Trung tâm công nghệ tài chính sẽ giúp TP.HCM bứt tốc phát triển

Trao đổi với PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, ông cho rằng, hiện nay là cơ hội tốt để TP.HCM bứt tốc phát triển thông qua việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng để thành công, Thành phố cần chọn cách khác biệt mới 'chen chân' được với các nước đã có trung tâm loại này…

* Đến thời điểm này, có những khó khăn gì khi TP.HCM tiến tới trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thưa ông?

- TP.HCM rất mong muốn đẩy nhanh việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tuy nhiên có một số nguyên nhân khách quan đã làm chậm tiến độ.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, phát triển chậm hơn so với kế hoạch. Kinh nghiệm của các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, Frankfurt… đều phát triển dựa trên nền tảng là cảng hàng không và cảng biển quốc tế. Thời điểm hiện tại, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành chưa hoàn thiện, siêu cảng biển Cần Giờ cũng đang nằm trong kế hoạch.

Nguyên nhân thứ hai là dòng vốn vẫn chưa được trung chuyển tự do. Điều này hạn chế khả năng thu hút và duy trì nguồn vốn đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến tính thanh khoản và sự linh hoạt của thị trường tài chính. Từ đó, dẫn đến khả năng kêu gọi các định chế tài chính lớn phát triển ở TP.HCM là không dễ.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM

* Thế giới có trên 20 thành phố thành lập trung tâm tài chính nhưng không phải trung tâm nào cũng hoạt động hiệu quả. Theo ông thì TP.HCM có thể phát triển trung tâm tài chính theo hướng nào?

- Đi sau, nếu là trung tâm tài chính đơn thuần thì không thể nào cạnh tranh được. Theo tôi, nên phát triển theo hướng trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) thay vì chỉ là trung tâm tài chính quốc tế, tức kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Khi đó, TP.HCM trở thành nơi thu hút các công ty Fintech trên thế giới.

Chúng ta có thể học hỏi mô hình của Singapore, nơi đã triển khai các sandbox cho phép startup Fintech thử nghiệm công nghệ mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) phát triển và kiểm soát được rủi ro. Hay Hồng Kông, được biết đến với khung pháp lý vững chắc và cơ chế quản lý minh bạch, đảm bảo sự ổn định của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là yếu tố giúp xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư và công ty Fintech toàn cầu. Hồng Kông cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng cho hệ sinh thái Fintech. Hoặc Dubai, nơi nổi tiếng với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, bao gồm cả những khu vực tự do kinh tế và dịch vụ hỗ trợ DN.

Còn nếu tham khảo các trung tâm tài chính quá lớn, quá khác biệt như New York hay Luân Đôn thì TP.HCM khó để hiện thực hóa trung tâm tài chính trong thời gian ngắn.

* Khi xây dựng trung tâm công nghệ tài chính như ông vừa đề cập thì những yếu tố nào được xem là nền tảng?

- Nền tảng chắc chắn vẫn là công nghệ. Trung tâm Fintech là một tâm điểm của khu vực và quốc tế để phát triển ngành công nghiệp Fintech. Trung tâm Fintech được xây dựng dựa trên sự kết nối và tác động qua lại lẫn nhau giữa các công ty khởi nghiệp, tổ chức tài chính có tên tuổi, nhà cung cấp công nghệ, tổ chức giáo dục…

TP.HCM vốn có nhiều lợi thế, như chi phí thấp so với các thành phố trên thế giới có trung tâm công nghệ tài chính. Lấy ví dụ, nếu muốn mở một tài khoản ngân hàng ở Singapore, bạn phải mất một khoản chi phí khá lớn, phải đặt cọc đến hàng nghìn USD. Còn tại TP.HCM, chỉ cần vài phút để mở một tài khoản ngân hàng mà chẳng mất đồng nào. Tuy nhiên, nói vậy không phải chỉ dùng mỗi lợi thế giá rẻ. Vì thực tế, giá rẻ sẽ thu hút được DN khởi nghiệp thôi, còn muốn có DN lớn thì phải chú tâm nâng cấp lợi thế về dịch vụ.

* Để trở thành một trung tâm công nghệ tài chính quốc tế, TP.HCM cần ưu tiên thực hiện những chính sách nào, theo đề xuất của ông?

- TP.HCM cần có chính sách tài chính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn tự do lưu chuyển. Điều này không chỉ yêu cầu thay đổi trong quy định pháp lý, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. TP.HCM có thể xem xét đề xuất Trung ương cho thí điểm cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho dòng vốn trung chuyển tự do, ít nhất là trong Thành phố.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc biệt thông qua thí điểm sandbox, cho phép công ty Fintech thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong một môi trường có kiểm soát, với các quy định linh hoạt và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Đơn cử, đối với công nghệ mới trong lĩnh vực blockchain, trí tuệ nhân tạo cũng cần khung pháp lý rõ ràng, linh hoạt, cần có chính sách khuyến khích thông qua tài chính, thuế nhằm giảm bớt gánh nặng, thu hút và giữ chân công ty Fintech, nhân tài công nghệ. Đẩy mạnh xây dựng, kết nối DN khởi nghiệp, bao gồm chính quyền, vườn ươm, quỹ đầu tư quốc tế hợp tác với Thành phố. Thậm chí, tiếp cận sâu rộng hơn với các tập đoàn công nghệ lớn, thung lũng Silicon để chuyển giao công nghệ, hợp tác ươm tạo các công ty công nghệ tài chính.

* DN công nghệ tài chính trong nước cần làm gì để thích nghi với sự phát triển mới, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, thưa ông?

- DN công nghệ tài chính trong nước phải thay đổi không ngừng, cập nhật công nghệ mới để theo kịp sự phát triển rất nhanh của công nghệ toàn cầu. Phải nhìn nhận thực tế rằng, hiện tại chưa có DN TP.HCM nào thực sự “go global” một cách toàn diện. Kể cả một vài “kỳ lân” lớn cũng chỉ đang hoạt động trong quy mô Việt Nam. Các DN cần nhìn nhận đúng thực tại, thực hiện khát vọng “vươn ra biển lớn”.

Trung tâm công nghệ tài chính sẽ không bỏ rơi bất kỳ DN nào, bởi đặc thù của công nghệ đòi hỏi cả tiền và chất xám. Tất nhiên, không có chi phí lớn thì khó để làm, nhưng có chất xám, DN vừa và nhỏ có thể tìm đến thị trường ngách về công nghệ, tránh những “vùng nước” có nhiều “cá mập” thì có thể thành công, bởi sự phát triển của công nghệ luôn mở ra rất nhiều cơ hội.

* Cảm ơn ông về chia sẻ này!

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trung-tam-cong-nghe-tai-chinh-se-giup-tp-hcm-but-toc-phat-trien-312973.html