Trung tâm công nghiệp của tỉnh - đích đến không xa

Chơn Thành có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp và được xem là 'cánh chim đầu đàn' của tỉnh Bình Phước trong thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chơn Thành lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng 75%, thương mại - dịch vụ 15%, nông nghiệp 10%; thành lập mới 500 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 khoảng 35 ngàn tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy Chơn Thành đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết trong từng giai đoạn và lĩnh vực cụ thể. Trong đó, tập trung các giải pháp tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, giao thông và nguồn nhân lực.

PHÁT HUY NỀN TẢNG “4 TỐT”

Chơn Thành có quốc lộ 13 chạy qua - trục kết nối Bình Phước với các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Vương quốc Campuchia thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh). Chơn Thành cũng là điểm cuối đường Hồ Chí Minh. Chính tuyến giao thông này kết nối Chơn Thành nói riêng và Bình Phước nói chung với các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, Chơn Thành có diện tích trên 390km2, dân số hơn 121 ngàn người là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp. Cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, Chơn Thành đã chủ động cải cách thủ tục hành chính và xây dựng nhiều dịch vụ bổ trợ cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp (KCN) cũng như toàn xã hội… Chính điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Chơn Thành hoạt động.

Nhờ phát huy nền tảng "4 tốt", Chơn Thành đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), huyện Chơn Thành

Nhờ phát huy nền tảng "4 tốt", Chơn Thành đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), huyện Chơn Thành

Từ KCN Chơn Thành (nay là các KCN Chơn Thành I, diện tích 125 ha và Chơn Thành II diện tích 76 ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sớm nhất tại Bình Phước (năm 1999), đến nay trên địa bàn Chơn Thành có 5 KCN, trong đó KCN Minh Hưng - Hàn Quốc và KCN Minh Hưng III có tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Để thu hút doanh nghiệp, ngoài quy hoạch KCN sát các trục quốc lộ nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa thì hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp cũng được xây dựng hoàn thiện và đặc biệt là môi trường kinh doanh được lãnh đạo tỉnh, huyện hết sức quan tâm.

Nhờ phát huy nền tảng "4 tốt", Chơn Thành đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), huyện Chơn Thành

Nhờ phát huy nền tảng "4 tốt", Chơn Thành đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), huyện Chơn Thành

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, trước đây người ta đã “rất mê” đầu tư vào Chơn Thành bởi ngoài vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ở đây mát mẻ, lực lượng lao động dồi dào. Do đó, tỉnh đã có chủ trương định hướng Chơn Thành phát triển công nghiệp. Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, lãnh đạo tỉnh cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi bằng các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy BÙI THANH PHONG nói về những lợi thế sẵn có của Chơn Thành để phát triển công nghiệp

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư với các đối tác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Bình Phước sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư bằng những chính sách ưu đãi nhất. Lãnh đạo tỉnh luôn coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Với nền tảng “4 tốt”, gồm: hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, Bình Phước cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là “Bình Phước phải quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Từ quy hoạch tốt sẽ tạo ra việc làm, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm mới có người đến ở, có người đến ở mới phát triển”.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Trong số 5 KCN tại Chơn Thành, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước quy mô hơn 4.600 ha, trong đó KCN gần 2.500 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 20 ngàn tỷ đồng, là KCN lớn nhất Bình Phước. Khu liên hợp là kết quả của sự hợp tác giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, dự án được triển khai theo mô hình khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ mà Tổng công ty Becamex IDC đã vận hành rất hiệu quả tại Bình Dương và một số tỉnh, thành khác.

Các khu công nghiệp trên địa bàn Chơn Thành đã giải quyết việc làm cho hơn 30 ngàn công nhân. Trong ảnh: Giờ tan ca của công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc.

Các khu công nghiệp trên địa bàn Chơn Thành đã giải quyết việc làm cho hơn 30 ngàn công nhân. Trong ảnh: Giờ tan ca của công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc.

Nhận định về môi trường đầu tư tại Bình Phước, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết: Với những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt của tỉnh, từ chính sách đồng hành với doanh nghiệp đến những cải cách về thủ tục hành chính, luôn tạo điều kiện và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất, song hành với đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, giáo dục công, tôi tin rằng Bình Phước sẽ nắm bắt rất nhiều ưu thế trong việc đón nhận làn sóng đầu tư mới. Đến nay, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước thu hút trên 50 dự án, với tổng diện tích khoảng 2.500 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Chúng tôi chọn Chơn Thành là điểm đến để đầu tư vì đây là địa bàn được khoanh vùng an toàn dịch bệnh. Mặt khác, KCN có diện tích lớn, chúng tôi xây dựng được tổ hợp, gồm: nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy ấp trứng và nhà máy giết mổ - chế biến thực phẩm. Hơn nữa, từ Chơn Thành đến cảng Cát Lái chỉ mất khoảng 100km, điều này sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa và chi phí vận chuyển không quá cao.

Ông SURASAK AROONSIRIWATTANA, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm - Công ty TNHH CPV Food, KCN Becamex - Bình Phước

Dự án tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà của Công ty TNHH CPV Food là một trong những dự án của doanh nghiệp FDI có mặt sớm nhất tại KCN Becamex - Bình Phước. Dự án được tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư năm 2018 và đến cuối năm 2020, đơn vị đã có lô thịt gà xuất khẩu. Đây là dự án chăn nuôi và giết mổ quy mô lớn cả nước, được xem là động lực phát triển, nâng cao vị thế ngành kinh doanh gà thịt trên thị trường quốc tế của Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặt khác, tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà của Công ty TNHH CPV Food sẽ giúp tăng nguồn thu cho tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân Chơn Thành.

Với góc nhìn của một doanh nghiệp FDI khi đến đầu tư tại Chơn Thành mà cụ thể là KCN Becamex - Bình Phước, ông Surasak Aroonsiriwattana, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm - Công ty TNHH CPV Food chia sẻ: Khi đến KCN ở Chơn Thành đầu tư, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc tìm địa điểm đất đai; được hỗ trợ về hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, đường nhựa để phục vụ dự án; được tạo điều kiện về tuyển dụng nhân lực từ tỉnh và huyện. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty phải thực hiện “3 tại chỗ”, đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh Bình Phước, huyện Chơn Thành và KCN Becamex - Bình Phước về mọi mặt.

Nhờ thực hiện đúng định hướng phát triển của tỉnh, Chơn Thành đã và đang có cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 31.160 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện 12.294 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 19,22% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị sản xuất ngành xây dựng ước thực hiện 1.132 tỷ đồng, đạt 53,73% kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 11-8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường trực thuộc thị xã. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-10-2022, Chơn Thành chính thức là thị xã. Đây là động lực to lớn để Chơn Thành phát triển trong giai đoạn tiếp theo, trong đó có mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh, xa hơn là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Nam của Bình Phước.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/137377/trung-tam-cong-nghiep-cua-tinh-dich-den-khong-xa