Trước lượt thứ 5 vòng loại U.19 quốc gia: Tất cả đều đã nóng máy
Vào chiều mai, lượt trận thứ 5 vòng loại giải U.19 quốc gia cũng là vòng cuối cùng của lượt đi sẽ diễn ra. Thời điểm này, các đội bóng hầu như đã nóng máy.
Bảng A: Hà Nội và Viettel đã nóng máy
Tại bảng A, đương kim vô địch Hà Nội và á quân Viettel là hai đội được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, nhờ lịch thi đấu thuận lợi nên Thanh Hóa đã có sự thăng hoa để làm xáo trộn bảng đấu trong thời gian đầu. Thanh Hóa là đội đã vươn ngôi đầu bảng sau lượt thứ 3 và có lúc bỏ xa Hà Nội đến 5 điểm. Nhưng đúng thời điểm quan trọng, Hà Nội đã giải mã thành công Thanh Hóa bằng chiến thắng 3-2.
Trận đấu đó giúp các nhà đương kim vô địch có tâm lý thoải mái khi bước vào trận đấu gặp Hải Phòng chiều mai. Lúc này, Hải Phòng đã hiện hình là đội bóng yếu nhất bảng A khi toàn thua sau 4 lượt trận, thậm chí còn không ghi nổi bàn nào. Do vậy, Hà Nội có lẽ không mất nhiều sức lực để có chiến thắng như cách họ từng ghi 4 bàn trong hiệp 1 để vượt qua Quảng Ngãi. Điều quan trọng hơn với Hà Nội là phải giữ chân, giữ sức cho trận tái đấu Công an Hà Nội sau đó 2 ngày.
Về phía Thanh Hóa, giờ mới là thời điểm khó khăn thật sự khi họ lần lượt gặp 2 đối thủ mạnh của bảng là Hà Nội và Viettel. Tại lượt đấu thứ 4, Thanh Hóa để thua Hà Nội 2-3 có phần không tâm phục, khẩu phục do đội bóng xứ Thanh đã phải chơi thiếu người (Nguyễn Đức Tùng nhận thẻ đỏ ngay phút thứ 5). Các cầu thủ Thanh Hóa phải rút được bài học kinh nghiệm và sự tỉnh táo khi gặp Viettel có sức mạnh và phong độ không kém gì Hà Nội.
Từ đầu vòng loại, Viettel mới chỉ để hòa Hà Nội. Tính từ vòng loại năm ngoái cho đến nay, Viettel chỉ không thắng mỗi Hà Nội mà thôi. Thực tế là vòng loại và VCK năm ngoái, Viettel đã toàn thắng 12 trận trước khi vào chung kết. Thống kê vậy để thấy Viettel là đội được đánh giá cao hơn. Nhưng trong 2 lần đối đầu gần nhất tại vòng loại năm 2021, Thanh Hóa từng thắng Viettel 1-0 lượt đi trước khi Viettel thắng lại 2-0 lượt về.
Trận còn lại của bảng A giữa Công an Hà Nội và Quảng Ngãi cũng hấp dẫn. Đội bóng ngành vũ trang thừa hiểu khó cạnh tranh 2 vị trí dẫn đầu nhưng họ vẫn còn cơ hội tìm vị trí thứ 3 nên chiến thắng trước Quảng Ngãi sẽ vô cùng quan trọng.
Bảng B: Đến lúc PVF lấy ngôi đầu
Tại bảng B, người ta chú ý nhiều vào sự sa sút của SLNA. Sau 2 lượt đấu đầu tiên chơi cực kỳ thành công khi đánh bại Nam Định dễ dàng và cầm hòa trên thế thắng trước chủ nhà PVF, thì SLNA lại thua liên tiếp 2 đội bóng miền Trung được đánh giá thấp hơn. Nếu trận thua ngược 1-2 trước Huế có thể xem là một tai nạn thì chẳng có gì bào chữa cho trận thua Đà Nẵng đến 0-3.
Nam Định thua SLNA thì đang dẫn đầu, PVF suýt thua SLNA thì đang xếp thứ nhì. So sánh như vậy để thấy thực lực của SLNA mà đá đúng sức thì đáng ra phải dẫn đầu bảng B. Lượt đấu chiều mai, SLNA nghỉ thi đấu nên bảng B sẽ là sân khấu chính của PVF.
