Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Đạn đạo của Pháp
Kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2016, FNIB (viết tắt của 'Dữ liệu Quốc gia về Nhận dạng Đạn đạo') là hệ thống dữ liệu quốc gia về nhận dạng súng đạn duy nhất của Pháp, được tích hợp trong một hệ thống máy chủ trung tâm mà toàn ngành cảnh sát và hiến binh Pháp có thể truy cập được. INPS (Viện Cảnh sát Khoa học hình sự Pháp) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và điều phối dự án này.
Là một công cụ nhận dạng trong các cuộc điều tra, FNIB cũng là một công cụ chủ yếu để tìm kiếm các mối tương quan liên quan đến cùng một loại vũ khí. Mặc dù các nguyên tắc nhận dạng đạn đạo (thuật đường đạn) đã trở thành kinh điển, nhưng tiến bộ công nghệ mới nhất đã cho phép tiếp cận với các công cụ có hiệu suất đặc biệt cao mà hệ thống FNIB là một ví dụ điển hình.
Nguyên lý nhận dạng vũ khí
Đây là một nguyên lý đã xuất hiện từ những năm 1900 và không thay đổi kể từ đó đến nay. Theo nguyên lý này, một vũ khí luôn sẽ để lại dấu vết trên đường đạn hoặc trên vỏ đạn trong quá trình nạp, bắn và phóng. Những dấu vết luôn duy nhất này sẽ cho phép các chuyên gia về đạn đạo kết luận về nguồn gốc chung của những viên đạn được bắn ra từ cùng một (loại) vũ khí.
Súng trường cũng như hầu hết các loại vũ khí tự động và bán tự động khác, luôn để lại những dấu ấn đặc trưng trên đường đạn. Nòng súng luôn có rãnh xoắn. các rãnh xoắn này giúp cho viên đạn có thể tự quay quanh trục của nó, chuyển động quay này đảm bảo tính ổn định dạng “con quay hồi chuyển”, độ ổn định khí động học và làm tăng độ chính xác của viên đạn khi hướng đến mục tiêu.
Khi phát hỏa, nhiệt độ và áp suất cao được tạo ra bởi sự bùng nổ của thuốc súng gây ra sự giãn nở của phần đầu đạn được ép vào nòng súng. Trong quá trình này, đường đạn sẽ tạo ra các dấu vết khác nhau, những dấu vết lưu lại trên đầu đạn do quá trình cọ xát với các rãnh xoắn trong nòng súng tạo ra và mỗi đầu đạn khi chạm vào mục tiêu sẽ để lại những dấu vết cho dù khoảng cách giữa nòng súng và mục tiêu có là xa hoặc gần. Do đó, mỗi loại đầu đạn đều có thể xác định được chính xác nhờ vào số lượng vết xước đặc trưng và hướng quay của nó.
Ngoài những đặc trưng được tạo ra trong quá trình sản xuất một loại vũ khí nào đó (còn gọi là đặc tính chế tạo) cho phép nhận biết về thương hiệu của vũ khí, các chuyên gia đạn đạo còn tìm cách thu thập các dữ liệu mang tính cá nhân, đó là những đặc điểm cá biệt xuất hiện và phát triển theo thời gian. Chúng xuất hiện do hiện tượng mài mòn nòng súng và do cách sử dụng vũ khí. Đó là những đặc điểm thực sự khác biệt cho phép xác định một khẩu súng cụ thể. Ví dụ việc sử dụng đạn có đường kính lớn hơn đường kính của nòng, đạn làm bằng đồng, thép hoặc có vỏ bọc ngoài sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến độ mòn của nòng.
Việc bảo dưỡng và ăn mòn vũ khí cũng có thể để lại dấu vết trên vũ khí và trên đường đạn. Một khẩu súng được tìm thấy trong nước hoặc chịu tác động của thời gian (ví dụ như trong rừng hoặc chịu tác động của khí hậu biển) sẽ dẫn đến một sự ăn mòn bên trong nòng súng, do đó xác định được các yếu tố này sẽ làm tăng độ chính xác trong việc nhận dạng vũ khí đã sử dụng trong vụ án.
