Trung tướng Nguyễn Kiệm: Người tư lệnh trong thời điểm đặc biệt

Từ năm 1975 đến 1988 có thể coi là thời kỳ đặc biệt của đất nước và Quân đội ta. Trong giai đoạn đó, đồng chí Nguyễn Kiệm (sau là Trung tướng, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) được trao các trọng trách: Tư lệnh Sư đoàn 312 (1978-1979), Phó tư lệnh về Quân sự Quân đoàn 1 (12-1979 đến 2-1981), Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 (2-1981 đến 10-1983) và Tư lệnh Quân đoàn 1 (10-1983 đến tháng 6-1988).

Chỉ huy cuộc diễn tập sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên

Tiếng súng ở biên giới Tây Nam vừa yên thì ngày 17-2-1979 lại bùng nổ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Chiều 17-2, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 nhận lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ngay đêm hôm đó, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Kiệm và Chính ủy Đỗ Trường Quân cùng các đồng chí trong chỉ huy sư đoàn, chỉ huy các trung đoàn, các cơ quan và đơn vị trực thuộc họp, triển khai nhiệm vụ cho các đơn vị. Theo dõi diễn biến chiến đấu trên các mặt trận, hướng ra biên giới, các đơn vị của Sư đoàn vừa tích cực luyện tập bổ sung phương án chiến đấu, vừa làm tốt mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, để khi có lệnh là lên đường được ngay. Tuy chưa trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh, cơ động nhanh, sẵn sàng chiến đấu cao của Trung đoàn 209 và các đơn vị của Sư đoàn đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn đánh giá cao.

 Trung tướng Nguyễn Kiệm (1931-2010).

Trung tướng Nguyễn Kiệm (1931-2010).

Trung tuần tháng 10-1979, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, theo kế hoạch của Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tổ chức diễn tập thực binh vận động tiến công tiêu diệt sư đoàn địch sau đó chuyển vào phòng ngự. Đây là cuộc diễn tập lớn do Quân đoàn trực tiếp chỉ đạo phục vụ việc nghiên cứu sử dụng lực lượng của các đơn vị trong Quân đoàn. Trong diễn tập có bắn đạn thật và sử dụng một số khí tài mới. Qua cuộc diễn tập, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã thể hiện tinh thần nỗ lực cao, khả năng thích ứng mau lẹ với những điều kiện chiến đấu mới, nhanh chóng làm chủ vũ khí trang bị trong biên chế.

Trước thềm năm mới 1980, đồng chí Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh về Quân sự Quân đoàn 1. Nhận nhiệm vụ mới, Phó tư lệnh Nguyễn Kiệm cùng thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là tình hình ở biên giới phía Bắc diễn biến khá phức tạp. Để chủ động đối phó, ngày 22-3-1980, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị về sẵn sàng chiến đấu trong toàn quân.

 Đồng chí Nguyễn Kiệm chủ trì phiên họp hội đồng quân sự Quân đoàn 1 năm 1985.

Đồng chí Nguyễn Kiệm chủ trì phiên họp hội đồng quân sự Quân đoàn 1 năm 1985.

Thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Quân đoàn 1 tích cực làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành diễn tập sư đoàn bộ binh cơ giới (CĐ-30). Đây là cuộc diễn tập sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên, quy mô lớn nhất từ khi thành lập Quân đội ta đến nay. Ngày 30-11-1980, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trực tiếp xuống kiểm tra công tác chuẩn bị của Quân đoàn và Sư đoàn bộ binh cơ giới 308. Cuộc diễn tập diễn ra từ ngày 9-12 khi các lực lượng tham gia diễn tập của Quân đoàn được lệnh hành quân đến vị trí tập kết và hoàn thành nhiệm vụ lúc 9 giờ ngày 20-12 khi Tổng Tham mưu trưởng ra lệnh kết thúc các tình huống diễn tập.

