Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Từ người anh hùng tuổi đôi mươi đến vị tướng Tư lệnh Binh chủng, Quân khu - Bài 2: Từ giảng đường Học viện Manilốpxki đến cương vị Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp

Xác định cho Đoàn Sinh Hưởng phục vụ lâu dài trong Quân đội chính là người cha Đoàn Quang Đa. Cũng trong thời điểm này, ông lập gia đình khi đang học Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn. Lễ cưới của người anh hùng dịp nghỉ hè chỉ với trầu nước, bánh kẹo cũng giống như bao lễ cưới thôn quê thuở ấy.

Người anh hùng cùng họ nhà trai đi bộ đón dâu. Chỉ một năm sau, cậu con trai đầu lòng Đoàn Sinh Hòa ra đời. Dân làng, họ mạc, nhất là hai gia đình vô cùng mừng rỡ cho cặp vợ chồng suýt soát ba mươi mới có con đầu. Khi ấy cả nước nghèo, vợ chồng người anh hùng sống trong căn nhà cấp bốn thấp lè tè mùa mưa chạy dột quanh nhà, mùa nóng như chiếc lò vôi. Tài sản duy nhất của hai vợ chồng khi đó là chiếc xe đạp Thống Nhất được cơ quan phân theo tiêu chuẩn anh hùng. Nhưng chính niềm vui được làm cha làm mẹ đã đánh tan tất thảy những cơ cực, thiếu thốn, xa cách của cái thời gian khó ấy.

Mùa hè năm 1978, Đoàn Sinh Hưởng vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự Festival thanh niên thế giới tại Cuba. Trong đoàn có 12 anh hùng, dũng sĩ là: Phạm Tuân, Đinh Tía, Trịnh Tố Tâm, Bùi Quang Thận, Hoàng Kim Nông, Vũ Trung Thướng, Nguyễn Minh Chữ, Đoàn Ánh Tuyết, Phan Văn Quý, Võ Thị Thắng…

Đó cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Đoàn Sinh Hưởng.

Một điều rất đặc biệt và thú vị là, mỗi khi giao lưu, ở các diễn đàn thường đông nghịt người hoan hô các anh hùng dũng sĩ Việt Nam. Khi ấy, Việt Nam vừa đánh thắng Mỹ nên dường như toàn thế giới hướng ánh mắt về những người Việt Nam nhỏ bé bằng xương bằng thịt đang hiện hữu trong mọi hoạt động, nhất là trong chuyến đi của đoàn. Những tiếng hô: Viva Việt Nam! Viva Hồ Chí Minh!... vang lên như sóng triều đợt nọ tiếp đợt kia không dứt. Đoàn Sinh Hưởng bước lên sân khấu kể chuyện chiến đấu. Đến trận Cầu Bông, trận ông chỉ huy 4 chiếc xe tăng đánh thắng và tiêu diệt nhiều xe tăng, xe thiết giáp địch khiến bạn bè rất khâm phục. Xen lẫn tiếng hô, bạn bè Cuba trong đó có rất nhiều cô gái công kênh Đoàn Sinh Hưởng tung lên. Huân huy chương người anh hùng đeo trên người đều bị người hâm mộ vặt sạch.

Đã được dự báo từ trước, Đoàn Sinh Hưởng mang 4 bộ huân - huy chương nhưng đến ngày cuối chẳng còn một chiếc nào. Hết huân, huy chương, bạn xin mũ, xin bút, xin bất cứ thứ gì có thể và đặc biệt là xin chữ ký. Có một trường hợp rất oái oăm, một cô gái da màu cứ nằng nặc xin chữ ký Đoàn Sinh Hưởng. Khốn nỗi chị lại mặc bộ váy đen nên không sao ký được. Loay hoay một lúc bất ngờ cô gái vạch bụng ra hiệu ký lên đó. Người anh hùng đỏ mặt lúng túng. Đồng chí phiên dịch dịch rằng cô gái rất thiết tha đề nghị người anh hùng ký lên bụng cô. Cực chẳng đã, Đoàn Sinh Hưởng nhắm mắt ký lên. Bút bi mài trên da bụng rất khó ra mực, phải mất mấy phút mới ký xong. Đoàn Sinh Hưởng mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhận một nụ hôn của cô gái da màu.

 Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên trái) trong một chuyến thăm, tặng quà tri ân gia đình chính sách, người có công cùng Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”. Ảnh: sknc.qdnd.vn

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên trái) trong một chuyến thăm, tặng quà tri ân gia đình chính sách, người có công cùng Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”. Ảnh: sknc.qdnd.vn

Nhưng đối với một người lính chiến như Đoàn Sinh Hưởng thì rèn luyện, chiến đấu mới là cái điều ông quan tâm nhất. Hiểu được tâm tư ông, cấp trên đã chọn Đoàn Sinh Hưởng cùng một số sĩ quan ưu tú của bộ đội Tăng thiết giáp sang Học viện Manilốpxki. Chân trời mới mở ra. Đất nước Xô viết với những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, với nền văn hóa vĩ đại đã như càng mở ra khi tri thức của người ham học hỏi. Đoàn Sinh Hưởng nổi tiếng là một học viên hay cãi. Ngay từ ngày ấy, ông đã nhiều lần tranh luận với các giáo sư về bố trí đội hình chiến thuật xe tăng trong chiến đấu.

Trong quá trình học, Đoàn Sinh Hưởng nhiều lần được báo cáo lại về trận đánh Cầu Bông của Đại đội xe tăng 9, được các giáo viên và học viên bạn rất thán phục. Các thầy và các bạn hết sức trầm trồ khi chỉ 4 xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã đánh thắng 24 xe tăng của đối phương. Một giáo viên dạy lịch sử quân sự của bạn nói: Trong lịch sử Liên Xô có một trận đấu tăng lớn nhất thế giới, đó là trận Cuốc. Trận này, 4.500 xe tăng của Liên Xô đối đầu và chiến thắng 2.000 xe tăng của phát xít Đức (tỷ lệ là 2/1). Nhưng có lẽ trận đánh xe tăng hiệu quả nhất chỉ có ở Việt Nam do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy, 4 xe đánh thắng 24 xe địch (tỷ lệ là 1/6). Câu chuyện này đã được nhắc trong một chương trình truyền hình trực tiếp năm 2012 với các bạn Liên bang Nga.

Sau khi tốt nghiệp, Đoàn Sinh Hưởng được bổ nhiệm Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 273 với quân hàm Đại úy. Lữ đoàn Xe tăng 273 lúc này đã được điều động ra phía Bắc đứng chân trong thế trận phòng thủ chiến lược tại biên giới phía Bắc. Mấy tháng sau ông được kiêm thêm chức Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng.

Những ngày tháng ấy là những ngày tháng trăn trở, thậm chí dằn vặt đối với người anh hùng. Lữ đoàn Xe tăng 273 hai lần anh hùng từng lừng danh trên mặt trận Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trên đã nhìn ra điều đó. Trên cũng rất hiểu Đoàn Sinh Hưởng, kể cả những tâm tư giấu kín nhất của người anh hùng và chỉ mấy tháng sau đã quyết định: Bổ nhiệm Đoàn Sinh Hưởng làm Lữ đoàn trưởng. Hôm trao quyết định, Tư lệnh Quân đoàn đồng thời cũng là vị thủ trưởng cũ, tướng Khuất Duy Tiến nói trước ba quân: “Đồng chí phải cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đưa Lữ đoàn sang trang mới; phải làm sống lại Lữ đoàn như thời oanh liệt trước đây, phải lấy lại danh dự cho Lữ đoàn 273 anh hùng”.

Lời người tướng trận như vẫn còn văng vẳng.

Khi đơn vị đang ở thế vững chắc đi lên thì ông được điều sang làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320.

Sư đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng là một trong 6 đại đoàn ra đời sớm nhất của Quân đội ta. Bổ nhiệm Đoàn Sinh Hưởng làm Sư đoàn trưởng là một tính toán có tính chiến lược của cấp trên. Sư đoàn đóng quân ở Tây Nguyên, nơi Đoàn Sinh Hưởng từng có nhiều tháng năm chiến đấu. Ông lại vừa có kinh nghiệm trong việc nâng cao sức chiến đấu một cách có hiệu quả của Lữ đoàn Xe tăng 273, cũng là người chấp hành tốt việc chuyển toàn bộ Lữ đoàn Xe tăng 273 vào Tây Nguyên. Trên tin vào tuổi trẻ, vào sự năng nổ và tính quyết liệt của Đoàn Sinh Hưởng.

Vẫn bằng sự khơi dậy sức mạnh của tập thể, nhất là những cán bộ từng vào sinh ra tử trong chiến trường, Đoàn Sinh Hưởng cùng lãnh đạo Sư đoàn đã từng bước tìm ra hướng đi đúng đắn, tất cả cho bộ đội, vì bộ đội dường như là kim chỉ nam hành động của bộ chỉ huy Sư đoàn khi ấy.