Dự án FNIB - thành quả của quá trình hiện đại hóa
Trước đây, việc định dạng vũ khí từ các dấu vết mô tả ở trên được thực hiện thủ công bằng cách sử dụng kính hiển vi quang học, việc quan sát bằng kính hiển vi cho phép tìm ra và so sánh sự khác biệt trong dấu vết của hai phần tử đạn khác nhau lưu lại trên cùng một mẫu vật.
Sự xuất hiện của các công cụ công nghệ số hiệu suất cao và sự gia tăng của các hệ thống hạ tầng mạng liên kết đã cho phép ra đời “Hệ thống nhận dạng hình ảnh đạn đạo” (SIIB). Công cụ này đã giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ tin cậy cho những khảo sát đạn đạo khi so sánh và giúp cho các chuyên gia tìm ra mối liên hệ và các điểm chung nhau giữa các phần tử đạn đạo được sử dụng trong các không gian và / hoặc thời gian tách biệt nhau.
Từ năm 1996 cho đến cuối năm 2015, Phần mềm ứng dụng để khảo sát về đạn đạo được sử dụng phổ biến ở Pháp là CIBLE (so sánh và nhận dạng bằng cách khu biệt hóa hóa dấu vết). Được tạo ra tại Phòng thí nghiệm Cảnh sát Khoa học Hình sự Lyon, CIBLE đã cho phép tự động hóa việc tìm kiếm các mối liên hệ giữa các phần tử đạn dược (đầu đạn, vỏ đạn và loại thuốc súng) được phát hiện trên cơ thể của nạn nhân hoặc thu lượm được tại hiện trường vụ án với vũ khí bị thu giữ trong các cuộc điều tra tư pháp.
Hệ thống CIBLE dựa trên các kỹ thuật phân tích hình ảnh nhằm làm nổi bật sự tương đồng giữa các dấu hiệu của các yếu tố liên quan và các yếu tố so sánh. Nó cũng giúp việc xác định chủng loại vũ khí được nghi là đã sử dụng trong vụ án một khi không tìm được chúng.
Những năm gần đâu, đã có một sự gia tăng đáng kể các hoạt động tội phạm liên quan đến súng ở Pháp và Châu Âu: vào năm 2014, 5.300 khẩu súng đã bị thu giữ trên lãnh thổ Pháp so với số lượng 2.700 khẩu vào năm 2010. Sự gia tăng đột biến các tội phạm liên quan đến súng đã bộc lộ các hạn chế của CIBLE, phần mềm này đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp cho các tìm kiếm về đạn đạo, thời gian phản hồi của phần mềm này quá chậm chạp và những kết quả thường thiếu chính xác, không đáp ứng được các yêu cầu của công việc điều tra tội phạm.
Đồng thời, kể từ năm 2009, ODYSSEY, một dự án có quy mô Châu Âu cũng đã được triển khai với mục tiêu chính là kiểm tra tính tương thích của các hệ thống chụp ảnh đạn đạo đang được sử dụng tại các quốc gia Châu Âu, ODYSSEY hướng tới mục tiêu là tạo ra một cơ sở dữ liệu thống nhất về đạn đạo của Châu Âu. Kết quả thu được rất rõ ràng : Các hệ thống nhận dạng đạn đạo của từng quốc gia chỉ tương thích… với chính nó!
Trước tình trạng này, Viện Cảnh sát Khoa học hình sự Pháp (INPS) đã quyết định tiến hành đổi mới triệt để trong lĩnh vực này. Vào năm 2014, INPS ký hợp đồng với công ty ScannBi để đặt hàng công ty này thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đạn đạo mang tên là EVOFINDER, với yêu cầu phần mềm này phải đáp ứng được các yêu cầu mới, được kiểm nghiệm trong thực tế và phải tương thích với hệ thống đã được trang bị trước đó (năm 2013) tại Viện Nghiên cứu Tội phạm của Hiến binh Quốc gia (IRCGN).
Nền tảng công nghệ của EVOFINDER
Hệ thống EVOFINDER được tạo thành từ ba thành phần: 1/ máy quét (DAS) hoặc trạm tiếp liệu, 2/ các trạm tham vấn (EWS), 3/ Máy chủ (SAS).
