Trung tướng Lư Giang - Trọn cuộc đời theo cách mạng: Kỳ 4 - Gia đình riêng của vị tướng trận

Ở một người trọn vẹn cuộc đời chiến tranh giặc giã như Trung tướng Lư Giang hiển nhiên có quá ít thời gian dành cho người thân của mình. Bao nhiêu thăng trầm trải mấy miền đất nước. Bao nhiêu đồng đội của ông ngã xuống xanh cây cỏ, núi rừng. Thực hiện biên soạn cuốn Hồi ký của Trung tướng Lư Giang lắm lúc tôi thấy lòng mình thắt lại, cứ lặng đi trước những số phận người thân của vị tướng chiến trận này.

Người vợ đầu của ông, cô thanh nữ Trương Thị Hạnh quê Giáp Sơn - Lục Ngạn - Bắc Giang mất khi mới 24 tuổi. Là người con gái đẹp vùng Lục Ngạn bấy giờ. Thuở ấy hai gia đình đều danh giá, môn đăng hậu đối nên việc trăm năm của đôi trẻ sớm thành. Quên sao được buổi đón dâu độc đáo, cô gái như một nữ hiệp, váy trắng, mũ trắng, giầy tất trắng cưỡi con ngựa trắng thuần thục bên chú rể nho nhã thư sinh rụt rè nhỏ bé. Và pháo nổ. Pháo nổ vang trời mừng đổi trai tài gái sắc. Để thoáng thôi, thoáng thôi là loạn lạc điêu linh.

 Trung tướng Lư Giang tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc.

Trung tướng Lư Giang tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc.

Trong căn nhà nhỏ nằm ở một góc khuất cuối thành phố Hà Nội sát đoàn Nghi lễ 781, người con gái đầu Lê Thị Chinh của Trung tướng Lư Giang khi tôi đến năm 2007 đã lên chức bà ngoại lặng lẽ khóc. Mắt chị khóc mà như cười, lấp lánh sáng, lấp lánh nhìn lên bức ảnh cha mình. Ngoài kia con sông Hồng đang chảy. Sông Hồng như càng thắt ruột thắt gan vặn mình ra biển. Và, ở nơi biển xanh, trời xanh, mây trắng, hẳn Trung tướng Lư Giang vẫn đang dõi theo đứa con gái nhỏ bé mới lọt lòng đã chịu nhiều thua thiệt. Chồng chị cũng đã mất. Chồng chị ra đi theo người cha suốt đời chiến trận đã mấy năm. Nhắc đến chồng, nước mắt người phụ nữ lại nhỏ xuống.

Khi sinh đã không biết mặt cha, lên hai tuổi chị Chinh lại mồ côi mẹ. Quãng đời đó vô cùng cơ cực với đứa trẻ lên hai. Chiến tranh bùng nổ. Người bố, chiến sĩ Lư Giang vào chiến trường. Khi ấy cô bé hai tuổi không hiểu được chiến tranh. Chỉ sau này, chị mới hiểu thế nào là chiến tranh, là mất mát.

Trong đội quân Nam tiến năm 1945, không ít lúc Chi đội trưởng Lư Giang im lặng dõi về đất Bắc. Ở đó, có những phần máu thịt của ông. Sau này, năm 1954, khi tập kết ra Bắc, bộn bề công tác đoàn thể, mãi đến năm 1956 ông mới biết rõ hoàn cảnh gia đình mình. Vợ bị ép lấy tên lý trưởng, liền sau đó uất ức mà chết. Bố ông, người hào phú học rộng biết nhiều bị giặc bắt, giam cầm và đánh chết vì có các con đi kháng chiến. Đứa con gái bé bỏng của ông ở với chú dì, xóm mạc vùng đất Vô Tranh đá sỏi cũng bị soi mói, đe noi. Lư Giang im lặng. Ông im lặng dõi vào cõi lòng mình và kể từ đó là một Lư Giang khác. Lầm lì, dũng cảm, kiên định, táo bạo, tỉnh táo, gan góc trong suốt hai cuộc chiến tranh. Kể từ đó, một nghị lực, một niềm tin sắt đá cháy bền bỉ đã tạo thành một Lư Giang bằng thép trên các chiến trường ác liệt.

