Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Khổng Minh, một chiến lược gia kiệt xuất, nhà ngoại giao xuất chúng và là công thần khai quốc của nhà Thục Hán. Là người túc trí đa mưu, liệu sự như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, Gia Cát Lượng hết mực trung thành, phò tá Lưu Bị xây dựng nhà Thục, tạo thành thế kiềng 3 chân với Tào Ngụy và Đông Ngô.
Trước khi qua đời năm 234, Khổng Minh đã lựa chọn, bồi dưỡng một vài nhân tài xuất sắc để làm người kế nhiệm mình. Trong số này, ông đã nói với Hậu chủ Lưu Thiện rằng: "Nếu thần có gì bất trắc, việc sau này xin giao phó cho Tưởng Uyển".
Qua câu nói này, Tưởng Uyển là một trong những người được Gia Cát Lượng bồi dưỡng, chọn làm người kế nhiệm giữ chức Thừa tướng thay mình. Tưởng Uyển, tự Công Diễm, từng phụ trách hỗ trợ hậu cần cho quân Thục. Mỗi khi quân Thục xuất chinh, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển lương thảo.
Được Gia Cát Lượng tin tưởng, tiến cử với Lưu Thiện - con trai Lưu Bị nên sau đó Tưởng Uyển được phong giữ các chức: Thượng thư lệnh, sau kiêm cả Thứ sử Ích Châu, rồi làm Đại tướng quân, tước An Dương Đình Hầu, quản lý nhiều việc quan trọng trong triều.
Là người kế nhiệm Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển đã chứng minh cho mọi người thấy đó là quyết định sáng suốt khi ông không chỉ có tài mà luôn điềm tĩnh, công tư phân minh và được văn võ bá quan kính nể.
Người tiếp theo được Gia Cát Lượng bồi dưỡng là Phí Y, tự Văn Sĩ. Ưu điểm lớn nhất của Phí Y là có trí nhớ tốt, làm việc hiệu quả, cởi mở, tính tình hòa nhã.
Lúc sinh thời, Phí Y từng thay Tưởng Uyển làm Đại tướng quân chấp chính. Về sau, ông giữ chức Thứ sử Ích Châu, gánh vác nhiều công việc quan trọng của triều đình nhà Thục.
Đổng Doãn là người tiếp theo được Khổng Minh bồi dưỡng. Trong mắt Gia Cát Lượng, Đổng Doãn là người công chính nghiêm minh, biết chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng người tài. Tuy nhiên, Đổng Doãn không may qua đời sớm nên không có nhiều cơ hội thể hiện bản lĩnh, phò tá Lưu Thiện.
Người cuối cùng được Khổng Minh tin tưởng, bồi dưỡng là Khương Duy. Vị tướng quân này nhiều lần dẫn quân Bắc phạt đánh Tào Ngụy. Là người tinh thông binh pháp, mưu lược, ông đã lập được một số chiến công lớn.
Tuy nhiên, Khương Duy không phát huy được hết tài hoa và thực lực trong 3 lần Bắc Phạt vì nhà Thục gặp vấn đề về lương thảo nên phải rút quân về nước dù đã giành được một số chiến thắng trong các trận đánh nhỏ.
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.
Tâm Anh (TH)