Trung tướng Lê Quốc Hùng: Lần đầu tiên Bộ Công an trình 5 luật trong một kỳ họp
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Bộ Công an đã trình 5 dự án luật, theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một đơn vị chủ trì soạn thảo trình 5 luật trong một kỳ họp, lượng công việc rất lớn.
Sáng 6/9, trình bày tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, trong nhiệm kỳ, Bộ Công an thực hiện 17 nhiệm vụ xây dựng pháp luật.
Trong đó, hai nghị quyết không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhưng được bổ sung xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn là Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Các nghị quyết này hiện đang được triển khai.
Ngoài ra, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 4 luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cùng Luật Cảnh sát cơ động.
"Đây là lần đầu tiên trong các kỳ họp ở các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, Bộ Công an đảm đương một khối lượng công việc xây dựng pháp luật rất lớn. Ngay tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Bộ Công an trình 5 luật, lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một đơn vị chủ trì soạn thảo trình 5 luật trong một kỳ họp, lượng công việc rất lớn", ông Hùng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hùng, khối lượng công việc rất lớn, thời gian rất gấp, có những luật từ khi Quốc hội thông qua đến thời điểm thi hành, có hiệu lực chỉ 45 ngày. Bộ Công an đã tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các văn bản dưới luật; tham mưu đồng bộ 17 văn bản quy định chi tiết. Đến nay chỉ còn một nghị định đang tiếp tục những khâu cuối cùng.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chia sẻ, quá trình thực hiện những công việc nêu trên, Bộ Công an cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, toàn bộ văn bản quy định chi tiết thi hành dưới luật có một số nội dung mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi có tính toán, xây dựng rất khoa học, phù hợp với tình hình và yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại của đất nước.
Tất cả văn bản này phải có sự thể chế hóa xuyên suốt, thống nhất với Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Hạn chế tối đa việc trễ hẹn"
Chia sẻ về kinh nghiệm, Thứ trưởng Hùng cho biết, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng - đây là nguyên tắc bất di bất dịch.
Quán triệt xuyên suốt nguyên tắc này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh trật tự (ANTT) đến năm 2026, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đề án riêng về công tác xây dựng pháp luật: Đề án hoàn thiện pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đề án xây dựng lực lượng pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo ông Hùng, trong quá trình xây dựng, chuẩn bị các hồ sơ, dự án luật trình các cấp, bao giờ cũng theo một nguyên tắc bắt buộc là các văn bản dưới luật phải được soạn thảo kèm theo, từ nghị quyết, nghị định cho đến các thông tư, văn bản hướng dẫn.
“Bắt tay vào xây dựng luật là bắt tay vào xây dựng luôn các văn bản dưới luật. Do đó vừa có điều kiện rà soát, thống nhất xuyên suốt, đồng bộ, vừa bảo đảm về mặt thời gian. Khi luật có hiệu lực thì các văn bản dưới luật cũng đã được trình, hạn chế tối đa việc trễ hẹn...", Thứ trưởng Hùng nêu.
Kinh nghiệm khác được đại diện Bộ Công an chia sẻ là nhận diện từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát những bất cập, “nút thắt” của thể chế để đề xuất đột phá và kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo đột phá về xây dựng thể chế - một trong ba đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Ông Hùng ví dụ, hai luật về xuất nhập cảnh dù không có trong chương trình, song Bộ Công an thấy thực tiễn rất cần thiết phải sửa đổi nên đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội đồng ý ngay và quyết tâm đưa vào kỳ họp sớm nhất của Quốc hội, đã thông qua trong một kỳ họp - đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đối ngoại của đất nước.
Từ nay tới Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023, Bộ Công an sẽ trình Quốc hội 3 dự án: Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (hai dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6) và Luật Trật tự, an toàn giao thông, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cùng với Bộ Giao thông sẽ trình Luật Đường bộ (luật này đã thực hiện bảo đảm đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hiện đang tiếp tục tập trung thực hiện xuyên suốt các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh tờ trình, dự thảo luật, kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).