Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Thấy gì sau gần 10 năm sáp nhập?

Thực hiện Thông tư liên tịch 39/2015 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, năm 2015, tỉnh Lào Cai tiến hành sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Việc sáp nhập được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp tinh gọn đầu mối cơ sở dạy nghề công lập... Tuy nhiên, sau gần 10 năm sáp nhập, các trung tâm GDNN-GDTX của tỉnh đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bất cập, khó tìm ra hướng đi đột phá.

Năm 2017, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Khương chuyển về cơ sở mới. Nói là “mới” nhưng thực chất là tiếp quản lại trụ sở làm việc của UBND xã Tung Chung Phố và Trạm Y tế xã, sau đó cải tạo thành lớp học và các phòng chức năng. Đến nay, 7/11 phòng học lý thuyết và phòng thực hành của trung tâm vẫn chưa được xây dựng kiên cố.

Vì không đủ phòng học nên trung tâm phải mượn 3 phòng học tạm của Phân hiệu Hàm Rồng (Trường Tiểu học thị trấn số 1 Mường Khương) cách trung tâm gần 1 km.

Không chỉ thiếu phòng học, nhiều năm qua, trung tâm không có phòng họp nên các cuộc họp phải tổ chức vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối khi đã trống phòng học của học viên. Thậm chí, Giám đốc và 1 chuyên viên chuyên trách về đào tạo nghề vẫn đang làm việc chung 1 phòng rộng chừng 15 m2. Ông Dương Hồng Trực, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Khương bày tỏ: Nếu chỉ thiếu phòng làm việc, phòng chức năng thì chúng tôi có thể cố gắng khắc phục, nhưng thiếu phòng học, phòng thực hành gây rất nhiều khó khăn cho các em và thầy cô giáo, ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của trung tâm.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2008, đến nay, 80% hạng mục như tường nhà, mái nhà, thiết bị điện, công trình vệ sinh… của Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Sa Pa đã hỏng, xuống cấp. Năm học 2023 - 2024, trung tâm có 8 lớp với 436 học viên hệ GDTX. Thời điểm đông nhất có lớp lên đến hơn 60 học viên, trong khi quy định chỉ có 45 học viên/lớp.

Cũng bày tỏ khó khăn trong hoạt động khi cơ sở vật chất hiện tại xuống cấp nghiêm trọng, ông Nguyễn Đắc Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Sa Pa cho biết: Mục đích sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX là để tinh gọn bộ máy nhưng thực chất thì các trung tâm vẫn chịu sự quản lý của nhiều đơn vị đầu mối như UBND cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, việc chỉ đạo thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ chưa nhịp nhàng do không có sự thống nhất. Khi có khó khăn, trung tâm đề xuất lại ít được các đơn vị tháo gỡ, gần như rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Si Ma Cai, đã gần 10 năm sau sáp nhập, đến nay, mảng GDNN của trung tâm chỉ hoạt động theo kiểu “cầm chừng”, do không có giáo viên dạy nghề đảm nhiệm. Mọi chương trình, hoạt động liên quan đến đào tạo nghề đều phải thuê giáo viên của Trường Cao đẳng Lào Cai và Trung tâm Dạy nghề Phú Minh.

Do phụ thuộc giáo viên dạy nghề ở nơi khác nên trung tâm gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng kế hoạch, thời gian mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương, bởi không chủ động về thời gian mở lớp; đối tượng dự kiến học thay đổi liên tục do người dân đi làm xa, không có mặt tại địa phương; thời gian mở các lớp đào tạo nghề trồng trọt không vào đúng vụ nên khó khăn khi thực hành.

Trăn trở từ những ngày đầu sáp nhập đến nay, ông Nhâm Tiến Đức, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Si Ma Cai cho biết: Ngay từ khi thành lập, trung tâm đã thiếu giáo viên cơ hữu dạy nghề. Đến giờ, chúng tôi chưa thể thực hiện được chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện tuyển dụng giáo viên nhưng không có nguồn tuyển dụng.

Khi mới sáp nhập, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai cũng như các trung tâm khác gặp không ít khó khăn, như trang - thiết bị tuy đã được đầu tư nhưng lạc hậu; đội ngũ giáo viên thiếu. “Sau rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cơ quan chuyên môn, chúng tôi xác định phải tự thân vận động thay vì ngồi chờ cơ chế” - bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai cho biết.

 Bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai.

Bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai.

Trung tâm đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp nắm nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề phù hợp với từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Trung tâm đã chia nhóm thực hành nghề theo độ tuổi, năng lực và nhận thức để giáo viên hướng dẫn thực hành; giảng dạy theo phương pháp tích hợp “lý thuyết gắn với thực hành”. Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã mở 90 lớp nghề cho gần 2.600 học viên trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó 67 lớp (1.827 học viên) có sự liên kết với các doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong tổng số 1.827 học viên tốt nghiệp, có 1.006 học viên được trung tâm giới thiệu làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp (chiếm 55,1%) với mức lương hằng tháng 6 - 11 triệu đồng/người.

Hoặc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bát Xát, sau sáp nhập còn khó khăn, tuy nhiên, trung tâm đã có nhiều giải pháp khắc phục, trở thành đơn vị tuyển sinh và đào tạo ở hệ GDTX chất lượng của tỉnh. Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp THPT của trung tâm luôn đạt 98 - 100%, đứng thứ 2 (sau Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai). Những năm gần đây, trung tâm luôn có học viên đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn Toán, Ngữ văn. Hằng năm, tỷ lệ tuyển sinh hệ GDTX luôn vượt và đạt kế hoạch huyện giao.

Ông Lưu Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bát Xát cho rằng, nhiều người có ý kiến việc sáp nhập khiến việc học tập của học viên bị quá tải nhưng thực tế chương trình GDTX đã giảm tải nhiều so với chương trình THPT nên việc bị quá tải không xảy ra mà 2 chương trình giáo dục bổ trợ cho nhau rất hiệu quả. Trung tâm đang cùng các đơn vị liên kết làm khá tốt việc đào tạo nghề bằng cách lựa chọn các nghề phù hợp với xu thế như chăm sóc sắc đẹp, tiếng Trung, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, logistics...

Rõ ràng, câu chuyện “cái khó ló cái khôn” của Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát có thể coi là bài học kinh nghiệm cho các trung tâm đã và đang chật vật tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Trên thực tế, bên cạnh những khó khăn, thách thức thì không thể phủ nhận những lợi thế của mô hình sáp nhập. Minh chứng rõ nhất, kết quả đào tạo của các trung tâm GDNN-GDTX đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,2%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%.

Trong quá trình sáp nhập, các trung tâm GDNN-GDTX đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập như thiếu cơ sở vật chất, trang - thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, một số trung tâm cơ sở vật chất đã được đầu tư từ nhiều năm đã xuống cấp, ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng đào tạo. Ngoài ra, chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học thực hiện chưa đồng bộ, chưa có những chế độ ưu đãi cho học viên GDTX cấp THPT nên các trung tâm gặp khó khăn trong tuyển sinh... Bên cạnh đó, mức thù lao chi trả cho giáo viên, người dạy nghề còn thấp nên không thu hút được giáo viên, người dạy nghề tham gia giảng dạy tại các xã cách xa trung tâm.

 Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Khương trong giờ học.

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Khương trong giờ học.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, riêng khó khăn về cơ sở vật chất thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ghi nhận đề xuất của địa phương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung đối tượng “Trung tâm GDNN-GDTX” là đối tượng thụ hưởng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, vướng mắc này sớm muộn sẽ được giải quyết.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại trung tâm GDNN-GDTX.

 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bát Xát đang được đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho học viên.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bát Xát đang được đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho học viên.

Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với ngành lao động - thương binh và xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong yêu cầu ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các đề án, nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành, chỉ đạo; tiếp tục hoàn thiện và đề xuất cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đảm bảo hoạt động lâu dài, những cơ chế mang tính đặc thù. Những vấn đề về cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thụ hưởng sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp trong điều kiện cho phép của địa phương.

 Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với ngành lao động - thương binh và xã hội là dịp để giải đáp các vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành, trong đó có lĩnh vực GDNN-GDTX.

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với ngành lao động - thương binh và xã hội là dịp để giải đáp các vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành, trong đó có lĩnh vực GDNN-GDTX.

“Mỗi trung tâm cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo; chủ động tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy nghề và giáo dục thường xuyên”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.

Thi Khanh - Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen-thay-gi-sau-gan-10-nam-sap-nhap-post388893.html