Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: 7 năm vẫn chưa hoàn thành?
Gần 1 năm sau ngày 'Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh' được UNESCO vinh danh, trở thành 'Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại', tỉnh Nghệ An đã phê duyệt 1 dự án nhằm bảo tồn và phát huy di sản đặc biệt này. Dự án có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, vậy nhưng hơn 7 năm nay, công trình này vẫn không thể đưa vào sử dụng, thậm chí nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
Chưa sử dụng đã xuống cấp
Ngày 28/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4909/UBND.CN phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”. Sau đó, ngày 20/9/2016, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng các hạng mục chính. Dự án được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, nằm trên QL1A (cũ) có địa chỉ tại phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An).
Theo Quyết định được phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án bao gồm các hạng mục chính gồm: Nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ di sản dân ca; san nền; cấp nước tổng thể; cấp điện tổng thể; bể nước ngầm sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy, thiết bị. Đây là công trình dân dụng, cấp II. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa - thể thao với mức đầu tư 69 tỷ đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần xây dựng Hoàng Kim thi công.
Cụ thể, dự án gồm Tổ hợp kiến trúc công trình cao 5 tầng, mặt bằng có kích thước 55,5m x 36m (không bao gồm diện tích sảnh); diện tích xây dựng 2.195m2. Tổng diện tích sàn 6.204m2 gồm diện tích tầng trệt: 1.980m2; tầng 1: 1.504m2; tầng 2: 1.163m2; tầng 3: 1.058m2; tầng 4: 491m2 và chiều cao công trình: 31,7m (kể từ cốt sân công trình). Giai đoạn 2 gồm những hạng mục như sân vườn cảnh quan, trang thiết bị, âm thanh ánh sáng…
Ý nghĩa là vậy, nhưng đến nay sau 7 năm phê duyệt, triển khai xây dựng Dự án “Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận, công trình hiện cơ bản hoàn thành phần bên ngoài của tòa nhà 5 tầng gồm, nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu trữ di sản dân ca, san nền, cấp nước, cấp điện tổng thể... Còn những hạng mục như sân vườn cảnh quan, trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng thì nằm trong giai đoạn 2 chưa được phê duyệt.
Không những vậy, nhiều hạng mục có biểu hiện xuống cấp như gạch, đá ốp bị nứt vỡ, rêu mốc và dương xỉ mọc nhiều. Phía trong nhà hành chính ngổn ngang, một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, một số phòng đã xuất hiện ngấm nước, trần nhà bong tróc, khu vực thang máy tuy chưa bóc lớp vỏ bảo vệ nhưng đã xuất hiện các vết gỉ sét. Thậm chí, khu vực trước cổng dự án ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ cây mọc um tùm, rào chắn sơ sài...
Chờ phê duyệt hạng mục mới?
Dự án “Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” nhằm mục đích bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm như tên gọi của nó. Không những vậy, dự án được phê duyệt có ý nghĩa hết sức to lớn, khi mà trước đó 1 năm, di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” một sự ghi nhận không chỉ của xứ Nghệ mà của cả nước.
Vậy nhưng, sau khi được khởi công đến nay dự án này vẫn ngổn ngang, không biết khi nào sẽ đi vào hoạt động, nó không chỉ khiến dư luận bất bình, mà mong muốn có “chỗ” phát huy, biểu diễn Ví, Giặm của nghệ sĩ cũng chưa được đáp ứng.
Bà Trịnh Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cho biết: Chúng tôi cũng mong chờ công trình được nhanh chóng hoàn thành. Bởi, tại trung tâm cũ hiện cũng chật chội, xập xệ. “Không những vậy, việc dự án hoàn thành, sẽ thêm một nơi để phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm ngay tại khu vực Bến Thủy, Trung Đô. Ngoài ra, cũng để lĩnh vực dân ca Ví, Giặm có một vị trí chính thức để hoạt động. Dù ca Múa và Ví, Giặm đã sáp nhập về Trung tâm, nhưng hai đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên rất cần một nơi đủ điều kiện để hoạt động” - bà Lựu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Văn hóa Thể Thao Nghệ An - đại diện chủ đầu tư) cho biết, tại dự án này, hạng mục chính là nhà 5 tầng cơ bản đã hoàn thành. Hiện tại, còn các hạng mục theo quy hoạch như sân vườn, cảnh quan, bờ rào, các khu diễn xướng ngoài trời, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phía trong... chưa thực hiện. “Sắp tới, Sở Văn hóa Thể thao sẽ báo cáo UBND tỉnh để phê duyệt thêm một dự án mới, khi ấy mới đưa dự án vào hoạt động” - ông Ngọc Anh nói. Khi được hỏi, một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí như trần nhà bong tróc. Ông Ngọc Anh cho rằng, do đơn vị thi công đang lắp hệ thống điện nên họ gỡ để chạy thử nghiệm, chứ không phải xuống cấp.
Một dự án văn hóa hết sức có ý nghĩa, nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, nhưng 7 năm trôi qua, các hạng mục vẫn dở dang, ngổn ngang, nhếch nhác. Liệu rằng, tỉnh Nghệ An có nhìn thấy sự lãng phí của công trình gần 70 tỷ đồng này, của sự bức thiết có một trụ sở hoạt động loại hình dân ca được cả thế giới công nhận?