Trở lại với người con gái nhỏ thiếu cha, mồ côi mẹ từ tấm bé Lê Thị Chinh đang se sắt ngồi trong phòng khách đơn sơ. Chị kể: “Tôi được ở bên cha cộng từng giờ cũng chỉ khoảng hơn một năm, lại chia thành nhiều giai đoạn. Cha tôi chủ yếu ở chiến trường. Bố mất, vợ mất - ở chiến trường. Con gái cưới, sinh nở - ở chiến trường. Mọi chuyện học hành, công tác, nơi ăn nơi ở chúng tôi tự lo. Mà chủ yếu dựa vào tổ chức”.

Chị Chinh có ba người con gái. Lên chức bà lại một thân một mình chăm sóc cháu. Chồng chị, bác sĩ quân y mà mất vì bệnh nan y. Những ngày con rể ốm, Lư Giang đến thăm, mắng yêu: “Cha mi. Mi chết trước tao là không được đâu. Tao không khóc mi đâu. Cố mà sống chứ, con...”. Và lúc ấy, Lư Giang khẽ cười, nụ cười nhăn nheo, hiếm hoi của người lính trận.

 Trung tướng Lư Giang với bà con Gàng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Trung tướng Lư Giang với bà con Gàng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Thương bố là thế mà cũng có lần chị cự lại bố mình. Ấy là dạo ông mới học ở Liên Xô và Cu Ba về. Cứ mỗi tháng, ông lại họp toàn bộ đại gia đình lại (vợ và con gái, con rể đều là bộ đội và đảng viên) ra nghị quyết, có thư ký hẳn hỏi, thường thì vợ ông làm thư ký. Cuộc họp luôn diễn ra căng thẳng, kiểm điểm tình hình mọi mặt, đề ra các nhiệm vụ trong tháng, trong quý. Đến lần thứ ba thì cô con gái cả không chịu, bảo, thôi cha ơi, đã suốt ngày họp hành ở cơ quan rồi, giờ về lại họp, lại nghị quyết thì mệt lắm, và chị bỏ. Trung tướng Lư Giang nghiêm khắc là thế cũng cười xòa.

Tôi lặng người trước câu nói của bác Trang, người vợ sau, người bạn đời thủy chung, son sắt của Trung tướng Lư Giang: “Nhà tôi suốt đời chưa bao giờ có được một ngày nghỉ ngơi, sung sướng”. Chiến tranh đã tôi luyện những phụ nữ trở thành can đảm, kiên cường và yêu thương nhất mực, biết nhường nhịn, hy sinh vì chồng, vì con, vì cái chung, vì nghĩa lớn. Đại tá Hàn Thị Trang là điển hình của mẫu người phụ nữ kiên nghị, biết thu xếp mọi công việc trong gia đình để chồng an tâm công tác. Là vợ một vị tướng trận, hơn ai hết, bà Trang hiểu mình phải làm gì trong những giờ phút khó khăn nhất. Bản thân bà cũng nhiều lần vào chiến trường, lên tuyến đầu chiến đấu và công tác. Trong đại gia đình Trung tướng Lư Giang, bà Trang như một người Chính ủy mềm mỏng và cương quyết. Nhắc đến ông, nhiều lần nước mắt bà nhỏ ra.

Bà Trang châm mấy nén hương. Khói hương vẽ lên trần nhà những nét trắng đùng đục, ngoằn ngoèo. Khói hương lan tỏa, chia ly, cách trở. Đã bao nhiêu đồng đội của ông hy sinh. Đã bao nhiêu lần bà và ông lặng im bên những nấm mộ liệt sĩ có tên hoặc khuyết danh ở các nghĩa trang trên cả nước. Là một vị tướng trận, ông đã bao đêm thức trắng, tính toán chi li, tiết kiệm từng giọt máu đồng đội. Chiến tranh là một cái gì đó quá tàn khốc, đôi khi quá sức chịu đựng của con người.

Câu chuyện về hai cô con gái Trung tướng Lư Giang với bà Hàn Thị Trang khiến tôi rất xúc động. Xúc động về đức hy sinh của gia đình vị tướng. Ngay sau đám cưới một thời gian, khi hai cô con gái còn bé bỏng, năm 1964, Lư Giang nhận mệnh lệnh trở lại chiến trường Khu V, nơi trận chiến đang diễn ra cực kỳ ác liệt. Tạm biệt mái ấm gia đình, Lư Giang lên đường bước vào cuộc chiến đấu. Những đêm đầu trên đường hành quân, hẳn ông không thể nào quên hai con gái bé bỏng và người vợ dịu hiền. Chiến tranh một lần nữa thử thách gia đình người lính.

 Vợ chồng Trung tướng Lư Giang sau ngày cưới năm 1957.

Vợ chồng Trung tướng Lư Giang sau ngày cưới năm 1957.

