Trùng tu di tích nhìn từ Chùa Cầu - Hội An
Sau gần 2 năm hạ giải, trùng tu với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) đã hoàn thành. Lễ khánh thành đã được tổ chức chiều ngày 3/8.
Mặc dù việc trùng tu lần này được tiến hành bài bản, thậm chí trong quá trình trùng tu phải dừng lại để “nghiên cứu thêm”, nhưng dự án trùng tu này cũng giống như một số dự án trước đây vẫn đứng trước dư luận trái chiều. Từ đây, vấn đề truyền thông cho các dự án trùng tu di tích, công trình văn hóa cần được thực hiện một cách thường xuyên, bài bản hơn…
1.Những ngày trước khi khánh thành, đội ngũ những đơn vị thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu (Hội An) đứng trước luồng ý kiến trái chiều tương đối gay gắt. Đó là khi hệ thống khung sắt bịt tôn kín mít bao bọc Chùa Cầu suốt gần 2 năm qua được tháo dỡ.
Khi đó, lần đầu nhìn thấy màu sắc tươi mới trong khi xung quanh là những ngôi nhà mái ngói, tường vàng vẫn đậm chất rêu phong của Hội An, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình. Gay gắt hơn, có ý kiến cho rằng, đội ngũ trùng tu đã hô biến ngôi chùa cổ nổi tiếng hơn 400 tuổi thành ngôi chùa 1 tuổi.
Trước dư luận trái chiều, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết việc trùng tu được giám sát chặt chẽ từ cán bộ ngành văn hóa, cơ quan Trung ương và có chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia, trên nguyên tắc công khai, minh bạch.
Ông Sơn cũng cho rằng, Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo tiệm cận với tính nguyên gốc, nguyên bản. Chỉ thay thế những cột, trụ, thanh gỗ đã mục, hỏng, nguy cơ sụp đổ công trình. Chỉ trùng tu, gia cố móng, cột, kết cấu... để đảm bảo an toàn cho di tích và tính bền vững; còn lại đã lắp ráp nguyên cũ, lợp lại ngói cũ...
Thế nhưng, có vẻ như những khái niệm, nguyên tắc, và phương án trùng tu của từng dự án ít được người ta để ý, mà chỉ qua vài ba bức ảnh, thấy màu sơn mới, có vẻ hơi chói, là lập tức bày tỏ ý kiến.
Dư luận có ý kiến cũng là điều đáng khuyến khích, và cũng hợp lẽ. Chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An - vừa là Di sản Văn hóa thế giới.
Chính vì vậy, việc trùng tu Chùa Cầu đã được tính toán cẩn thận, cân nhắc nhiều phương án, và riêng lựa chọn phương án cuối cùng đã phải trải qua nhiều hội thảo và kéo dài cả chục năm. Sau đó, việc trùng tu phải tuân theo Luật Di sản văn hóa và Thông tư 15 năm 2019 của Bộ VHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
2.Đây không phải lần đầu tiên một dự án trùng tu di tích nhận được sự quan tâm, phản biện của dư luận. Trước đó, trường hợp trùng tu Ô Quan Chưởng tại Hà Nội năm 2010 cũng có những ý kiến trái chiều. Khi đó, dự án có kinh phí 70.000 USD, do Viện Bảo tồn di tích - đơn vị có uy tín cao của Bộ VHTTDL về trùng tu di thích - đảm nhiệm.
Sau khi hoàn thành, được nghiệm thu và đánh giá là thành công nhưng Ô Quan Chưởng vẫn không tránh khỏi những ý kiến bài bác, cho quàng màu sắc "quá mới", mất đi vẻ rêu phong xưa cũ của công trình. Tương tự, các dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu ngói Thanh Toàn hay Ngọ Môn ở Huế cũng từng bị chê là mới, màu sắc xa lạ với công trình trước khi trùng tu.
Quan sát sự phản ứng của dư luận về các dự án trùng tu, cho thấy người dân và các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu… dành sự quan tâm khá lớn, gửi gắm những kỳ vọng nhất định. Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy, sự quan tâm mang tính phổ quát, vẫn chỉ tập trung vào hình thức công trình sau trùng tu.
Đó có lẽ là cái dễ “nhìn” nhất, dễ so sánh nhất, và vì thế dễ nói nhất. Những ý kiến mang tính phản biện như vậy, không hoàn toàn vô ích. Nó góp phần để các đơn vị trùng tu di tích, công trình văn hóa phải cẩn thận hơn, chuẩn bị tốt hơn hồ sơ cũng như các lập luận để bảo vệ công việc của mình.
Trở lại với Chùa Cầu ở Hội An, sau khi dư luận, nhất là cộng đồng mạng xã hội lên tiếng, đơn vị trùng tu Chùa Cầu đã có sự trao đổi đồng thời có những tiếp thu nhất định. Theo đó, một phần Chùa Cầu đã được quét thêm nước vôi cho sậm hơn. Còn các chi tiết khác thì đội ngũ trùng tu giữ nguyên, vì nguyên tắc được thống nhất khi bắt tay thực hiện dự án này là “không làm giả”.
