Gốm Bát Tràng 'hội nhập' - 'cầu nối' văn hóa Việt với thế giới
Làng gốm sứ Bát Tràng vừa chính thức ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Thế giới. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của gốm Bát Tràng mà còn mở ra cơ hội quảng bá tinh hoa nghề thủ công Việt Nam trên trường quốc tế.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc vừa chính thức ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo Thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội mà còn là dấu ấn văn hóa đậm nét của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định giá trị bền vững của những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi.
![Bát Tràng là xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ảnh: gombattrang.fairs.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_197_51485618/aba108c23b8cd2d28b9d.jpg)
Bát Tràng là xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ảnh: gombattrang.fairs.vn
Di sản bên bờ Sông Hồng
Bát Tràng là xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cách trung tâm thủ đô 12 km theo đường bộ, 7 km theo đường thủy, cách trung tâm huyện Gia Lâm 8 km. Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 370 ha, Bắc giáp Đông Dư, Đông giáp Đa Tốn, Tây giáp sông Hồng, Nam giáp Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Xã Bát Tràng có nghề sản xuất gốm sứ truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển gắn với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với 2 làng truyền thống với tên gọi là làng Giang Cao và làng Bát Tràng.
Xã Bát Tràng hiện nay có 5 thôn, trên 4.500 hộ với 15.000 khẩu. Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với nghề gốm, Bát Tràng còn là làng học, làng khoa bảng thời Nho học, sử làng còn ghi chép tên tuổi và hành trang 364 vị tiên nho, tiên hiền, trong đó có một trạng nguyên và 8 tiến sỹ. Tên tuổi các vị được lưu danh trên bia đá tại Văn miếu quốc Tử Giám, văn miếu Bắc Ninh và kinh thành Huế. Dân làng thờ phụng các ngài cùng sự học tại Văn từ của làng.
Gốm Bát Tràng rất phong phú đa dạng, tuy cùng một chất liệu là đất nung. Gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng chủng loại và kích thước, phân loại theo chức năng: Đồ thờ cúng có phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe.... Đồ gia dụng có ấm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu..... Đồ gốm trang trí mĩ nghệ và gốm xây dựng.
Gốm Bát Tràng được làm thủ công, với các bài men truyền thống tạo nên các màu lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim muông, sơn thủy hữu tình, bằng màu xanh Côban, phù hợp với từng loại sản phẩm, làm nên sắc màu riêng của dòng gốm Bát Tràng.
Từ xa xưa Gốm cổ Bát Tràng đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong cung vua, phủ chúa và cuộc sống thường ngày của tầng lớp bình dân. Cùng với tiêu dùng nội địa, gốm Bát Tràng đã trở thành hàng hóa xuất khẩu theo các tầu buôn ra nước ngoài. Chính sử nhà Lê, thế kỉ XV, còn chép việc gốm Bát Tràng và vải thâm làng Huê Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) còn được chọn làm đồ tiến cống thời phong kiến.
![Không gian trưng bày, bán các sản phẩm gốm sứ tại làng Bát Tràng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_197_51485618/d01e727d4133a86df122.jpg)
Không gian trưng bày, bán các sản phẩm gốm sứ tại làng Bát Tràng
![Nghề gốm truyền thống, không chỉ mang lại lao động việc làm cùng cuộc sống khá giả đủ đầy cho dân làng, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn các vùng phụ cận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_197_51485618/9ce73c840fcae694bfdb.jpg)
Nghề gốm truyền thống, không chỉ mang lại lao động việc làm cùng cuộc sống khá giả đủ đầy cho dân làng, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn các vùng phụ cận
Kể từ ngày nghề gốm Bát Tràng ra đời đến nay, nghề gốm phát triển bền vững liên tục, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng không đứt đoạn, không thất truyền. Gốm Bát Tràng chưa bao giờ vắng, thiếu trong đời sống người Việt. Nghề gốm và sản phẩm của làng Bát Tràng ngày càng nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Nghề gốm truyền thống, không chỉ mang lại lao động việc làm cùng cuộc sống khá giả đủ đầy cho dân làng, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn các vùng phụ cận, hàng ngày có từ 4000-5000 lao động đến làm việc tại Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng ngày nay, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ trong nước, là hàng xuất khẩu tới các châu Á, Âu, Mỹ, là những tác phẩm nghệ thuật được chọn làm quà tặng nguyên thủ quốc gia, các đoàn ngoại giao tham dự hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai, chủ trì.
