Trước mùa Trung thu, doanh nghiệp ngành bánh kẹo kinh doanh ra sao?
Với 'miếng bánh' thị trường ngày càng bị chia nhỏ, mùa Trung thu chính là thời điểm cuộc đua nắm giữ thị phần của các doanh nghiệp ngành bánh kẹo bắt đầu…
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thời điểm này thị trường bánh kẹo đã bắt đầu nhộn nhịp với các sản phẩm bánh trung thu mới liên tục được tung thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán biếu tặng.
Trong bối cảnh khởi động mùa Trung thu, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành bánh kẹo trong nửa đầu năm 2024 chính là tiền đề để các công ty đưa ra chiến lược kinh doanh trong mùa cao điểm tới đây.
Với "miếng bánh" thị trường bánh kẹo ngày càng chia nhỏ, mùa Trung thu tới chính là cuộc đua nắm giữ thị phần của các doanh nghiệp. Đây cũng là khoảng thời gian mà các doanh nghiệp bánh kẹo đang niêm yết đặt hy vọng cải thiện bức tranh lợi nhuận…
Bức tranh kinh doanh kém sắc
Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả kinh doanh lao dốc... thảm hại.
Theo đó, quý II/2024, KIDO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.716 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Dù giá vốn tiết giảm nhưng không thể bù với khoản thất thoát từ doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 15% xuống còn 270 tỷ đồng.
Đi cùng xu hướng giảm trên, doanh thu tài chính của KIDO giảm sâu từ 1.120 tỷ đồng xuống còn 46 tỷ đồng, tương đương giảm gần 96%.
Dù đã tích cực tiết giảm mọi khoản chi phí nhưng sau khi trừ các chi phí, KIDO ghi nhận lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10,9 tỷ đồng trong quý II/2024, "bốc hơi" tới gần 99% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, văn bản do ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc KIDO ký tên cho biết, nguyên nhân từ việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời do biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO mang về 3.532 tỷ đồng doanh thu, và 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 19% và 94,2% so với cùng kỳ.
Năm 2024, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Chung tình cảnh kinh doanh sụt giảm, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HNX: HHC) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều "bốc hơi" trong quý II/2024 do chi phí tăng cao do đẩy mạnh tìm kiếm thị trường.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 135 tỷ đồng, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, nhờ khoản lãi tiền gửi và tiền cho vay tăng mạnh đã đẩy doanh thu hoạt động tài chính của Bánh kẹo Hải Hà lên 35 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngoại trừ chi phí quản lý, các khoản chi phí còn lại của công ty đều tăng vọt. Theo đó, chi phí bán hàng của Bánh kẹo Hải Hà đạt 23 tỷ đồng, chi phí tài chính đạt 36 tỷ đồng; tăng lần lượt 54% và 200% so với quý II/2023.
Dưới sự bào mòn của chi phí, Bánh kẹo Hải Hà lãi sau thuế 2,9 tỷ đồng, sụt giảm 55%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 342 tỷ đồng, giảm 8%. Sau thuế công ty báo 24 tỷ đồng, tăng 41% so với nửa đầu năm trước.
"Kẹo ngọt" từ tiết giảm chi phí
Ở chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Bibica (HoSE: BBC) ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng với mức lãi tăng bằng lần. Theo đó, quý II/2023, Bibica ghi nhận doanh thu đạt 259 tỷ đồng, tăng 23%. Dù chi phí bán hàng tăng mạnh, bào mòn lợi nhuận công ty nhưng sau thuế, công ty vẫn báo lãi 8,6 tỷ đồng, tăng gấp 63 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Bibica đạt 619 tỷ đồng, tăng 38%. Nhờ kinh doanh cải thiện mà sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 26 tỷ đồng, gấp 8,6 lần so với nửa đầu năm 2023.
Tương tự như Bibica, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (UPCoM: HNF) cũng thuộc nhóm doanh nghiệp bánh kẹo ghi nhận khoản lãi tăng vọt. Nguyên nhân là nhờ tiết giảm chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Cụ thể, quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 361 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong kỳ, dù doanh thu tài chính ghi nhận tăng hơn 3 lần song vẫn chỉ dừng ở mức 5,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn mạnh tay cắt giảm chi phí lãi vay từ 17,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 7,3 tỷ đồng vào quý II/2024. Tuy nhiên, các khoản chi phí còn lãi của công ty vẫn phát sinh nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.
Sau khi trừ các chi phí, Thực phẩm Hữu Nghị báo lãi 40,6 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 7,8 lần cùng kỳ. Giải trình chênh lệch lợi nhuận, doanh nghiệp ngành bánh kẹo này cho biết đã đẩy mạnh đầu tư chi phí quản lý, chi phí thúc đẩy bán hàng và hỗ trợ thị trường nên doanh thu tăng cao đáng kể. Đây cũng là yếu tố chính góp phần tăng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu đạt 813 tỷ đồng, tăng 18%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 60 tỷ đồng, tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đã giúp công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2024.