Trước giờ thoái vốn, Kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại tại tổng Cty Hancorp
Kiểm toán tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp), Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra loạt sai phạm đất đai, quản lý tài chính, chi phí đầu tư dự án thời gian qua, và yêu cầu phải nộp bổ sung vào ngân sách hàng trăm tỉ đồng.
Nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm
Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cho thấy dù được Nhà nước giao quản lý, sử dụng quỹ đất hàng trăm hecta đất nhưng tổng công ty này đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.
Được giao đất thực hiện dự án khu biệt thự thuộc khu đoàn ngoại giao, quận Tây Hồ, TP Hà Nội từ năm 2008, nhưng đến nay Hancorp vẫn chưa nộp tiền thuê đất các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2.
Tương tự, dự án khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, Công ty Tây Hồ (công ty con Hancorp) cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9ha đất nhiều năm qua. Công ty mẹ Hancorp hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000m2, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2001 nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng Làng quốc tế Thăng Long, công ty mẹ Hancorp dù hoàn thành dự án cả chục năm nhưng chưa bàn giao khu thể dục, thể thao 6.102,3m2 và khu nhà trẻ diện tích 408,2m2 cho UBND TP Hà Nội quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 (trực thuộc Hancorp) tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai thiết kế, quy hoạch, buộc phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất 10,8 tỉ đồng.
Kiểm toán việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại 3 dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc khu đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư, KTNN cũng phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý chí phí đầu tư xây dựng.
KTNN kết luận trong quá trình thực hiện 3 dự án, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan cơ bản tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, còn tồn tại một số sai phạm như lập tổng mức đầu tư dự án sai làm tăng vốn đầu tư, thiếu hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bảng chấm công, chứng từ chi trả lương...
Qua kiểm toán đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỉ đồng, trong đó tính sai khối lượng 10,5 tỉ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỉ đồng, sai khác gần 48 tỉ đồng.
Làm ăn có lãi nhưng chậm nộp cổ tức cho nhà nước
Kết luận của KTNN nêu rõ: "Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tổng công ty xây dựng Hà Nội đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao; doanh thu và thu nhập năm 2019 đạt 2.472.277 triệu đồng, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty có lãi, trong khi đó, nợ số nợ là 0,72 lần, đảm bảo khả năng thanh toán tổng quát và nợ ngắn hạn".
Tuy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 có lãi nhưng theo kiểm toán chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với năm 2018. Hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ Tổng công ty xây dựng Hà Nội năm 2019 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản (lãi 132.253 triệu đồng).
Sau khi kiểm toán tại Hancorp và 5 công ty con, KTNN kiến nghị công ty mẹ phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước 25,8 tỷ đồng. Trong đó nộp bổ sung thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 1,8 tỷ đồng, thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) khoảng 6,5 triệu đồng, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 15 tỷ đồng, khoản phải nộp khác 8,9 tỷ đồng, các khoản phí là lệ phí 7 triệu đồng.
Đối với 3 dự án đầu tư khu nhà ở công vụ và thương mại NO4.A, xây dựng nhà ở cao tầng NO1-T8, xây dựng khu biệt thự, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý số tiền hơn 17,7 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách 5 tỷ đồng, giảm thanh toán 12,7 tỷ đồng. Kiểm toán kiến nghị Hancorp nộp lại 43,2 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán tại 3 dự án.
Ngoài ra, dù là một doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi, nhưng 2 năm qua Hancorp lại chậm nộp cổ tức cho Nhà nước. Vì vậy, KTNN yêu cầu công ty mẹ Hancorp nộp 167,2 tỷ đồng tiền cổ tức 2 năm 2018 - 2019 vào ngân sách.
KTNN kiến nghị Tổng công ty xây dựng Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục những sai sót, hạn chế. Đơn cử như, mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để chuyển tiền bảo trì cho người mua, thuê mua căn hộ theo quy định; Phân loại, đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả đầy đủ và thực hiện các biện pháp thu hồi nợ.
Rà soát, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khoản nợ phải thu quá hạn và khó đòi để xử lý dứt điểm và tổ chức việc kiểm điểm trách nhiệm (công ty mẹ, Công ty Xây dựng số 1, Công ty Tây Hồ). Giám sát chặt việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả của công ty mẹ tại các doanh nghiệp có vốn góp.
KTNN cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý việc thu hồi và giao diện tích khu đất CC1 tại Dự án khu Đoàn Ngoại giao cho công an TP Hà Nội xây dựng trụ sở công an phường Xuân Đỉnh. Chỉ đạo các sở ban ngành làm việc với tổng công ty để nhận bàn giao khu đất 5.000m2 tại xã kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Được biết, ngày mai 16/12, Bộ Xây dựng sẽ đưa gần 139,4 triệu cổ phần Hancorp đang sở hữu ra bán đấu giá với giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phần. Đến nay, Bộ Xây dựng vẫn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 98,83% vốn điều lệ công ty, tương ứng toàn bộ số cổ phần dự kiến mang ra đấu giá.