Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh
Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh lưu hành và mới nổi, tái nổi, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, đoàn kết, năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm luôn bám sát chỉ đạo từ cấp trên, chủ động triển khai các hoạt động giám sát, điều tra ca bệnh/ổ dịch, các yếu tố dịch tễ, yếu tố nguy cơ; phối hợp xử lý ca bệnh/ổ dịch; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh... không để dịch bệnh truyền nhiễm lan rộng và bùng phát tại địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở y tế tuyến dưới về triển khai nhiệm vụ chuyên môn theo đúng quy định; bảo đảm đầy đủ vật tư, hóa chất phòng, chống dịch; duy trì thực hiện có hiệu quả chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm… Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh được kiểm soát và dần đẩy lùi. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận một số dịch bệnh phổ biến có chiều hướng giảm, như: các ca bệnh sốt xuất huyết năm 2023 giảm 10,8% so với năm 2022 và năm 2024 giảm gần 75% so với năm 2023; các ca bệnh tay chân miệng năm 2024 giảm 48,7% so với năm 2023.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát tiêm phòng cho trẻ ở thành phố Phủ Lý.
Cùng với đó, các chương trình y tế cũng được thực hiện có hiệu quả, khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục được củng cố với tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc - xin trong chương trình đạt 95,9%; tỉ lệ tiêm vắc - xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh đạt 90,8%; tỉ lệ tiêm chủng cho phụ nữ có thai AT2+ đạt 93,7%... Đến nay, Hà Nam vẫn đang bảo vệ thành công kết quả thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005, khống chế thành công nhiều dịch nguy hiểm và mới nổi, tiến tới loại trừ từng bệnh; dự phòng cho hàng chục nghìn trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván…); giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; giảm tình trạng tàn tật hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây ra... Kết quả này tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não, góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển nguồn nhân lực.
Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm cũng được Trung tâm tăng cường thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ; đẩy mạnh phối hợp thực hiện các biện pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả để từng bước giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Các chương trình khác như: phòng, chống HIV/AIDS; phòng chống suy dinh dưỡng; công tác khám, quản lý sức khỏe nghề nghiệp và đo quan trắc môi trường lao động... cũng được Trung tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.
Xác định phương châm: truyền thông đi trước một bước để tạo nhận thức, đồng thuận trong xã hội, Trung tâm đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống hợp vệ sinh trong cộng đồng dân cư; vận động nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân… góp phần làm giảm và khống chế được nhiều dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nghiên cứu khoa học, triển khai các đề tài, dự án về chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết các vấn đề y tế công cộng tại cộng đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu đã có những đóng góp to lớn trong thực tiễn công việc cũng như hoạt động chuyên môn của đơn vị. Đặc biệt, là đơn vị đầu ngành về y tế dự phòng, Trung tâm có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong hệ thống y tế dự phòng toàn tỉnh; là một trong những cơ sở thực hành của các trường đại học, cao đẳng đào tạo đội ngũ nhân lực cho ngành Y tế.
Những năm tới, công tác y tế dự phòng tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường. Một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng, tỷ lệ mắc cao ở lứa tuổi lao động trẻ, dễ trở thành gánh nặng đối với đời sống xã hội…Đây cũng là những thách thức lớn đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói riêng và ngành Y tế nói chung. Theo bác sỹ CKI Vũ Kim, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, thời gian tới, lãnh đạo và viên chức, người lao động của Trung tâm quyết tâm xây dựng đơn vị hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Theo đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành quản lý chuyên môn; tăng cường chất lượng y tế dự phòng; chủ động thu thập thông tin, xử lý thông tin xác định ưu tiên để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh và phòng, chống bệnh dịch sớm.
Đồng thời, bảo đảm an toàn trong tiêm chủng mở rộng; thực hiện tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật mới, nhất là trong lĩnh vực xét nghiệm; chú trọng nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng tuyến cơ sở góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Không những thế, tăng cường đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp để người dân nâng cao kiến thức phòng bệnh; tích cực thực hiện các chính sách phát triển y tế, tăng cường thu hút đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch góp phần nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.