Cùng được coi là ứng cử viên vô địch nhưng PVF có biểu đồ ngược với SLNA. Trong hai lượt đầu, PVF chơi không thành công khi liên tục bị Đà Nẵng và SLNA chia điểm trong thế bị dẫn bàn trước. Nhưng PVF bắt đầu thức tỉnh để lấy lại đúng thực lực của mình nhờ được nghỉ lượt thi đấu thứ 3. Bằng chứng là ở lượt trận thứ 4, dù đối mặt Huế đang hưng phấn sau chiến thắng SLNA ở lượt trước, PVF vẫn thắng giòn giã 4-0. PVF đã trở lại với phong thái uy nghi khi chơi đúng đẳng cấp. Nếu 2 trận trước, PVF luôn bị thủng lưới trước và phải rượt đuổi rất vất vả mới san bằng được tỷ số vào những phút cuối trận thì lần này, PVF không còn mắc sai lầm nào trong khi hàng công biết cách trừng phạt đối thủ rất ngọt.
Trong khi đó, Nam Định dù giữ ngôi đầu với 6 điểm nhưng có vẻ là do may hơn hay. Đội bóng thành Nam đã thắng 2 đội bóng yếu nhất bảng là Đà Nẵng và Huế nên vươn lên ngôi đầu trong khi SLNA gần đây trục trặc, PVF lại ỳ giai đoạn đầu. Rất khó để Nam Định có thể cản bước PVF lúc này. Cần nhớ trong 6 trận hai đội gặp nhau tại vòng loại từ 2018 đến nay, PVF đã thắng đến 5. Trận duy nhất mà Nam Định thắng được PVF, cũng là lần cuối cùng hai đội gặp nhau, diễn ra trong bối cảnh mà PVF đã giành vé đi tiếp nên đá kiểu thủ tục.
Trận còn lại của bảng B là derby miền Trung giữa Đà Nẵng và Huế. Việc cùng thắng SLNA giúp hai đội bóng này cảm thấy có nhiều cơ hội tranh chấp một tấm vé đi tiếp. Trong 10 năm trở lại đây, 2 đội đã 6 lần chung bảng tại vòng loại. Ưu thế đối đầu nghiêng về Đà Nẵng vì trong 12 trận gặp nhau, Đà Nẵng thắng 7, Huế thắng 3. Riêng 5 lần gặp nhau gần đây từ 2019, Đà Nẵng thắng 4, Huế chẳng thắng trận nào.
Bảng C: HAGL thong dong về đích
Trong khi các đội mạnh như Hà Nội, Viettel, PVF dù giữ được thành tích bất bại nhưng đã chịu cảnh chia điểm, SLNA còn để thua 2 trận thì HAGL vẫn giữ được phong độ ấn tượng. Cho đến lúc này, HAGL là đội duy nhất toàn thắng tại vòng loại với 12 điểm sau 4 lượt đấu, bỏ xa đội xếp nhì bảng đến 4 điểm. Nhiều khả năng đội bóng Phố Núi sẽ trở thành cái tên đầu tiên vượt ải vũ môn.
Tại lượt trận chiều nay, HAGL sẽ gặp đội nhì bảng Lâm Đồng. Có thể coi Lâm Đồng là hiện tượng của giải đấu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Lâm Đồng không có tiếng nói trên bản đồ bóng đá Việt, kể cả ở giải trẻ. Nhưng cú hích quan tâm bóng đá của tỉnh năm nay đã tạo ra hiệu ứng ở giải U.19. Sau 4 lượt trận đầu tiên, Lâm Đồng không những bất bại mà còn tạm vươn lên nhì bảng với 8 điểm.
Tuy nhiên, sẽ khó có thêm kỳ tích nào cho Lâm Đồng khi đối mặt với HAGL đẳng cấp và giàu kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng tại vòng loại năm ngoái, Lâm Đồng đã gặp HAGL 2 trận và thua chóng vánh với kết quả rất cách biệt: thua 0-6 lượt đi và thua 0-5 lượt về.
Trận đấu hấp dẫn và căng thẳng hơn ở bảng C là trận giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Do HAGL quá mạnh và chắc ngôi đầu nên cuộc đua vị trí nhì bảng sẽ rất nóng giữa Lâm Đồng, Khánh Hòa và Phú Yên. Hai trận Lâm Đồng - Khánh Hòa và Phú Yên - Lâm Đồng đều đã hòa nên trận Phú Yên - Khánh Hòa sẽ có ý nghĩa quyết định ngôi nhì bảng sau này. Trong trận derby Phú Khánh thì nhiều người đánh giá cao Khánh Hòa, nhất là khi họ đã thắng Bình Định 5-0 còn Phú Yên lại thua Bình Định 0-1. Tuy nhiên, trong bóng đá thì không có tính chất bắc cầu.
