đồng nghiệp dành cho anh.

2. Vũ Hồng Tuấn là một trong số những nghệ sĩ bén duyên với thể loại sân khấu truyền hình rồi phim truyền hình từ những ngày đầu tiên. Những khán giả yêu mến phim truyền hình hẳn còn nhớ chàng trai thư sinh với nụ cười rất duyên trong bộ phim “Của để dành” (đạo diễn Đỗ Thanh Hải). Nhưng rồi, anh cũng là nghệ sĩ sớm khước từ hấp lực của loại hình "phim quốc dân" này.

Không phủ nhận việc đóng phim truyền hình giúp nghệ sĩ có thêm thu nhập, có thể phủ sóng tên tuổi tới khán giả nhanh và rộng hơn, nhưng Vũ Hồng Tuấn có cách ví von rất thú vị: “Với tôi, diễn sân khấu như viết chữ đẹp. Còn diễn ở phim truyền hình như tốc ký. Mỗi loại hình đều có cái hay riêng. Nhưng tôi chọn sân khấu”. Có nhiều lý do để anh nói “không” với đóng phim truyền hình nhưng điều quan trọng nhất là anh yêu sân khấu, coi sân khấu như thánh đường và muốn dành cho sân khấu một tình yêu trọn vẹn. Cũng như có thời điểm anh làm công tác quản lý nhưng rồi anh cũng xin thôi để toàn tâm, toàn ý cho diễn xuất.

Điều khiến Vũ Hồng Tuấn tâm đắc nhất ở sân khấu chính là vẫn vai diễn ấy, vở diễn ấy nhưng mỗi đêm diễn lại có cảm xúc sáng tạo riêng. Với anh, không có khái niệm vai lớn - vai nhỏ. Khi nhận bất cứ vai nào anh đều nghiên cứu kỹ kịch bản, trao đổi với đạo diễn. Anh quan niệm diễn viên giống như người nông dân canh tác trên thửa ruộng của mình, phải tận dụng từng xen ti mét để cấy trồng cảm xúc. Anh nghiền ngẫm vở diễn, tư duy về nhân vật nhuyễn như khi đọc "thủng" một cuốn tiểu thuyết hay, để rồi dù có diễn từ đầu đến cuối hay từ cuối lên trên đều thuần thục. Nguyên tắc ấy giúp anh ghi dấu ấn đặc biệt ở nhiều vai diễn, dù nhân vật đó từng có người khác đóng.

Huy chương vàng cho vai Ba Tẩu trong vở “Gặp lại người đã chết” là một ví dụ như thế. Vũ Hồng Tuấn chia sẻ, trong vở diễn, vai này chỉ xuất hiện ở 2 lớp kịch ngắn nhưng lại thường xuyên được nhắc đến trong câu chuyện của các nhân vật khác, vì thế, anh tự nhủ phải làm thế nào để "diễn cho ra" chất Ba Tẩu - một thương gia người Hoa ở Sài Gòn. Rồi, khi đạo diễn Lê Hùng dựng vở “Giông tố” cho Đoàn kịch nói Công an nhân dân, Vũ Hồng Tuấn được giao vai Nghị Hách - vai diễn từng “đóng dấu thương hiệu” diễn xuất của NSND Trọng Khôi. Chưa kể, theo hình dung của mọi người về nhân vật này thì ngoại hình nhỏ bé của Hồng Tuấn cũng là một thiệt thòi. Anh biết sự “thiếu” của mình nên quyết tâm “bù đắp” bằng cái khác. Vì thế, không phải gương mặt, đôi mắt hay nụ cười, điều mà Hồng Tuấn tập trung diễn “ra chất Nghị Hách” nhất chính là dáng đi. Và, khi Nghị Hách - Vũ Hồng Tuấn xuất hiện thì cả khán phòng vỡ òa thán phục. Dáng đi nặng nề, khệnh khạng đã bộc lộ gần như tất cả tính cách xấu xa ở nhân vật này: Một tên quan tham, một kẻ bỉ ổi, dâm đãng... Một vai diễn nữa mà anh vô cùng tâm đắc là vai Poi Hách, tên trùm tình báo của Pháp trong vở “Bản danh sách điệp viên 1”. Trước khi nhận vai, đã có 2 nghệ sĩ từng đảm nhiệm vai này, trong đó có NSND Hoàng Dũng. Nhưng Hồng Tuấn kiên trì tìm ra được chiếc "chìa khóa" riêng để "mở" nhân vật này.

Giờ đây, nhắc tới Vũ Hồng Tuấn, khán giả nhớ tới một nghệ sĩ “chuyên trị” vai phản diện - kiểu nhân vật như được “đo ni đóng giày” cho anh. Giới nghề nhận định, Vũ Hồng Tuấn đã khắc họa được hình tượng nhân vật phản diện mới trên sân khấu. Anh quan niệm, nghệ sĩ luôn phải biết “giữ” gương mặt của mình. Và, đến một độ tuổi nào đó thì phải cân nhắc, chọn cơ hội xuất hiện phù hợp để không mắc sai lầm. Có nghèo thì cũng không được dễ dãi với nghề.

3. Ngoài diễn xuất, Vũ Hồng Tuấn dành thời gian cho thú vui sưu tầm tranh, đĩa hát, đồ gốm, quần áo, phụ kiện xịn cho mỗi kiểu nhân vật... Trong căn hộ ở khu tập thể của gia đình anh, ngoài không gian dành cho sinh hoạt gia đình thì phần lớn diện tích dành cho các bộ sưu tập. Nghe anh kể về nguồn gốc từng món đồ. Nhìn cách anh chăm chút bảo quản, xếp đặt ngăn nắp từng món mới thấy nghề chơi nào cũng lắm công phu. Vũ Hồng Tuấn giản dị nói đó là “thú vui” nhưng không chỉ có vậy, đó là cách anh đầu tư cho nghề diễn, cho cảm xúc và trải nghiệm đời sống. Với anh, nghề diễn không chỉ là học cách biểu cảm, sử dụng hình thể, lời thoại mà còn cần kiến thức bồi tụ từ nhiều lĩnh vực khác. Những rộng dài hiểu biết, chắt chiu bồi đắp cảm xúc hằng ngày là lối đi riêng để nghệ sĩ Vũ Hồng Tuấn có thể hóa thân xuất sắc vào bất kỳ vai diễn nào.

Nghiêm cẩn trong công việc, nghệ sĩ Vũ Hồng Tuấn cũng là người chỉn chu trong cuộc sống gia đình. Nói về thành công của mình, anh luôn hàm ơn tổ ấm nhỏ, nơi có người vợ luôn hết lòng ủng hộ, động viên anh trên con đường nghệ thuật.

Ngày 6-3-2024 vừa qua, Trung tá Vũ Hồng Tuấn là một trong 3 nghệ sĩ của lực lượng Công an nhân dân vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND. Anh tâm niệm, danh hiệu là niềm vinh dự nhưng cũng là động lực, trách nhiệm để nghệ sĩ làm tốt hơn phần việc của mình. Vì thế, anh đang rất hào hứng và đầy ắp ý tưởng bắt tay vào vai diễn mới trong năm nay, đó là vai Trung tướng người Mỹ trong vở “Bản danh sách điệp viên 2”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trung-ta-nghe-si-nhan-dan-vu-hong-tuan-co-ngheo-cung-khong-duoc-de-dai-voi-nghe-672639.html