Chị Lê Thị Hải Lê rất giống cha mình, lặng lẽ, kiên nghị và có phần bướng bỉnh. Hai chị em Hải Lê và Đông Phương sớm có cuộc sống tự lập từ khi mới năm sáu tuổi. Ngay sau khi Lư Giang đi chiến trường, năm 1965, theo yêu cầu nhiệm vụ, bà Hàn Thị Trang cũng vào tuyến lửa. Hai đứa trẻ đứng vịn tựa vào nhau tìm mẹ bên vệt đường lầm bụi đất trong đêm tối. Bà Trang nhớ con sợ không đi nổi đã lén đi vào lúc nửa đêm.

Hai chị em bìu ríu chăm sóc nhau, đến năm 1967 được tổ chức gửi sang Trung Quốc học ở Quế Lâm. Khi ấy, Đông Phương còn bé vào lớp Mẫu giáo và Hải Lê vào lớp Một. Nơi đất nước Trung Hoa mênh mông, những đứa trẻ Việt Nam chập chững đến trường trong tình yêu thương của thầy, của bạn. Chị Đông Phương, cô bé Mẫu giáo xinh xinh trường Quế Lâm ngày nào hiện đã là Đại tá, bác sĩ Quân y Viện 108 hẳn không thể nào quên tuổi thơ cơ cực, sớm xa gia đình, sớm đứng trong đoàn thể của mình.

Có những lúc, chị em Hải Lê - Đông Phương hầu như không còn nhớ khuôn mặt cha mình. Năm 1974, trong một lần ra Bắc báo cáo tình hình mặt trận với Bộ tổng Tư lệnh. Lư Giang về thăm con, hai đứa trẻ bây giờ đã lớn, Hải Lê năm ấy đã 13 tuổi đứng nép vào góc nhà sợ sệt. Cha đây con! Hai con gái nhỏ lấm lét nhìn người đàn ông đen sạm, khắc khổ, gầy gò đang nhận là cha mình. Hai đứa trẻ nhìn nhau. Đông Phương ngước mắt nhìn chị dò hỏi. Rồi, với sự linh cảm ruột rà, Hải Lê dắt em chạy đến ôm cha. Ba bố con đều khóc. Đêm ấy, Lư Giang không ngủ. Đêm ấy, vợ ông đang ở chiến trường.

Cảm nhận tình cảm của cha mẹ, đặc biệt là người cha dành cho mình, Hải Lê và Đông Phương thường ít nói về những quan tâm bề nổi mà luôn nhắc đến chiều sâu nhân cách của ông. Ông là một tấm gương về đạo đức sống, lề lối làm việc, tác phong công tác rất chuẩn mực và cao hơn cả là một tấm lòng nhân văn hiếm thấy. Có lẽ do đã chứng kiến quá nhiều sự hy sinh của đồng chí, đồng đội mà ông cực kỳ quý trọng con người, vì con người, coi trọng học đạo làm người là trên hết, hơn mọi thứ phù hoa, phú quý ở đời. Có thể nói rằng, số phận, chiến tranh đã giáng vào đời ông, người thân của ông những đòn ghê gớm. Nhưng, cũng chính từ lầm than ấy, ông đã vùng lên, nén đau thương mất mát đứng dậy làm người. Ở ông, nghị lực, ý chí và niềm tin luôn cháy bỏng, bền bỉ, và kiêu hãnh suốt cuộc đời chiến sĩ, chiến trận của mình.

 Đại gia đình Trung tướng Lư Giang.

Đại gia đình Trung tướng Lư Giang.

Trong những trò chuyện với bác Trang, chị Chinh, Chị Lê, chị Phương, tôi như nghe thấy tiếng chim lích rích đâu đó vọng về. Tại sao trò chuyện về chiến trận không phải là tiếng súng mà lại là tiếng chim lích rích buổi bình minh được nhỉ? Tiếng chim sẻ, chim ri, chích bông, sáo sậu từ Gàng - Võ Tranh - Lục Nam - Bắc Giang hay tiếng chim từ những khu rừng đại ngàn Khu V, hay là tiếng chim từ cây khế góc vườn mà Trung tướng Lư Giang? Không biết từ đâu nhưng tiếng chim vẫn lích rích len vào tâm trí tôi, một người trẻ tuổi, một thế hệ cầm bút và cầm súng nối tiếp con đường cha anh lựa chọn. Tiếng chim ấm áp, da diết, vang sâu trong tâm hồn mỗi người ngồi đây, đang nhớ đến ông, một người lính, một vị tướng, một người cha, người chồng bình dị. Có những lúc, mọi người đều im lặng để tiếng chim thầm hót trong trái tim mình, riêng chung, ngọt ngào, thấm đẫm.