Trong lần duy nhất hai đội gặp nhau trước đây tại vòng loại 2019, Phú Yên đã đánh bại Khánh Hòa 3-1 lượt về sau khi hòa 0-0 lượt đi.
Kon Tum là đội bóng gây thất vọng nhất tại vòng loại lúc này. Được kỳ vọng sẽ tạo thành ngựa ô như vòng bảng năm ngoái nhưng Kon Tum lại thua cả 4 trận và cùng Hải Phòng là 2 đội không ghi nổi bàn nào (nhưng Hải Phòng ở bảng tử thần chứ không dễ thở như Kon Tum). Trận gặp Bình Định là cơ hội để Kon Tum lấy lại hình ảnh, trong khi đội bóng đất Võ cũng đang khao khát giành chiến thắng để trở lại đường đua.
Bảng D: Thế cục đã định
Hai đội bóng thuộc tỉnh Sông Bé cũ là Bình Dương và Bình Phước đã quy hoạch thứ tự bảng đấu từ vòng đầu tiên. Kể từ vòng 1 đến 4, Bình Phước thứ nhất, Bình Dương thứ hai, điểm số của cả hai cũng song hành và chỉ hơn kém nhau chút hiệu số. Đến lúc này, Bình Phước và Bình Dương cùng có 10 điểm, bỏ xa đội bám đuổi gần nhất là TP.HCM đến 4 điểm. Quy hoạch này, trật tự này có thể tiếp tục được triển khai trong lượt trận thứ 5.
Bình Phước sau chiến thắng hết sức quan trọng trước Tây Ninh để cắt đuôi láng giềng thì sẽ có trận đấu gặp Đồng Nai. Lúc này, Đồng Nai đang có phong độ rệu rã khi thua liên tiếp 3 trận và xếp cuối bảng. Nhưng nhìn cách mà Đồng Nai chơi quyết liệt với Bình Dương ở lượt đấu trước khi chỉ chịu thua ở phút bù giờ thứ 3 thì Bình Phước không thể lơ là. Bản thân Bình Phước sau khi thắng tưng bừng trước TP.HCM trận ra quân thì cũng rất chật vật tìm chiến thắng ở các trận sau đó trước Bình Thuận và Tây Ninh. Điểm cộng cho sự tự tin với Bình Phước là trong 2 lần gặp gỡ tại vòng loại năm ngoái, Bình Phước thắng Đồng Nai cả 2 lần: 4-1 lượt đi và 1-0 lượt về.
Bình Dương đã phá được dớp để lần đầu tiên thắng được Đồng Nai tại vòng loại giải U.19. Điều đó giúp đội bóng đất Thủ rất hưng phấn khi bước vào trận gặp đội chót bảng Bình Thuận. Sau 4 vòng liên tiếp, dù Bình Dương có kết quả khả quan nhưng phải xếp nhì bảng vì kém hiệu số 1 bàn so với Bình Phước. Do vậy, trận gặp Bình Thuận sẽ là cơ hội để Bình Dương cải thiện hiệu số và giành lấy ngôi đầu.
Trận còn lại của bảng đấu, TP.HCM và Tây Ninh sẽ thư hùng vì vị trí thứ 3. Sau khi để thua trắng liên tiếp trước 2 đội bóng Sông Bé, TP.HCM đã lấy lại tinh thần để thắng liên tiếp Đồng Nai và Bình Thuận cùng với tỷ số 3-0.
Trong khi đó, Tây Ninh cũng chỉ thua trước Bình Dương và Bình Phước nên không có gì phải e dè khi gặp TP.HCM. Sở dĩ nói không cần e dè vì các cầu thủ Tây Ninh vẫn còn kỷ niệm đẹp tại vòng loại năm ngoái. Khi đó, Tây Ninh đã thắng TP.HCM 3-1 ở lượt đi rồi thắng tiếp 5-1 ở lượt về.
Bảng E: Đồng Tháp tìm kiếm ngôi đầu
Trận An Giang gặp Đồng Tháp đã có kết quả hòa 1-1 khiến ngôi đầu không thay đổi. An Giang vẫn hơn Đồng Tháp 3 điểm nhưng lượt chiều mai, An Giang không thi đấu, tạo cơ hội cho Đồng Tháp có thể lấy ngôi đầu.
Ngôi đầu sẽ là của Đồng Tháp nếu họ có thể thắng cách biệt Cần Thơ 2 bàn. Việc này không phải quá tầm của Đồng Tháp nếu hàng công họ chơi đúng sức chứ không phải như 2 trận gặp Long An và An Giang vừa qua. Năm ngoái, tại vòng loại thì Đồng Tháp cũng thắng Cần Thơ 2-0 và 3-0.