Một trạm thu nhận dữ liệu DAS hiện nay đang được đặt tại khuôn viên của Viện Nghiên cứu Tội phạm của Hiến binh Quốc gia (IRCGN), Hai trạm còn lại đặt tại Paris và Lyon. Máy chủ SAS đặt tại Cơ quan Xử lý Thông tin Hiến binh (STIG). Chín trạm tham vấn EWS được phân bố rải rác trên khắp nước Pháp.
DAS là một hệ thống rất nhỏ gọn chứa máy quét cho phép thu nhận các hình ảnh. Các phần tử đạn được đưa vào máy bằng cách sử dụng giá đỡ vật thể trong một hộp có chứa hệ thống quang học và hệ thống chiếu sáng. Quá trình thu thập dữ liệu này hoàn toàn tự động và không yêu cầu sự can thiệp của người dùng, điều này đảm bảo khả năng lặp lại tuyệt vời và tính đồng nhất hoàn hảo trong kết quả thu thập. Đây là yếu tố cơ bản trong mọi cách tiếp cận pháp y.
Hệ thống quang học là một hệ thống đồng tiêu có khả năng tạo ra hình ảnh từ những trường có độ sâu rất nông. Nó cho phép xây dựng các chuỗi hình ảnh mà từ đó chúng ta có thể tổng hợp thành một biểu diễn ba chiều của đối tượng.
Máy quét này sẽ số hóa ở độ phân giải cao bề mặt hoàn chỉnh của một viên đạn, chẳng hạn như toàn bộ cổ họng của một vỏ đạn mà tại đó chúng ta có thể quan sát thấy dấu vết va đập của kim hỏa (hình 3 và 4).
Cơ sở Dữ liệu Nhận dạng Đạn đạo Quốc gia
Cơ sở Dữ liệu Nhận dạng Đạn đạo Quốc gia (FNIB) được thiết kế và tổ chức như một công cụ bảo mật nội bộ, nơi tất cả người dùng hợp tác trên tinh thần chia sẻ tập thể với hiệu suất ngày càng cao. Trong hệ thống dữ liệu quốc gia này, các dữ kiện vật lý của các trạm tham vấn được gửi đến các trạm tiếp liệu mà chúng được tích hợp vào; tuy nhiên các trạm tham vấn vẫn là người quản lý các tệp của họ và đặc biệt là người thực hiện các cuộc điều tra đạn đạo theo cách tổ chức và phương pháp tiến hành điều tra của riêng họ.
Được giám sát hàng ngày bởi giám đốc điều hành và các chuyên viên làm việc cùng với ông ta, Dự án FNIB phụ thuộc chủ yếu vào hai cơ quan ở trung ương, đó là Ban chỉ đạo và Ủy ban kỹ thuật.
Ban Chỉ đạo là cơ quan ra quyết định và kiểm soát việc sử dụng hồ sơ, Ban chỉ đạo cũng chịu trách nhiệm về chiến lược sử dụng và phát triển. Tham gia ban chỉ đạo có giám đốc trung ương của Cảnh sát tư pháp, tổng giám đốc Cục tư pháp của hiến binh quốc gia IRCGN và giám đốc INPS.
Ủy ban kỹ thuật có trách nhiệm đề xuất các giải pháp cho các câu hỏi do ban chỉ đạo đặt ra và phản biện lại các quyết định của Ban chỉ đạo. Ủy ban này cũng chịu trách nhiệm đi tìm cách giải pháp kỹ thuật để nâng cao tính hiệu quả của hệ thống. Ủy ban kỹ thuật được tuyển lựa từ các chuyên gia có đủ năng lực và phẩm chất phù hợp. Các chuyên gia của Ủy ban Kỹ thuật sẽ có trách nhiệm đào tạo và đảm bảo trình độ kỹ năng vận hành của các kỹ thuật viên đạn đạo địa phương.
Kể từ năm 2015, sau khi nhận bàn giao và lắp đặt thiết bị, các phòng thí nghiệm khoa học hình sự Pháp đã tích hợp tất cả các hạng mục đạn dược tương ứng với các trường hợp mở được lưu trữ trong vài năm trong các vụ án (trường hợp mở là trường hợp các hạng mục các đầu đạn tìm thấy trên hiện trường một vụ án mà vũ khí bắn ra viên đạn đó không được tìm thấy). Dữ liệu do hiến binh tổng hợp từ năm 2013 cũng đã được tích hợp đầy đủ vào hệ thống quốc gia FNIB.