Không riêng gì Sư đoàn 320 mà các đơn vị trong toàn quân cũng đã xốc lại đội hình. Người chiến sĩ dù khó khăn, gian khổ mấy vẫn là Bộ đội Cụ Hồ, họ biết phải làm gì trong những lúc khó khăn nhất.

Cũng khi ấy, Sư đoàn trưởng Đoàn Sinh Hưởng được điều động đi học Học viện Quân sự cấp cao.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Học viện Quân sự cấp cao tháng 8-1992, Đoàn Sinh Hưởng nhận quyết định bổ nhiệm chức Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng thiết giáp.

Người anh hùng xe tăng lại trở về ngôi nhà rộng lớn của mình.

Một năm sau, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp.

Khi ấy người anh hùng tròn 44 tuổi với quân hàm Thượng tá.

10 năm làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp có lẽ là quãng thời gian sôi động và nhiều kỷ niệm nhất đối với ông. Từ chiến trường đến thao trường, từ người trực tiếp cầm súng đến cương vị chỉ huy trưởng một binh chủng hiện đại là cả một quãng đường dài nhưng tất yếu của một người ham học hỏi, giàu tư duy, dám tìm tòi và biết làm chủ cái mới, luôn trân trọng và hiểu thấu lòng người. Ông luôn tâm niệm lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Tăng, thiết giáp là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng cái quan trọng nhất là thép tư tưởng chính trị, mới là cái quyết định nhất”.

Là Tư lệnh, có không ít lúc Đoàn Sinh Hưởng trăn trở về đời sống hằng ngày của bộ đội xe tăng. Anh em ăn ở, rèn luyện và học tập ra sao để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, để nâng cao được khả năng sẵn sàng chiến đấu là một bài toán đặt ra không dễ giải. Xét cho cùng người cầm súng trực tiếp trên chiến trường vẫn là người chiến sĩ. Họ phải được đảm bảo tốt nhất mọi khả năng có thể nhưng cái quan trọng nhất, yếu tố then chốt nhất là vấn đề tinh thần. Đó là truyền thống hào hùng của bộ đội Tăng thiết giáp, của Bộ đội Cụ Hồ.

Những suy nghĩ ấy, tâm tư ấy đã theo ông bao nhiêu năm chưa giây phút nào không thôi thúc ông nghĩ về bộ đội, làm mọi việc cho bộ đội.

Công việc được những người chỉ huy cao nhất tiến hành có khi từ rất xa, từ những ngôi nhà tình nghĩa cho người đã hy sinh, người đồng đội đang gặp khó khăn, người thương binh từ chiến trường trở về, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng mọi vùng miền. Bước chân vị tướng đi và đến, tìm hiểu, chỉ đạo thực hiện từ những cái nhỏ nhất.

Công việc được tiến hành từ những điều rất giản dị: Bữa ăn thêm cho bộ đội, một chút nước nóng sau chặng hành quân thao trường, những lời ca tiếng hát sau mùa huấn luyện. Tất cả những điều dường như nhỏ bé ấy, đã hun đúc để người lính xe tăng trưởng thành.

10 năm làm Tư lệnh Binh chủng, cái được nhất của Đoàn Sinh Hưởng không phải đôi cầu vai tướng lĩnh mà là lòng người đồng thuận với ông, hướng về ông như một người anh, người bạn, người đi trước một cách đầy tin tưởng. Ông như vị thuyền trưởng vững vàng ngay cả khi trời yên biển lặng hay lúc sóng gió thì mọi tập thể và cá nhân trong Binh chủng đều tìm thấy ở ông một chỗ dựa tin cậy, vững chắc.

Và chính họ, đồng đội ông, dù ở bất kỳ đâu, lúc nào, đã cho ông, người lính, vị tướng Đoàn Sinh Hưởng cái nhìn, lẽ sống, niềm tin sâu sắc ở đời.

Để cho ông vững bước trước những bước ngoặt, những khoảnh khắc, những vẻ đẹp khác trong cuộc đời vị tướng trận anh hùng…

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

(Còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-doan-sinh-huong-tu-nguoi-anh-hung-tuoi-doi-muoi-den-vi-tuong-tu-lenh-binh-chung-quan-khu-bai-2-tu-giang-duong-hoc-vien-manilopxki-den-cuong-vi-tu-lenh-binh-chung-tang-thiet-giap-814721