Trong quá trình diễn tập, một nhiệm vụ rất khó khăn là phải cơ động lực lượng trên chặng đường hành quân dài gần 200 km. Ngoài số xe chiến đấu đặc chủng đi bằng tàu hỏa, còn có gần 1.000 xe chiến đấu BMP-1, BTR-152 của sư đoàn và các loại xe chiến đấu khác hành quân đi trên 4 tuyến đường lớn, vượt qua 2 sông lớn bằng cầu phao. Nhiệm vụ hành quân từ Hà Nội lên Lạng Sơn bằng xe chiến đấu bộ binh cơ giới rất khó khăn vì đội hình cơ động kéo dài, nhiều xe cộ, phương tiện, chỉ cần một trục trặc kỹ thuật là ảnh hưởng đến cả đội hình. Việc cơ động an toàn, thông suốt, đảm bảo cho diễn tập thành công là nhiệm vụ rất quan trọng được Bộ tư lệnh giao cho đồng chí Nguyễn Kiệm chỉ đạo. Suốt thời gian chuẩn bị, Phó tư lệnh Nguyễn Kiệm nhiều lần làm việc với các cơ quan kỹ thuật, hậu cần, tỉ mỉ kiểm tra từng chi tiết, quyết tâm không để xảy ra sự cố. Có một cái khó là, công tác hậu cần trước nay bộ đội ta quen nấu nướng bằng củi, nhưng chuyên gia Liên Xô lại yêu cầu phải nấu ăn ngay trên xe trong quá trình cơ động, bởi trong các xe đã được trang bị sẵn thiết bị phục vụ hậu cần. Phó tư lệnh Nguyễn Kiệm đề xuất cấp tốc hướng dẫn cho bộ đội cách sử dụng phương tiện được trang bị để nấu ăn. Ông trực tiếp học hỏi kinh nghiệm từ cố vấn Liên Xô, rồi hướng dẫn lại cho đơn vị. Trong thời gian rất ngắn, tất cả đã được bổ túc nhiều nội dung, trong đó có cách bảo đảm hậu cần ngay trên xe, góp phần quan trọng cho cuộc hành quân trong diễn tập CĐ-30 hoàn thành đúng kế hoạch.

Sự mềm dẻo đầy thuyết phục của người chỉ huy

Qua diễn tập CĐ-30, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tham gia diễn tập, cơ quan quân đoàn nói chúng và Sư đoàn bộ binh cơ giới 308 nói riêng đã có bước trưởng thành vượt bậc về trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng hiện đại. Trình độ tổ chức chỉ huy tham mưu tác chiến chiến dịch, chiến thuật trong môi trường không gian lớn của cán bộ các cấp được nâng lên. Quân đoàn bước đầu tích lũy được một số kinh nghiệm trong các quy trình điều hành về kỹ thuật quân sự, tính toán các lực lượng chiến đấu, tiêu hao dự trữ ở các cấp làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình xây dựng đơn vị. Sau cuộc diễn tập CĐ-30, trên cương vị là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, đồng chí Nguyễn Kiệm đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập lớn quan trọng như: MB-81 (từ 15 đến 20-10-1981), TN-81 (từ 9 đến 14-11-1981), TN-82 (từ 16 đến 25-12-1982), A-83, BT-83 (từ 25 đến 28-8-1983)…

 Đồng chí Nguyễn Kiệm (ngoài cùng bên phải) cùng các cố vấn Liên Xô tại Quân đoàn 1.

Đồng chí Nguyễn Kiệm (ngoài cùng bên phải) cùng các cố vấn Liên Xô tại Quân đoàn 1.

Trung tướng Lê Nam Phong, bấy giờ là Tư lệnh Quân đoàn 1 nhận xét: “Vốn trưởng thành từ trận mạc nên đồng chí Nguyễn Kiệm rất giỏi công tác tham mưu; tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi công việc và sáng tạo vận dụng sát thực tiễn”. Khi còn sống, Trung tướng Lê Nam Phong từng kể lại một kỷ niệm lần Quân đoàn 1 được giao nhiệm vụ tổ chức đội hình xe BMP-1 bộ binh cơ giới vượt sông, có sự phối hợp của nhiều lực lượng để biểu diễn cho Bộ Chính trị tham quan mô hình tổ chức lực lượng mới. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, bởi mọi việc phải hiệp đồng nhịp nhàng, đúng ý định, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân đoàn không được để xảy ra sai sót. Chuyên gia Liên Xô cũng sốt sắng, nhưng họ rất nguyên tắc, yêu cầu Bộ tư lệnh phải thực hiện đúng phương án đã được thông qua. Tư lệnh Lê Nam Phong vốn nóng tính đã tranh luận gay gắt với cố vấn số 1. Thấy vậy, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Nguyễn Kiệm lại rất mềm dẻo. “Anh xoa dịu tình hình rồi báo cáo với tôi đã có cách giải quyết. Theo ý định của chuyên gia Liên Xô, muốn vượt sông thì tất cả xe BMP-1 phải dàn thành hàng dọc trước khi xuất phát, đúng như điều lệnh tác chiến của Quân đội Liên Xô. Điều này làm cho đội hình cơ động rất dài, mà điều kiện thực địa không cho phép, lại rất khó hiệp đồng với các lực lượng khác. Đồng chí Kiệm đã đề xuất thu gọn đội hình bằng cách xếp các xe phía sau cong lên, men theo hồ Đại Lải, vừa gọn đội hình, vừa dễ cơ động mà vẫn bảo đảm triển khai toàn bộ các xe trước khi xuất phát. Thấy phương án hay nên tôi tán thành ngay, đồng thời giao cho đồng chí Kiệm thuyết phục các chuyên gia nước bạn chấp thuận phương án của quân đoàn. Lần đó, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, cuộc phối hợp các lực lượng tổ chức đội hình bộ binh cơ giới vượt sông diễn ra an toàn, suôn sẻ, được Bộ Chính trị và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương”-vị tướng anh hùng cho biết.

