Trung tâm tài chính quốc tế: Nhiều chính sách về tự do hóa tài khoản và ngoại hối

Dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam quy định một số chính sách đặc thù về tự do hóa tài khoản và ngoại hối đi kèm việc áp dụng chuẩn mực quốc tế trong giao dịch ngoại hối cùng với hệ thống báo cáo minh bạch.

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam.

Thành viên được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập TTTCQT. Các cơ quan, tổ chức thuộc TTTCQT bao gồm: cơ quan điều hành và cơ quan giám sát (do TP.HCM và Đà Nẵng thành lập); trung tâm trọng tài quốc tế thuộc TTTCQT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị quyết quy định việc thành lập Cơ quan Giám sát Trung ương thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến TTTCQT.

Về hoạt động đầu tư, kinh doanh trong phạm vi TTTCQT, dự thảo quy định nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của thành viên TTTCQT.

Nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế mà không cần phải có dự án đầu tư; không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; được quyền tự do tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh với các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với thành viên TTTCQT khác…

Đối với các hoạt động tài chính trong phạm vi TTTCQT, thành viên TTTCQT được phép thành lập công ty quản lý vốn để huy động vốn từ nước ngoài. Thành viên được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú mà không cần thực hiện các thủ tục cấp phép nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo, khai báo thông tin.

Nợ của thành viên TTTCQT với tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam không tính vào nợ nước ngoài của quốc gia trong điều hành, giám sát các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài; không giới hạn việc cho vay của thành viên của TTTCQT với tổ chức kinh tế trong nước.

Về ngoại hối, thành viên trung tâm không phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư từ TTTCQT ra nước ngoài, nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo, khai báo thông tin. Thành viên được chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào TTTCQT, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ TTTCQT ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, khi lập và trình bày báo cáo tài chính, thành viên được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành hoặc các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của một số quốc gia.

Tuy nhiên, khi thực hiện đầu tư từ TTTCQT vào phần còn lại của Việt Nam, thành viên phải tuân thủ: quy định về đầu tư, quy định pháp luật liên quan khác và quy định của Chính phủ về các cơ chế đặc thù đối với thủ tục đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh; các quy định về quản lý ngoại hối áp dụng đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

Cho phép thành lập nhiều sàn giao dịch mới

Về sàn giao dịch và nền tảng giao dịch, dự thảo quy định về việc cho phép thành viên TTTCQT được thành lập sàn giao dịch, nền tảng giao dịch hoạt động trong TTTCQT, như: giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa; giao dịch tín chỉ các-bon; sàn giao dịch sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; giao dịch kim loại quý hiếm; giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giao dịch sản phẩm tài chính xanh; sàn giao dịch chuyên biệt; các loại hình nền tảng giao dịch mới khác theo nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ chế quản lý, giám sát, chính sách ưu đãi đối với các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.

Dự thảo Nghị quyết quy định, người nước ngoài làm việc, đầu tư tại TTTCQT được phép mua, nhận chuyển nhượng, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong trong dự án đầu tư xây dựng bất động sản thuộc phạm vi TTTCQT theo quy định của pháp luật nhà ở.

Trong đó, vấn đề mấu chốt đối với Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển TTTCQT là mức độ mở cửa tài khoản vốn và quản lý ngoại hối. Với mục tiêu bảo đảm tính thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù về tự do hóa tài khoản và ngoại hối đi kèm việc áp dụng chuẩn mực quốc tế trong giao dịch ngoại hối cùng với hệ thống báo cáo minh bạch.

Theo đó, quy định về đồng tiền sử dụng trong hoạt động, dịch vụ của thành viên TTTCQT là ngoại tệ gắn với các bên chủ thể tham gia giao dịch. Dự thảo quy định tách bạch hoạt động đi vay và cho vay của thành viên TTTC. Theo đó, thành viên được vay vốn từ các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không phải tuân thủ quy định về vay, trả nợ nước ngoài song phải tuân thủ quy định về chế độ báo cáo, khai báo thông tin. Đồng thời, được cho tổ chức tại phần còn lại của Việt Nam vay bằng ngoại tệ.

Về đất đai, dự thảo quy định dự án đầu tư trong phạm vi TTTCQT thuộc Danh mục ngành, nghề ưu tiên phát triển hoặc có quy mô lớn được giao đất, cho thuê đất với thời hạn tối đa 70 năm. Đối với dự án thuộc lĩnh vực khác, thời hạn sử dụng đất tối đa là 50 năm.

Theo quy định Luật Đầu tư năm 2020, thời gian hoạt động của dự án trong khu kinh tế không quá 70 năm; dự án ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Luật Đất đai năm 2024 cho phép tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư. Khi xử lý tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp chỉ được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng được phép nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật Việt Nam./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-nhieu-chinh-sach-ve-tu-do-hoa-tai-khoan-va-ngoai-hoi-174795.html