Trung tâm tài chính TPHCM: Vị thế và tương lai

Là nơi tập trung đông đảo các tổ chức tài chính cũng như chiếm phần lớn giá trị giao dịch thị trường, TPHCM đang được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây có thể là nền tảng để thành phố vươn mình khẳng định vị thế của một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.

TPHCM nói chung và thị trường tài chính nói riêng hiện có vị thế như thế nào trong bản đồ kinh tế Việt Nam?

- Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital:

Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital.

Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital.

Thị trường tài chính TPHCM đã ghi dấu những bước tiến vượt bậc, khởi đầu từ sự ra đời của thị trường chứng khoán năm 2000, mở đường cho sự phát triển của các sản phẩm tài chính đa dạng như trái phiếu doanh nghiệp và công nghệ tài chính (fintech) như hiện tại. Đến nay, thành phố trở thành trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, nơi quy tụ hệ thống ngân hàng thương mại, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), các quỹ đầu tư và những định chế tài chính quốc tế hàng đầu.

Về mặt lợi thế, TPHCM nổi bật với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Lực lượng lao động trẻ, năng động, dồi dào cùng với chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Singapore hay Bangkok. Với dân số vượt mốc 10 triệu người, TPHCM không chỉ là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng mà còn là cửa ngõ thương mại chiến lược của miền miền Nam.

Chính sách thu hút đầu tư cởi mở, cùng với những cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ và thành phố trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số đã tạo nên một môi trường kinh doanh ngày càng thân thiện.

- Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Định chế Tài chính, HSBC Việt Nam:

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Định chế Tài chính, HSBC Việt Nam.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Định chế Tài chính, HSBC Việt Nam.

Việt Nam là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN và cũng là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, chi phí hoạt động cạnh tranh và 17 Hiệp định thương mại tự do ký kết với nhiều thị trường trên thế giới.

Hơn nữa, Việt Nam có chiến lược rõ ràng trong chuyển đổi số và phát triển bền vững, những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia. Hai điều này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại ASEAN.

Là trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM được hưởng lợi khi luôn có tên trong danh sách các tỉnh thành thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Nhờ những thành tựu đầu tư cơ sở hạ tầng gần đây, thành phố đã cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông và nâng cao năng lực về logistics nhờ cải thiện lưu thông hàng hóa.

- Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam:

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Từ một trung tâm thương mại truyền thống, thành phố đã trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực như sản xuất, logistics, công nghệ và tài chính.

Ba yếu tố then chốt góp phần vào quá trình này là: vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng khu vực, lực lượng lao động chất lượng cao và nỗ lực cải cách hành chính. Gần đây, việc thành phố chú trọng số hóa và đầu tư có chọn lọc đã giúp tăng sức hút của dòng vốn chất lượng cao.

Điều gì sẽ giúp gia tăng sức mạnh cạnh tranh của TPHCM trong khu vực và nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong dài hạn?

- Ông Brook Taylor: Hạ tầng giao thông chưa bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế là một rào cản lớn. Trong khi Bangkok và Kuala Lumpur đã sở hữu mạng lưới metro hiện đại, TPHCM vẫn đang trong giai đoạn xây dựng khiến kết nối giao thông trở thành điểm yếu.

Thị trường tài chính của thành phố cũng chưa đạt đến độ chín muồi với tính minh bạch pháp lý và cơ sở hạ tầng tài chính vẫn cần được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nếu như Singapore đã khẳng định vị thế trung tâm tài chính toàn cầu, thì TPHCM đang trên con đường trở thành trung tâm tài chính khu vực này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và những bước đi chiến lược để rút ngắn khoảng cách.

Một hạn chế khác nằm ở nguồn nhân lực chất lượng cao. So với Singapore hay Kuala Lumpur – nơi có chính sách thu hút nhân tài toàn cầu hiệu quả, TPHCM vẫn cần cải thiện khả năng thu hút và giữ chân lao động trình độ cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ và tài chính.

- Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam:

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Cải thiện sự rõ ràng trong các quy định và đơn giản hóa quy trình phê duyệt có thể giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và giảm thiểu các trì hoãn tiềm ẩn.

Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư công bằng cách ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược và khuyến khích hợp tác công tư (PPP) thông qua việc hiện đại hóa khung pháp lý PPP. Điều này rất quan trọng đối với các khoản đầu tư nước ngoài quy mô lớn.

Cùng với đó, thành phố cần nâng cao các nền tảng tài chính kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thị trường vốn để có thể thu hút vốn từ các tổ chức trong dài hạn và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển các sản phẩm tài chính. Việc này sẽ khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư toàn cầu. Cùng với đó, xây dựng lực lượng lao động lành nghề và thu hút chuyên gia quốc tế cũng là điều cần thiết để hỗ trợ cho các mục tiêu tài chính của thành phố. Điều này sẽ giúp TPHCM định vị là một trung tâm tài chính năng động và đáng tin cậy trong khu vực.

- Ông Lim Dyi Chang: Không cạnh tranh bằng chi phí mà bằng vị thế kết nối, quy mô thị trường và khả năng hỗ trợ kinh doanh trong dài hạn. Một lợi thế rõ nét là lực lượng lao động trẻ, tốc độ chuyển đổi số nhanh và liên kết chặt chẽ với các khu công nghiệp trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh đang chuyển sang chiều sâu, nơi thành phố nào hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, tích hợp ESG và đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn sẽ chiếm ưu thế. Đây chính là hướng TPHCM cần tiếp tục tập trung nếu muốn duy trì vị thế dẫn đầu trong khu vực.

- Ông Tim Evans: Trước tiên, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đã có một số tín hiệu tích cực với các dự án trọng điểm dự kiến sẽ sớm hoàn thành trong năm nay. Hơn 42.000 tỉ đồng đã được phê duyệt cho bốn dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Những khoản đầu tư này là những yếu tố tích cực cho thành phố.

Thứ hai, nắm vững và bắt kịp với các quy định vẫn là một vấn đề trọng điểm đối với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào thành phố. Các quy trình hành chính nhanh hơn và đơn giản hơn sẽ hỗ trợ các công ty đa quốc gia khi họ tiếp tục mở rộng đầu tư vào thành phố. Thứ ba, quỹ đất hạn chế cũng là một vấn đề khác mà chính quyền thành phố nên xem xét và tìm cách giải quyết.

Việt Nam đang có kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Đâu là những điều cần ưu tiên?

- Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, chuyển đổi số và phát triển ngành ngân hàng và tài chính.

Ngoài những ưu tiên do Chính phủ Việt Nam đặt ra, theo quan điểm của tôi, để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần xác định rõ các mục tiêu cốt lõi của IFC để xây dựng mô hình phù hợp nhất. Có một số yếu tố cần cân nhắc chính như luật pháp minh bạch và ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển tốt, môi trường đầu tư và chi phí hoạt động cạnh tranh và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân.

- Ông Lim Dyi Chang: Việc xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là một tham vọng mang tính chiến lược nhưng cần được nhìn nhận như một hành trình dài hạn. Việt Nam cần bền bỉ trong việc đơn giản hóa thể chế, nâng cao năng lực tổ chức, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với vai trò là một ngân hàng khu vực đồng hành cùng nhiều nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi cho rằng điều then chốt nằm ở việc xác định trọng tâm rõ ràng. Thay vì trải rộng trên toàn bộ chuỗi dịch vụ tài chính, TPHCM có thể ưu tiên phát triển một số lĩnh vực thế mạnh như tài chính xanh, tài chính thương mại, hoặc trở thành trung tâm dịch vụ tài chính khu vực dành cho các doanh nghiệp vừa trong khối ASEAN.

Một chiến lược có trọng tâm, triển khai từng bước và gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường sẽ giúp TPHCM định vị rõ ràng và tạo dấu ấn khác biệt trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-tam-tai-chinh-tphcm-vi-the-va-tuong-lai/