Và, thật kỳ diệu, sau tiếng chim là ánh nắng chan hòa ùa đến. Nắng lên. Nắng tràn lên những cỏ cây, bảng đồng, bia đá. Nắng bừng lên dưới sắc cờ. Nắng tràn lên các góc phố, nóc nhà, vạt đồi, đỉnh núi, đáy khe. Nắng tung tăng bước chân em nhỏ tới trường, ngôi sao chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. Nắng dọi vào những số phận được mất, hy sinh, lẫm liệt, vinh quang...

Nắng tràn căng, đủ đầy, minh triết.

Nắng bình yên dưới sắc cờ Hà Nội.

PHẦN PHỤ LỤC

TIỂU SỬ TRUNG TƯỚNG LƯ GIANG

Lư Giang (Lê Bá Ước: 1920 - 1994), Tư lệnh Quân khu Thủ đô (1980 - 1989). Quê: xã Võ Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Tham gia Cách mạng 1942, nhập ngũ tháng 5 năm 1945, Trung tướng (1984), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1945). Tháng 10 năm 1942, cán bộ Việt Minh tỉnh Bắc Giang. Tháng 7 năm 1945 chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Lục Nam và thị xã Bắc Giang; Đại đội trưởng Cứu quốc quân; Đại đội trưởng Đại đội Nam tiến Bắc Bắc. Năm 1946 đến năm 1952: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng các trung đoàn chủ lực của Liên khu 5. Tháng 12 năm 1953 đến 1954: phái viên BTTM ở Liên khu 5; Chỉ huy lực lượng tiếp quản Quy Nhơn. Tháng 12 năm 1954 đến năm 1964: Tham mưu trưởng Sư đoàn pháo binh 345, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 368, Tham mưu phó BTL Pháo binh, Tư lệnh - Bí thư Đảng ủy Phân khu Nam - Quân khu 5. Tháng 9 năm 1968: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3. Năm 1970 đến năm 1971: Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà - Quân khu 5. Tháng 2 năm 1973 Trưởng đoàn đại biểu Quân Giải phóng miền Nam trong Ban liên hợp Quân sự Bốn bên ở khu vực Đà Nẵng. Tháng 5 năm 1973 trưởng đoàn Quân sự của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp Quân sự Hai bên ở khu vực Plây Cu. Tháng 3 năm 1975 - Phó Tư lệnh Quân khu 5. Tháng 11 năm 1977 đến năm 1979: Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô, năm 1980 đến năm 1989: Tư lệnh, Bí thư đảng ủy (1986-1990) Quân khu Thủ đô; Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Đại biểu Quốc hội Khóa VII, VIII; Huân chương: Độc lập hạng nhất, Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì), Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì), Chiến thắng hạng Nhất...

TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH (thơ Lư Giang)

(Tặng em Trang)

Anh mang trái tim đi suốt thời chiến trận

Thanh bình rồi anh dành tặng quê hương

Quà của lính chỉ đơn thuần có thế

Một trái tim đi mãi lại mang về.

Đồng đội anh mỗi đứa một lời thề

Có thằng để lại trái tim trong đất

Trước lúc hy sinh nói những lời rất thật

Mày về quê tao nằm lại nơi này.

Lính là vậy đó em ơi!

Tình yêu trải dài theo đất nước

Lãng mạn lắm dễ gì ai có được

Sống hiên ngang chết vẫn mỉm cười.

Trái tim lính luôn tươi màu hạnh phúc

Trẻ trung hoài sức sống tuổi hai mươi

Người lính khi trở về hành trang đơn giản quá

Gia tài vẻn vẹn một trái tim

(Một trái tim thôi cũng là tất cả).

Yêu quê hương và cả yêu em

Chiến tranh sống chết gần trong gang tấc

Khi nằm xuống họ trở về với đất

Trả súng gươm thanh thản nợ non sông.

Anh may mắn trong lớp người còn sống

Về bên em còn lại trái tim hồng

Giọt xúc động xin nhỏ xuống mồ đồng đội

Cả cuộc đời xin dành tặng quê hương.

Kỷ niệm đêm 26/8/1975

Nhà văn Phùng Văn Khai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trung-tuong-lu-giang-tron-cuoc-doi-theo-cach-mang-ky-4-gia-dinh-rieng-cua-vi-tuong-tran-postid409531.bbg