Trung tâm Đặc sản Việt Nam – Du lịch - Nông nghiệp: Tăng cường quảng bá, xây dựng, kết nối tiêu thụ hàng Việt

Với việc khánh thành Trung tâm Đặc sản Việt Nam – Du lịch - Nông nghiệp sau 3 năm xây dựng, đây là nơi quảng bá, xây dựng các mặt hàng Việt Nam, là kênh kết nối quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn, tìm kiếm được những mặt hàng 'Made in Viet Nam' chất lượng cao.

Không có gì tự hào hơn việc "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Trung tâm đặc sản Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp được xây dựng trên diện tích trên 30.000m2, trong đó, diện tích xây dựng là 16.800m2, với tổng vốn xây dựng trên 96 tỷ đồng. Trung tâm gồm các khu chức năng trưng bày, giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của 36 tỉnh, thành trong cả nước như: Trà Vinh, Bến Tre, Hà Nội, Cà Mau, Long An, Lạng Sơn, Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… với các khu đặc sản vùng miền Việt Nam, sản phẩm OCOP các tỉnh, thành; khu phố đi bộ về đêm tổng hợp, phố hàng rong; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch, khu ẩm thực Việt Nam, khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp và khu tổ chức sự kiện; khu ẩm thực Việt Nam, Campuchia, Thái Lan; khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp và khu tổ chức sự kiện...

Giám đốc Công ty TNHH Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết, Trung tâm đặc sản Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp là ấp ủ hơn 10 năm, tâm huyết hình thành khu đặc sản vùng miền với nhiều nét riêng đặc sắc. Bởi không có gì tự hào hơn việc "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những nét đặc trưng hàng hóa, lồng ghép vào tính văn hóa ẩm thực và đều khác biệt nhau tạo sản phẩm đa dạng phong phú. Ông Tạ Minh Sơn cho rằng, đối với sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, đây là tâm huyết, mong muốn và khao khát của Siêu thị Tứ Sơn từ rất lâu. Chính vì điều này, đã tôn tạo văn hóa ẩm thực, văn hóa tiêu dùng người Việt Nam đa dạng và khác biệt.

 Trung tâm đặc sản Việt Nam-Du lịch-Nông nghiệp (Siêu thị Tứ Sơn). Ảnh: P.H

Trung tâm đặc sản Việt Nam-Du lịch-Nông nghiệp (Siêu thị Tứ Sơn). Ảnh: P.H

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga cho biết, thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Việc xây dựng, phát triển các điểm giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền như Trung tâm đặc sản Việt Nam tại Châu Đốc đóng vai trò quan trọng đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu nội địa

Với lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang, Trung tâm đặc sản Việt Nam - Du lịch, nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đánh giá cao khi được đầu tư, xây dựng tại thành phố Châu Đốc. Đây là kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền các tỉnh đến tận tay khách du lịch hướng đến xuất khẩu qua thị trường Campuchia.Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, mục đích nhằm khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề ở nông thôn để nâng cao thu nhập người dân.

Thúc đẩy chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và người dân để tạo ra chuỗi sản xuất an toàn, đó là cái chính của cái chương trình này. Đồng thời, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Góp phần quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương ra thị trường trong và ngoài nước.

Việc đưa vào vận hành Trung tâm Đặc sản Việt Nam – Du lịch - Nông nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, giúp các nhà phân phối tìm được các nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng; thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa; ứng dụng khoa học công nghệ; tìm kiếm đầu ra và kết nối cung cầu, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, tiến tới vươn xa chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai, siêu thị Tứ Sơn là doanh nghiệp bán lẻ thuần Việt tham gia từ những ngày đầu tiên với rất nhiều chương trình ý nghĩa. Siêu thị Tứ Sơn là đơn vị tích cực, đã tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu vực miền núi, khu vực biên giới. Siêu thị Tứ Sơn cũng tiên phong mở mô hình Điểm bán hàng Việt Nam tại tỉnh An Giang. Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt tại siêu thị Tứ Sơn luôn chiếm trên 90%.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trung-tam-dac-san-viet-nam-du-lich-nong-nghiep-tang-cuong-quang-ba-xay-dung-ket-noi-tieu-thu-hang-viet-post393296.html