Vị tư lệnh sâu sát, gần gũi cán binh

Tháng 10-1983 là tháng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Quân đoàn, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao đội ngũ cán bộ chủ chốt của Quân đoàn. Tư lệnh Lê Nam Phong được điều về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, đồng chí Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm Tư lệnh.

Nhận trọng trách là người chỉ huy cao nhất của Quân đoàn 1- Binh đoàn Quyết Thắng- quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với đồng chí Nguyễn Kiệm vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao. Nhất là từ tháng 4-1984, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc lại diễn biến hết sức phức tạp, đã xảy ra xung đột quân sự ở một số khu vực. Trong đó, Thanh Thủy – Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay thuộc Hà Giang) là một điểm nóng. Tư lệnh Nguyễn Kiệm đã trực tiếp lên theo dõi tình hình tác chiến ở đây, ngay khi trở về đã tổ chức rút kinh nghiệm và chỉ đạo bổ sung huấn luyện cho sát với thực tế, sát với chiến trường. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thời điểm đó đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 nhớ lại: “Sau khi từ Vị Xuyên về, trong các cuộc giao ban, hội nghị hoặc chỉ đạo trực tiếp, gián tiếp, Tư lệnh Nguyễn Kiệm nói rất nhiều về thực tiễn chiến trường, kinh nghiệm tác chiến, những trăn trở, suy tư về nâng cao chất lượng huấn luyện cho sát thực, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới”. Một lần, sau khi làm việc với Sư đoàn 390, suốt buổi tối, Tư lệnh Nguyễn Kiệm trao đổi riêng với Sư đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu. Ông phân tích, đánh giá cụ thể về tác chiến ở biên giới, về đặc điểm địa hình, hệ thống phòng ngự và thủ đoạn của đối phương. Ông chỉ rõ, đặc điểm về địch, về địa hình, thời tiết, thủy văn, vũ khí trang bị… hiện nay có nhiều điểm khác so với cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây. Mặt khác, địa hình bên ta thấp hơn nên tác chiến bất lợi. Phải nắm chắc đặc điểm ấy để tranh thủ điều chỉnh, bổ sung huấn luyện bộ đội với yêu cầu tác chiến ở rừng sâu, núi đá; binh lực phải phân tán thành tổ, nhóm, chốt nhưng hỏa lực phải tập trung…

Trong năm 1984, Tư lệnh Nguyễn Kiệm đã chỉ đạo 6 cuộc hội thao, hội thi lớn nhằm đánh giá kết quả và nâng cao chất lượng huấn luyện của các đơn vị, đáp ứng với thực tiễn tình hình nhiệm vụ mới.Cuối năm, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, theo yêu cầu của Bộ, Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo Sư đoàn 308 tổ chức cuộc diễn tập bộ binh cơ giới cho đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta và các đoàn đại biểu quân sự các nước: Liên Xô, Lào, Campuchia tới tham quan. Cuộc diễn tập đã diễn ra đúng theo các tình huống trong từng giai đoạn tác chiến với chất lượng cao, được các đồng chí lãnh đạo và bạn bè quốc tế khen ngợi.

 Phó tư lệnh duyệt binh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Quốc khánh 2-9-1985 Nguyễn Kiệm báo cáo Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến sơ duyệt kiểm tra tại sân bay Hòa Lạc

Phó tư lệnh duyệt binh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Quốc khánh 2-9-1985 Nguyễn Kiệm báo cáo Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến sơ duyệt kiểm tra tại sân bay Hòa Lạc

