Sửa Luật Cán bộ, công chức: Rõ ràng mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn quy định về phương thức quản lý, đánh giá, tuyển dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để bảo đảm minh bạch khả thi; bổ sung, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức…

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều 07/5. Ảnh: KHÁNH DUY

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều 07/5. Ảnh: KHÁNH DUY

Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), quy định chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế được bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng.

Dự thảo Luật cũng quy định đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng; bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Luật bổ sung quy định nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá công chức phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng, đánh giá công chức đúng năng lực, vị trí việc làm.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị quy định cụ thể, làm rõ mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức. Ảnh: KHÁNH DUY

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị quy định cụ thể, làm rõ mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức. Ảnh: KHÁNH DUY

Đề cập đến vấn đề này tại Phiên thảo luận Tổ chiều 07/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - cho rằng, quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức tại Dự thảo Luật còn “mơ hồ”, chưa rõ ràng.

Theo đại biểu, vị trí việc làm gắn với chức vụ, chức danh, nhiệm vụ cụ thể, trong khi ngạch thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bỏ thi nâng ngạch khiến việc xác định trình độ trở nên khó khăn.

Hơn nữa, việc gắn vị trí việc làm với ngạch công chức không phù hợp với cán bộ, tức là những người giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, hoặc chỉ định, như ĐBQH chuyên trách hoặc lãnh đạo Đảng.

“Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để chuyển mạnh sang cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, rõ ràng hóa mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch, đảm bảo phù hợp với cả cán bộ và công chức” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), chỉ rõ, Luật hiện hành đã quy định về vị trí việc làm, nhưng thực tế triển khai còn lúng túng. Dự thảo tiếp tục quy định vị trí việc làm bao gồm ngạch công chức, nhưng chưa rõ cơ chế quản lý kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; do đó, cần rõ mối quan hệ này để tránh chồng chéo và đảm bảo tính khả thi.

Cần quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá cán bộ, công chức dựa trên chỉ số hiệu quả công việc (KPI) và lấy ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Cơ chế này sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và là tiền đề cho các khâu khác trong công tác cán bộ, như bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc kỷ luật.

ĐBQH Tạ Đình Thi

Cùng với đó, đại biểu Thi đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định để đảm bảo quyền lợi và động lực cho cán bộ, công chức, với chính sách lương, thưởng công bằng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc.

“Cần đánh giá lương công chức hàng năm để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo cạnh tranh với khu vực tư nhân, từ đó tạo động lực cho cán bộ, công chức” - đại biểu đề xuất.

Tránh tạo kẽ hở trong tuyển dụng, rõ cơ chế xử lý trách nhiệm

Quan tâm đến quy định về tuyển dụng công chức, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, việc tuyển dụng bằng hình thức “tiếp nhận” là một quy định mới trong Dự thảo Luật. Quy định này sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, cho phép tuyển dụng người tài, kinh nghiệm thực tiễn ngay, không phải trải qua kỳ thi công chức truyền thống.

Đồng thời, việc tiếp nhận này giúp rút ngắn thời gian, thủ tục tuyển dụng; khuyến khích việc dịch chuyển trong hệ thống chính trị để thu hút được nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cụ thể hóa tiêu chí tuyển dụng người tài, tránh tạo kẽ hỡ, lợi ích nhóm. Ảnh: M. HIỂN

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cụ thể hóa tiêu chí tuyển dụng người tài, tránh tạo kẽ hỡ, lợi ích nhóm. Ảnh: M. HIỂN

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “tài năng” và “có kinh nghiệm”; cân nhắc, bỏ hoặc làm rõ cụm từ “các trường hợp khác trong hệ thống chính trị” để tránh tạo "kẽ hở" cho lợi ích nhóm trong quá trình tuyển dụng.

Dự thảo Luật cũng quy định về xem xét loại trừ, miễn, giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá, đây là quy định rất mới và được nhiều cử tri quan tâm, đồng thuận. Quy định này thể hiện tư duy đổi mới, góp phần tạo môi trường an toàn và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ có những bước đột phá, dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất cải tiến trong quy trình, giải pháp…

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc định lượng tiêu chí đổi mới, sáng tạo để xác định thiệt hại trong phạm vi chấp nhận được. “Nếu không quy định cụ thể, chặt chẽ rất khó cho quá trình tổ chức thực hiện sau này; có thể sẽ là “kẽ hở”, trong quá trình thực hiện có thể sẽ viện dẫn để xử lý những tình huống không phù hợp” - đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu vấn đề.

Liên quan đến quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) chỉ rõ, khoản 4, Điều 8 Dự thảo Luật yêu cầu công chức bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.

Theo đại biểu, quy định này chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn hành vi lãng phí, thất thoát tài sản công, trong khi thực tế đây là một trong những vấn đề hết sức nhức nhối thời gian qua.

Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung nghĩa vụ kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi sử dụng sai mục đích và gây thất thoát tài sản công; đồng thời, quy định rõ chế tài xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt thại. "Điều này sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và minh bạch trong công tác quản lý tài sản công" - đại biểu nói.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/sua-luat-can-bo-cong-chuc-ro-rang-moi-quan-he-giua-vi-tri-viec-lam-va-ngach-cong-chuc-40050.html