Xã Bát Tràng hiện có 2 nghệ nhân Nhân dân, 8 nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân Hà Nội, 5 nghệ nhân dân gian, trên 100 nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Các nghệ nhân thợ giỏi sinh hoạt theo 02 CLB làng nghề truyền thống, nhằm phát huy năng lực, sức sáng tạo, hỗ trợ nhau để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề.
Các mặt hàng gốm sứ rất đa dạng, phong phú: gốm sứ xây dựng, dân dụng, gốm sứ mỹ nghệ, ... được bán trong nước và xuất khẩu.
Hàng năm, Bát Tràng được đón khoảng 5 vạn lượt khách đến thăm quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
![Không gian Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng. Ảnh: Việt Trung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_197_51485618/e47c411f72519b0fc240.jpg)
Không gian Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng. Ảnh: Việt Trung
Chia sẻ với PV, ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, nghề gốm làng Bát Tràng được công nhận là di sản quốc gia phi vật thể năm 2022, hiện Nghệ nhân Bát Tràng sản xuất các sản phẩm sử dụng các dòng men từ cổ truyền đến hiện đại để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
"Mỗi nghệ nhân lại có dòng men chủ đạo riêng, như nghệ nhân Phạm Đạt chuyên về dòng men rạn cổ, nghệ nhân Trần Độ chuyên phục chế các dòng men thời Lý, thời Trần...việc tạo ra một sản phẩm gốm sứ phải trải qua từ 15-20 công đoạn khác nhau tùy từng chất liệu và cách thức tạo ra sản phẩm như sản phẩm tạo ra từ khuôn và sản phẩm tạo ra từ chế tác thủ công...", ông Khôi chia sẻ.
Bảo tồn, phát triển gắn với du lịch
Nói về mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống xã Bát Tràng gắn với du lịch, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, với đặc điểm lịch sử văn hóa và quá trình hình thành, phát triển các làng nghề, Bát Tràng có nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển du lịch.
![Xã Bát Tràng gồm 2 làng nghề truyền thống, trong đó làng nghề truyền thống Bát Tràng; làng nghề truyền thống Giang Cao. hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn lại khu vực làng cổ với diện tích 5,3ha với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Ảnh: Đắc Lộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_197_51485618/5ddbf6b8c5f62ca875e7.jpg)
Xã Bát Tràng gồm 2 làng nghề truyền thống, trong đó làng nghề truyền thống Bát Tràng; làng nghề truyền thống Giang Cao. hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn lại khu vực làng cổ với diện tích 5,3ha với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Ảnh: Đắc Lộc
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ gắn với du lịch dự kiến mức đầu tư khoảng 2000 tỷ đồng. Năm 2019 xã Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thành phố.
Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ kết hợp du lịch tại địa phương, có diện tích quy hoạch khoảng 120ha tại khu vực ngoài đê sông Hồng. Trong đó, UBND thành phố rất quan tâm và yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị tư vấn, thiết kế lập Đề án bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; Khu vực xây dựng Bảo tàng truyền thống gốm sứ Bát Tràng.
Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch nhằm xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế; trên cơ sở phù hợp quy hoạch, bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghề truyền thống của làng nghề; đảm bảo thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực.
"Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nói chung, gốm Bát Tràng nói riêng không chỉ tăng thêm sức mạnh cội nguồn, để mỗi người Việt Nam yêu quý, trân trọng, giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa Việt Nam và còn làm tăng những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội", ông Phạm Huy Khôi chia sẻ.
>>>Xem thêm: Lưu giữ nét đẹp gốm sứ Bát Tràng