Chuẩn bị cho các ngày lễ lớn của năm 1985, Bộ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh duyệt binh để chỉ huy, chỉ đạo lực lượng duyệt binh của tất cả các lực lượng trong toàn quân và lễ duyệt binh. Bộ tư lệnh duyệt binh lấy Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 làm nòng cốt do đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Kiệm, Tư lệnh Quân đoàn 1 làm Phó tư lệnh. Nhiệm vụ tổ chức lực lượng tham gia duyệt binh là một vinh dự lớn đối với Quân đoàn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sau một thời gian luyện tập và hợp luyện, đầu tháng 8-1985, Bộ tư lệnh đã chỉ đạo các khối, các đơn vị tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và bàn biện pháp cho giai đoạn luyện tập tổng hợp tiếp theo. Ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, các lực lượng tham gia duyệt – diễu binh mừng ngày Quốc khánh, trong đó có lực lượng của Quân đoàn 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 Thiếu tướng Nguyễn Kiệm chia tay các chiến sĩ Sư đoàn 390 đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, ngày 15-9-1985.

Thiếu tướng Nguyễn Kiệm chia tay các chiến sĩ Sư đoàn 390 đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, ngày 15-9-1985.

Là Tư lệnh Quân đoàn, đồng chí Nguyễn Kiệm luôn sâu sát bộ đội, thường xuyên có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, những điểm nóng. Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu, trong nhiệm vụ MB- 84 (1984), ông là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 kể: “Trên cương vị của mình, tôi có nhiệm vụ đi theo dõi và làm công tác tư tưởng trong anh em, cán bộ. Khi các trận đánh diễn ra, tôi nhanh chóng vào với anh em nhưng chẳng ngờ đến nơi, đã thấy Tư lệnh Nguyễn Kiệm ở đó rồi. Đặc điểm địa lý khu vực biên giới phía Bắc khá phức tạp. Vì vậy các điểm chốt, vị trí đóng quân của ta đều nằm sâu, hầu hết là các điểm cao, hiểm trở, việc đi lại-tiếp tế không hề đơn giản. Chúng tôi phải hành quân khá vất vả, dọc theo khe suối nhiều giờ đồng hồ, có khi nhiều ngày mới đến nơi. Vậy mà hầu hết các điểm đóng quân của ta, đồng chí Nguyễn Kiệm đều có mặt. Việc tác chiến cụ thể như thế nào không nói, nhưng với cương vị của ông lúc bấy giờ mà không ngại khó, ngại khổ, thậm chí là hy sinh như thế khiến anh em tôi không khỏi khâm phục. Ông là người chỉ huy cấp cao, đáng lẽ không phải đi, “ngồi tuyến sau” chỉ đạo là được, thế nhưng không, ông cứ đi lên phía trước. Tướng Nguyễn Kiệm vào tận nơi để kiểm tra, cùng các lực lượng giải quyết chính sách, động viên bộ đội. Tôi nhớ mãi sau một trận đánh không thành công của ta, khi cán bộ Sư đoàn 312 chúng tôi đến nơi thì đã thấy Tư lệnh Nguyễn Kiệm từ trong ra, mặt buồn buồn. Chắc có lẽ cũng giống như chúng tôi, thấy bộ đội thương vong nhiều quá mà không cầm lòng được”.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà trao đổi với phóng viên.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà trao đổi với phóng viên.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, khi đồng chí Kiệm là Tư lệnh Quân đoàn 1 thì ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, tham gia nhiệm vụ T-87 kể: "Khi ấy, ở mặt trận Vị Xuyên vô cùng khó khăn gian khổ, bộ đội ta ở tiền duyên bị pháo địch công kích hy sinh nhiều. Vậy mà bất chấp nguy hiểm, Tư lệnh Nguyễn Kiệm luôn đi cùng bộ đội, đốc chiến và làm gương cho anh em. Ông đi đến tận nơi thăm và kiểm tra các chốt, các cao điểm mà bộ đội ta đóng quân. Đơn vị tôi phụ trách hướng chủ yếu (Khu vực trục đường lên thẳng cửa khẩu, gồm các trọng điểm như: Đồi Đài, Cô Ích, Khu H, Đồi Đá...). Tôi nhớ từng trực tiếp tháp tùng Thủ trưởng Kiệm đến cao điểm 468, do đồng chí Diên chỉ huy và một lần cùng đồng chí Đỗ Hồng Quân đưa ông vào hang Làng Lò”...

Tháng 6-1988, do yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Nguyễn Kiệm được điều về giữ cương vị Phó tổng Thanh tra rồi Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Gần 5 năm là người chỉ huy đứng đầu Quân đoàn 1, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn giữ vững đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng Quân đoàn ngày càng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn đặc biệt của đất nước và Quân đội.

TRANG THANH - HOÀNG TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-kiem-nguoi-tu-lenh-trong-thoi-diem-dac-biet-748429