Trung và hiếu

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đàm Thận Huy có hiệu là Mặc Trai, tên chữ là Mặc Hiên Tứ, thụy là Trung Hiến, người làng Ông Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 28 tuổi, ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ đời Lê Thánh Tông, ông xếp thứ 17 trong danh sách. Ông làm quan đến chức Tán trị công thần Lễ bộ Thượng thư. Năm 1525, vua Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung bắt. Ngày 3-8-1526, ông cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Phu nhân Nghiêm Thị Hiệu và 2 người con gái út của ông cũng tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng, Bắc Giang.

Theo sử cũ còn ghi lại, một hôm, trời mưa to nên đã đến giờ tan học mà các học trò vẫn phải nán lại chưa thể về được, nhân đó Đàm Thận Huy ra vế đối cho các học trò. Vế ra: Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách (mưa, dù không xích không khóa, cũng có thể giữ chân khách ở lại). Sau đó, học trò Nguyễn Giản Thanh đối: Sắc bất ba đào, dị nịch nhân (sắc đẹp, dù chẳng phải sóng gió, cũng dễ làm cho người ta chìm đắm). Câu đối lấy ý từ điển cố Trung Hoa: Đời Minh Huệ đế, Trần Hóa Chiêu ở huyện Tế Hàng, tỉnh Sơn Đông có vợ là Lương Tiểu Nga rất xinh đẹp. Ở cùng huyện có nhà phú hộ tên là Trát Hiếu Sắc. Hiếu Sắc thấy Tiểu Nga đẹp, tìm cách kết bạn với Hóa Chiêu. Lập tâm chiếm cho được vợ bạn, Hiếu Sắc bỏ ra rất nhiều tiền để giúp bạn trong việc làm ăn hoặc lúc nguy khốn. Sau khi chiếm được cảm tình của nhà bạn, Hiếu Sắc rủ Hóa Chiêu đi buôn, mọi vốn liếng đều do mình chịu cả. Thuyền buôn đi 1 tháng đến Hàng Châu, Hiếu Sắc phục rượu cho Hóa Chiêu say rồi xô xuống biển. Mấy lần Hóa Chiêu trồi lên đều bị tên phản bạn nhấn chìm, cuối cùng Hóa Chiêu phải vùi thây dưới đáy biển. Khi ấy, Hiếu Sắc mới tri hô lên cho bè bạn hay nhưng không cứu được. Hiếu Sắc cho thuyền trở về, khóc lóc báo tin dữ cho mẹ và vợ Hóa Chiêu, bỏ tiền cúng bái và cùng Tiểu Nga để tang. Từ đó, Hiếu Sắc càng tỏ ra hết lòng lo lắng mọi việc nhà cho vợ bạn khiến mẹ Hóa Chiêu cảm động và ép dâu là Tiểu Nga gả cho Hiếu Sắc để đền công ơn giúp đỡ. 2 người ăn ở với nhau ít lâu, trong lúc vô ý, Hiếu Sắc để lộ việc mình hại bạn. Tiểu Nga đến huyện đường cáo trạng và trả được thù cho chồng cũ. Nhưng nàng nhận thấy vì nhan sắc của mình mà cả hai người chồng đều bị chết, nên Tiểu Nga thắt cổ tự tử.

Khi ấy, thầy giáo Đàm Thận Huy đưa ra nhận xét rằng: Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đỗ trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp. Quả nhiên là về sau, Nguyễn Giản Thanh làm quan đến Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá.

Còn học trò Nguyễn Chiêu Huấn thì đối: Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân (trăng có cung loan mà không bắn người). Khi ấy, thầy giáo Đàm Thận Huy đánh giá: Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hòa, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn! Người này làm quan thanh liêm, bản chất lương thiện rất được lòng dân. Đàm Thận Huy thích câu của Nguyễn Chiêu Huấn có ý trung hậu, ông bèn gả con gái lớn là Thúy cho người học trò hiền lành này. Về sau, Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên. Thấy vậy, bà vợ ông tỏ ra hối tiếc và Đàm Thận Huy bảo rằng: Anh này đỗ trạng nguyên thì anh kia rồi cũng phải đỗ bảng nhãn. Và quả là khoa thi kế tiếp, lúc Đàm Thận Huy đang tắm ngoài ao thì nghe tin con rể Huấn đỗ tiến sĩ. Ông không kịp mặc quần áo, cứ thế chạy về nhà hô to rằng: “Huấn cũng đỗ ông nghè rồi đấy!”.

Người học trò thứ ba không rõ tên tuổi lên tiếng đối rằng: Phân bất uy quyền dị khủng nhân (cục phân chẳng có uy quyền gì mà khiến người ta phải sợ). Và thầy Đàm Thận Huy cho rằng người đối câu này về sau tuy rất giàu có nhưng lại keo kiệt, bủn xỉn. Và về sau, người học trò này trở thành bậc hào phú giàu có nhất trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Lời bàn:

Năm 1526, trong tình thế vua Lê Chiêu Tông bị bắt, quân ứng nghĩa bị Mạc Đăng Dung đánh cho tan tác, Đàm Thận Huy đã cùng những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Đàm Thận Huy là một danh thần, có nhiều công với dân, với nước, từng được nhà Lê Trung hưng xếp vào hàng Kiệt Tiết và phong tước “Tiết Nghĩa Đại Vương”. Vợ của Đàm Thận Huy mất khi cùng chồng kháng cự với quân Mạc trên đất Thọ Thành - Yên Thế, cũng được phong vương cùng chồng. Đây là trường hợp hy hữu mà một người phụ nữ Việt Nam được phong vương.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt hẳn ngôi nhà Lê, xem ông là người trọng nghĩa nên đã cho rước hài cốt ông về chôn ở làng và ban sắc, phong tước hầu cho ông. Trước khi chết, Đàm Thận Huy còn viết thư gửi các con với lời dặn rằng: Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: Phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Thế mới hay rằng, những người sống biết hết lòng vì dân, vì nước, biết lấy trung hiếu làm đầu thì dù sống hay chết thì kẻ thù cũng phải nể phục và tôn kính. Mong rằng tấm gương của tiền nhân Đàm Thận Huy, hậu thế đừng ai quên!

N.D

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/trung-va-hieu-72614