Trung Thu chuyển mình

ĐBP - Trước đây, đường đến xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) là một hành trình đầy khó khăn, thách thức. Đường nhiều cua, dốc, mặt đường lổn nhổn đá to đá nhỏ khiến những tay lái bản địa dày dạn kinh nghiệm cũng phải ngao ngán. Nhớ lại thời gian khó ấy, Chủ tịch UBND xã Trung Thu Vừ A Phía kể: 'Đường sá đi lại vất vả lắm! Cách trung tâm huyện khoảng 20km nhưng mùa khô đi xe máy cũng mất 1 giờ, mùa mưa thì gấp đôi thời gian. Còn nhớ dịp Đại hội Đảng bộ huyện Tủa Chùa nhiệm kỳ 2015 - 2020, đoàn đại biểu của xã đi hết 2 giờ đồng hồ vẫn chưa ra đến huyện'.

Người dân bản Phô, xã Trung Thu trồng dâu tây theo mô hình liên kết tiêu thụ với Hợp tác xã H’Mông. Ảnh: Lan Phương

Giao thông cách trở nên phát triển kinh tế - xã hội của xã Trung Thu gặp nhiều rào cản. Giao thương hàng hóa khó khăn, muốn mua sắm vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm người dân mất rất nhiều thời gian để ra thị trấn. Nông sản làm ra cũng khó bán, khi cần tiền mua thứ gì thì bà con cũng chỉ chở được vài chục kilogam ngô, thóc hoặc con lợn, vài con gà bằng xe máy ra chợ bán. Tuyệt đối không có chuyện thương lái vào mua với số lượng lớn. Giao thông bất thuận nên khó đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp cũng khó thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật; việc tiếp cận nhiều dịch vụ xã hội cơ bản của người dân cũng gặp khó khăn.

Điểm nghẽn về giao thông đối với sự phát triển của Trung Thu được tháo gỡ khi UBND tỉnh quyết định đầu tư đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng, gồm 2 dự án: Từ thôn 1 đi thôn Đề Hái, xã Sính Phình (tại Quyết định số 1006/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình) và từ thôn Đề Hái đi thôn Nhè Sua Háng, xã Trung Thu (Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật). Mục tiêu đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại 4 mùa trong năm cho Nhân dân trong khu vực; tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã Trung Thu và khu vực lân cận.

Đây là công trình giao thông nông thôn loại A, cấp IV; nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 3,5m láng nhựa 3 lớp dày 3,5cm; tổng chiều dài 2 tuyến là 5,511km. Công trình được thi công năm 2019, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020 trong sự hân hoan phấn khởi của không chỉ cán bộ, Nhân dân xã Trung Thu mà cả các khu vực lân cận. Bởi tuyến đường này đã hoàn thiện việc kết nối đồng bộ trục đường nối 4 xã vùng cao: Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng của huyện Tủa Chùa.

Có đường mới, Trung Thu dần có những chuyển biến. Trước hết là việc đi lại thuận lợi 4 mùa. Không còn cảnh xe máy tăng bo chở nông sản vượt dốc hay dắt xe qua những đoạn đường dọc ngang rãnh nước trong mùa mưa. Bây giờ người dân cưỡi xe máy bon bon trên đường nhựa. Trước đây ngô, thóc người dân phải tự mang ra huyện bán thì nay lái buôn vào tận nơi thu mua. Giao thương thuận lợi, việc mua bán sắm sửa của Nhân dân tiện lợi hơn rất nhiều. Những hộ bán hàng tạp hóa cũng không phải vất vả ra thị trấn huyện lấy hàng nữa mà có người đến tận nơi đổ hàng. “Bây giờ có cả người mua sắt vụn, đồng nát đến tận bản. Trước đây có dụng cụ, máy móc, đồ sắt đồ nhựa bị hỏng thì bà con chỉ vứt đi thôi. Nay thì dồn lại bán sắt vụn cũng mua được mắm muối, mì chính đấy anh ạ! Việc này trước đây chưa bao giờ có!” - Chủ tịch xã Vừ A Phía cười vang khi kể với chúng tôi.

Tuyến đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng được đầu tư xây dựng mở ra nhiều điều kiện phát triển cho xã Trung Thu.

Có những thứ đã trở nên quen thuộc, phổ biến ở nhiều nơi thì mới xuất hiện ở Trung Thu. Giao thông đi trước, mọi thứ cất bước theo cũng là điều tất yếu. Mọi chuyển biến dù nhỏ bé đều tích cực. Đồ đồng nát thì vẫn là hàng hóa, vẫn bán được tiền. Nhiều viên đá sẽ xây nên đập, nhiều giọt nước sẽ tạo thành hồ. Cuộc sống người dân thôn Trung Thu, Nhè Sua Háng và các bản khác của xã Trung Thu đang nhẹ chuyển mình. Xã Trung Thu có 8 thôn, 620 hộ với trên 3.400 nhân khẩu. Hiện nay nếu tính bình quân cả xã thì mỗi hộ sẽ có một chiếc xe máy. Xe máy dùng để chở hàng hóa, đi ruộng, đi nương, thăm thân… Đường tốt thì tội gì không mua xe! Hộ có tiền tích lũy thì mua trả thẳng, hộ không đủ thì mua trả góp. Với lại, đó cũng là công cụ, phương tiện phục vụ cho lao động sản xuất và đời sống chứ đâu phải mua xe để đi… chơi! Xe máy như con ngựa sắt vậy.

Cấu trúc địa hình chủ yếu của Trung Thu là đồi núi cao, song với 10ha lúa xuân, 120ha lúa mùa, 50ha lúa nương, 480ha ngô mang lại tổng sản lượng cây lương thực có hạt 1.714 tấn giúp xã cơ bản đảm bảo nhu cầu lương thực. Ngoài ra người dân còn trồng ngô, khoai, lạc, đậu tương. Đặc biệt là các loại rau củ quả: Su su, khoai sọ, bí, chanh leo và những loại cây mới như dâu tây, măng tây đã được bà con mạnh dạn trồng.

Khi thi công tuyến đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng thì Hợp tác xã H’Mông cũng mới manh nha hình thành. Sau những thử nghiệm thành công cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đến nay hợp tác xã đã có hơn 20 thành viên. Thu nhập từ trồng rau, củ, quả vùng khí hậu lạnh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô, lúa nương nên đã có hàng trăm hộ dân xã Trung Thu và các xã lân cận đăng ký liên kết sản xuất với Hợp tác xã H’Mông.

Trung Thu vẫn là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng ở đây tràn đầy nỗ lực và niềm tin sớm thoát nghèo. Như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Vừ A Phía: Bình quân lương thực hiện nay khoảng 480kg/người/năm. Năm 2021, xã còn 40,8% hộ nghèo, giảm 7% so với năm 2020, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 mỗi năm giảm 4 - 5%.

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/193649/trung-thu-chuyen-minh