Trung tâm logistics thế giới

Đánh giá cao Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải quốc tế (FIATA) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

CAPTION

CAPTION

Việt Nam hiện có hơn 43.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ với tốc độ phát triển của ngành logistics đạt khoảng 14-16%/năm, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển (khoảng 20% GDP), nhưng ngành dịch vụ logistics đã đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên gần 700 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo chuyên gia, là nền kinh tế mở, logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo xu thế của thế giới. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện. Thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng gia tăng và từng bước được nâng cao, tích cực hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương thẳng thắn thừa nhận, các quy định tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics vẫn còn chồng chéo, bất cập, chưa phù hợp. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chất lượng, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5%-7%.

Mặt khác, DN logistics Việt Nam chiếm 89%, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài, vì DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu.

Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại; chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics thực hiện cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Cùng với nhận thức và nỗ lực của cộng đồng DN trong lĩnh vực chuyển đổi số, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách liên quan của Chính phủ huy động mọi nguồn lực xã hội, ngành logistics của Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng không những trong các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn trong sự chuyển dịch của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trung-tam-logistics-the-gioi-post478287.html