Chuyện này nhắc nhớ tới hồi đầu năm 2023, ngôi biệt thự Pháp cổ tại địa chỉ 49 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành tâm điểm tranh cãi vì đột ngột trở nên “mới mẻ, mất đi nét cổ kính rêu phong” sau khi hoàn thiện công tác trùng tu. Tuy nhiên, lúc đó, ông Emmanuel Cerise - Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX) đã thẳng thắn mà khẳng định “các gam màu thì chúng tôi sử dụng đúng gam màu gốc ban đầu”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Thời gian gần đây trong quá trình tu bổ tôn tạo một số biệt thự cổ của Pháp, chúng ta đang đi theo xu hướng lựa chọn gam màu nó hơi nhạt đi, thể hiện nó nhuốm màu thời gian nhưng đó không phải là cách chúng ta làm bảo tồn với một công trình thật sự. Nếu bảo tồn công trình thật sự chúng ta phải tôn trọng đặc điểm gốc khi nó mới được xây dựng. Còn chúng ta cố tình làm cho nó nhạt nhòa đi một chút thì sau một thời gian nữa, cùng với sự tác động của mặt trời, của mưa gió… màu lại nhạt tiếp thì không còn đúng theo đặc điểm của công trình.
Công nghệ ngày nay có thể giúp cho các đơn vị trùng tu di sản, công trình văn hóa “hô biến” một công trình mới thành công trình cũ kỹ, rêu phong “chỉ trong vài nốt nhạc”.
Tuy nhiên, nguyên tắc “không làm giả” được nêu ra và thực thi nghiêm túc. Nếu chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài, cụ thể là lớp sơn quét công trình, thì chỉ sau vài ba mùa mưa nắng công trình sẽ “trầm lại”, rồi trở nên “cổ kính”, hợp mắt với nhiều người.
Theo KTS Trần Huy Ánh, “những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả”.
KTS Lê Thành Vinh cũng từng bày tỏ khi dư luận phản ứng về màu sắc của Ô Quan Chưởng ở Hà Nội sau trùng tu: “Giá trị đích thực của di tích kiến trúc không phải là những lớp rêu phong sống ký gửi và ngày ngày âm thầm làm hại di tích. Cần phải phân biệt "màu thời gian" của công trình kiến trúc được tạo ra bởi năm tháng - cái cần phải bảo tồn - với lớp rêu phủ hay cây cỏ dại xuất hiện trên bề mặt công trình - cái cần phải loại bỏ...".
3.Có lẽ, câu chuyện trùng tu Chùa Cầu và một số di tích, công trình văn hóa khác sẽ không trở nên ồn ào thái quá, nếu quá trình trùng tu được thông tin một cách thường xuyên hơn.
Quan sát sự phản ứng của dư luận, trong đó có cả một số văn nghệ sĩ, trí thức trong những ngày vừa qua, nổi lên một điều, đa số nói theo cảm tính, mà chưa tìm hiểu kỹ về các nguyên tắc trùng tu di tích nói chung, và việc trùng tu Chùa Cầu nói riêng được lựa chọn theo phương thức nào.
Mỗi lựa chọn, mỗi mục tiêu sẽ cho ra các kết quả khác nhau sau khi trùng tu di tích, công trình văn hóa. Vấn đề xứng đáng quan tâm hơn, là di tích đó, công trình đó đã được thực hiện trùng tu có bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định hay không.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nhớ lại hồi năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (lúc đó ông Phan Thanh Hải đang làm giám đốc), cùng với Công ty Karcher (Đức) thực hiện dự án làm sạch rêu bằng kỹ thuật phun áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng (steam cleaning) ở Ngọ Môn.
Việc làm sạch rêu mốc của một di tích đã có 186 tuổi như Ngọ Môn đứng trước rất nhiều đắn đo, cân nhắc, bởi biết chắc sẽ phải đương đầu với dư luận khi công trình mất đi vẻ rêu phong. Và kết quả sau khi làm sạch lớp rêu mốc bụi bặm, Ngọ Môn trở nên “sạch và đẹp” hơn rất nhiều. Du khách và nhân dân địa phương đã cảm thấy vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn Ngọ Môn với màu sắc, dáng vẻ nguyên thủy.
“Dĩ nhiên, tôi đã chủ động tổ chức họp báo để giải thích rõ lí do và thông qua báo chí để dư luận hiểu được công việc mình đã và đang làm”, TS Phan Thanh Hải chia sẻ.
Theo ông, trên thế giới hiện nay có nhiều trường phái, nhiều quan điểm khác nhau về trùng tu di tích, mặc dù mục đích cuối cùng vẫn là phục hồi công trình với tất cả những giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật... mà nó vốn có.
Ở Nhật Bản, hầu hết các công trình sau khi được trùng tu thì đều có vẻ mới nguyên như vừa được xây dựng, thế nhưng dư luận không ai có ý kiến về việc công trình có vẻ “mới” như vậy, họ chỉ quan tâm đến việc trùng tu có đảm bảo đúng chất lượng, đúng quy trình, đúng công nghệ, kỹ thuật truyền thống hay không. Có lẽ do hầu hết người Nhật đã được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn và cả sự điềm tĩnh, khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các sự việc.
“Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chất lượng trùng tu công trình. Một dự án trùng tu đạt kết quả tốt nhất là dự án tuân thủ đúng các nguyên tắc về trùng tu di sản, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp với chất lượng cao nhất”, TS Hải nhấn mạnh.
Truyền thông từ sớm, từ xa không chỉ giúp những đơn vị trùng tu chia sẻ những thông tin và quan điểm làm nghề của mình, mà còn giúp cho thông tin được thẩm thấu cho người dân, du khách.
Vì thế, việc hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được TP Hội An cho xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích Chùa Cầu” phát hành trong dịp khánh thành ngày 3/8, hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, khởi công vào ngày 28/12/2022. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý. Nhà nước cấp ngân sách cho tỉnh, sau đó UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn di tích để tu bổ theo chương trình trung hạn.
Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.
Chùa Cầu đã trải qua 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trung-tu-di-tich-nhin-tu-chua-cau-hoi-an-10287231.html