Trúng tuyển sớm: Chỉ chắc chắn đỗ khi xác nhận trên hệ thống
Kinhtedothi – Khi chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 trên hệ thống nhưng vẫn có không ít thí sinh, phụ huynh còn lo lắng và chưa thông tỏ xung quanh việc xác nhận trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.
Được phép xác nhận nhiều trường cùng lúc
Xét tuyển sớm là một trong những phương thức xét tuyển được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng trong tuyển sinh đại học. Lựa chọn xét tuyển sớm là quyền lợi, giúp tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng không xác nhận trên hệ thống của Bộ, có nghĩa thí sinh đã dành cơ hội cho thí sinh khác.
“Ví dụ: 1 thí sinh đỗ 20 nguyện vọng (NV) xét tuyển sớm, nhưng khi đăng kí trên hệ thống thì thí sinh chỉ được đặt 1 NV lên cao nhất và trúng tuyển 1 NV đó. Như vậy, 19 NV còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Hoặc nếu thí sinh trúng tuyển sớm 20 trường nhưng không xếp NV trúng tuyển sớm nào là NV1 trên hệ thống thì cả 20 NV đó đều dành cho thí sinh khác” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy giải thích.
Trúng tuyển sớm là trúng tuyển có điều kiện của các trường. Nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng đó không phải là NV các em yêu thích thì các em hãy đặt xuống dưới các NV yêu thích. Hệ thống tuyển sinh thực hiện theo nguyên tắc các thí sinh nếu đủ điều kiện đỗ ở NV nào sẽ dừng ở NV đó. Vì vậy, nếu không đỗ các NV trên, chắc chắn các em sẽ đỗ ở NV đã trúng tuyển sớm.
“Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm, đã xác nhận trên cổng Bộ nhưng NV xét tuyển sớm không đỗ thì có thể làm đơn kiến nghị Bộ GD&ĐT can thiệp, Bộ sẽ buộc các trường phải nhận thí sinh”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQGHN), thí sinh không nên phiêu lưu, thử nghiệm với NV1.
“NV1 trên hệ thống là NV cao nhất. Nếu thí sinh đỗ NV1, sẽ không được xét các NV phía sau. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm vào ngành mình mong muốn nhất thì hay để ngành đó, trường đó là NV1. Đừng vì thấy điểm thi tốt nghiệp THPT của mình cao, muốn thêm niềm vui và thử thách xem có thể đỗ tiếp trường khác không mà ghi NV nào đó mình không thực sự thích lên làm NV1” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nói.
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc, một số trường yêu cầu xác nhận NV trúng tuyển sớm, nếu xác nhận thì có cơ hội đỗ trường khác không? PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tư vấn: “Trường yêu cầu gì, phụ huynh cứ làm theo đầy đủ. Trường yêu cầu xác nhận, phụ huynh cứ thoái mái xác nhận chứ không cần phải lo lắng gì. Kể cả sau khi xác nhận mà thí sinh thích trường khác, các em hoàn toàn có quyền ghi trường khác là NV1. Tất nhiên, để chắc chắn thì thí sinh vẫn nên đưa các trường đã trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ. Điều này đảm bảo cơ hội đỗ cho các em”.
Lí giải vì sao có trường yêu cầu xác nhận trúng tuyển sớm, có trường lại không, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay: Giáo dục đại học khác giáo dục phổ thông khi các trường có quyền tự chủ rất cao. Quy trình xét tuyển là quyền riêng của mỗi trường, Bộ GD&ĐT không có quyền can thiệp nên rất mong thí sinh và phụ huynh chia sẻ. Việc các trường yêu cầu xác nhận nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, việc thí sinh đăng ký NV nào lên hệ thống mới mang tính quyết định. Nếu cảm thấy trường thủ tục phiền hà, không thân thiện, thí sinh cũng có quyền từ chối theo học, không xác nhận, đó là quyền chủ động của thí sinh.
Điểm sàn khác gì điểm chuẩn?
Khi nhiều trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển, xuất hiện tình trạng nhiều thí sinh còn mơ hồ giữa điểm sàn và điểm chuẩn từ đó nêu câu hỏi: “Em đủ điểm sàn thì có coi là em đã đỗ không?”.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chỉ là điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh, giống như để vào đại học phải tốt nghiệp THPT.
Thông thường, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn, số ít trường tốp dưới, điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn không đáng kể so với điểm sàn.
Giải thích lý do điểm chuẩn cách xa với điểm sàn, PGS.TS Bùi Đức Triệu nói đây là kết quả của sự chênh lệch giữa lượng hồ sơ nộp vào, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì giới hạn, nếu tăng cũng rất ít. Do vậy không phải thí sinh nào đạt ngưỡng xét tuyển cũng có cơ hội học tập tại các trường.
Đơn cử, tối 21/7, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp 2 nhóm đối tượng 4 và 5 - thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT và thí sinh hệ các trường THPT chuyên toàn quốc.
Ở phương thức xét tuyển này có khoảng 18.000 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.500, chênh lệch khoảng 4 lần, tăng 30% so với năm 2022. Ngoài ra, chất lượng hồ sơ cũng cao hơn năm trước, lượng thí sinh có IELTS 6.5 trở lên chiếm 70%. Do đó điểm chuẩn hai nhóm đối tượng này đều tăng 1 điểm so với năm 2022.
PGS.TS Bùi Đức Triệu nhắc thí sinh: Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn sát sườn nhất.
"Năm nay Bộ GD&ĐT áp dụng quy chế nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các thí sinh sẽ giảm dần theo tuyến tính, do vậy điểm chuẩn các ngành từ 28 điểm xác suất tăng sẽ thấp, nhưng các điểm chuẩn tốp dưới sẽ ổn định", PGS.TS Bùi Đức Triệu dự đoán.
Để thí sinh tránh nhầm lẫn khi ghi nguyện vọng xét tuyển, khi công bố điểm sàn năm 2023, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nêu: “Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không phải là điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển thường cao hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Chỉ những thí sinh có điểm lớn hơn hoặc bằng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển mới được tham gia xét tuyển”.
Đến 17 giờ ngày 30/7, Hệ thống đăng ký NV của Bộ sẽ đóng lại. Điều quan trọng lúc này với thí sinh chưa đăng ký là các em phải xác định được mình muốn học ở NV nào thì đặt NV đó lên trên vì mỗi thí sinh chỉ có thể trúng tuyển một NV cao nhất.
“Thí sinh cần có chiến thuật đăng ký NV và phân chia thành các nhóm NV khác nhau. Các em không nên đặt quá nhiều NV, ngược lại cũng không nên đặt quá ít NV để tránh rủi ro. Thời hạn đăng ký, điều chỉnh NV trên hệ thống sắp hết. Mỗi thí sinh cần chủ động đăng ký, không nên chờ đến tận ngày cuối, giờ cuối mới truy cập hệ thống vì dễ xảy ra chậm muộn bởi những nguyên nhân khách quan” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-tuyen-som-chi-chac-chan-do-khi-xac-nhan-tren-he-thong.html