Trước ngày lên xe hoa, con gái được mẹ dặn 1 điều

Tôi luôn ngưỡng mộ cuộc hôn nhân của bố mẹ mình, họ đã có đám cưới vàng nhưng vẫn yêu thương nhau như những ngày đầu tiên.

Tôi là con út trong nhà, trên tôi còn có một anh trai. Phải nói cho đúng thì gia đình tôi không quá giàu có nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu khổ sở. Thế nhưng, để lo cho anh em tôi có một cuộc sống đủ đầy, một hành trang vững chắc cho tương lai thì bố mẹ tôi đã phải vất vả rất nhiều.

Bất kỳ gia đình nào cũng sẽ vậy thôi, đều sẽ có một khoảng thời gian mà mọi thứ đều rất khó khăn, để duy trì được cuộc sống thì những người là trụ cột trong gia đình chắc chắn phải gánh vác rất nặng nề. Cũng có một khoảng thời gian, gia đình tôi vô cùng chật vật đến nỗi một đứa bé mới chỉ 5 tuổi là tôi vào thời điểm đó cũng lờ mờ hiểu được gia đình mình đang khó khăn vô cùng.

Thế rồi, ba mẹ tôi cũng đã dắt tay nhau cõng theo 2 đứa con nhỏ vượt qua được tất thảy. Thật ra trong khoảng thời gian cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai, bố mẹ tôi cũng không ít lần va chạm với nhau. Họ có cãi cọ, có lớn tiếng, thậm chí có người vùng vằng bỏ đi. Tôi vẫn nhớ có những lần, anh trai tôi dắt theo tôi sang nhà hàng xóm, đợi bố mẹ cãi cọ xong rồi lại dắt díu nhau về nhà.

Tuy rằng bố mẹ tôi rất hay có những những cuộc cãi cọ với quy mô lớn nhỏ khác nhau, thế nhưng hai anh em tôi đều tin tưởng rằng bố mẹ rất yêu thương nhau và những lần to tiếng đó chẳng khác nào anh em chúng tôi tranh giành với nhau, đến cuối cùng thì ai thắng ai thua cũng không quan trọng cho lắm.

Mà đúng thật là như vậy, khi cuộc sống bớt khó khăn hơn, bố mẹ tôi cũng đã có tuổi, suy nghĩ không còn bộc phát nữa thì họ cũng giảm dần những cuộc cãi cọ mang quy mô lớn. Những phi vụ cãi lộn đó chuyển dần sang quy mô nhỏ đến rất nhỏ và đến những năm gần đây thì nó nó chuyển hình thức sang trêu chọc, châm biếm, đùa cợt nhau.

Hai anh em chúng tôi cũng đã lớn, đủ để hiểu được bản chất của những trận xung đột đó không phải để làm tổn thương lẫn nhau. Mẹ tôi có thể mắng bố lười biếng không chịu làm việc nhà, thế nhưng chỉ cần người ngoài lên tiếng chê bai ông thì kiểu gì mẹ tôi cũng xù lông lên bênh chồng chằm chặp.

Ngược lại, mẹ tôi vẫn hay tâm sự rằng, thuở đó, lý do mẹ chọn bố vì mẹ thấy ông là người đàn ông có thể bảo vệ được vợ con mình. Mà quả thực, mẹ đã có cái nhìn hết sức đúng đắn. Có những thời điểm, ông bà nội tôi vô cùng khắc nghiệt với mẹ, thậm chí cấm cửa không cho mẹ tôi bước vào nhà. Lúc đó, bố tôi đã đứng về phía mẹ, bố nói rằng nếu bà không thể chấp nhận được mẹ con tôi thì bố cũng xin phép không thể bước chân về nhà thêm lần nào nữa.

Bố tôi không hoàn hảo và mẹ cũng vậy, thế nhưng họ là mảnh ghép hoàn thiện dành cho nhau.

Khi tôi tìm được người đàn ông mà mình muốn nên vợ thành chồng thì bố mẹ tôi cũng đã thành một cặp vợ chồng già rồi. Điều đáng nói là hai mái đầu bắt đầu chớm những sợi tóc trắng đó vẫn ngọt ngào lắm, lúc nào cũng một câu anh hai câu em. Tất nhiên, dù ngọt ngào mấy thì họ vẫn thường xuyên chí chóe những chuyện nhỏ như con kiến nhưng nhất quyết không ai chịu thua ai cả.

Đêm trước cái ngày lên xe hoa về nhà chồng, tôi ôm kéo kéo gấu áo mẹ xin được ngủ cùng với mẹ một hôm. Bình thường bố tôi sẽ chẳng chịu đâu, bố tôi cứ không có mẹ nằm cạnh là kiểu gì cũng trằn trọc cả một đêm không tài nào ngủ nổi, nhưng có lẽ vì đây là dịp đặc biệt nên bố mới chịu đồng ý cho tôi mượn mẹ một đêm.

Tôi nằm cạnh mẹ mà chẳng thể nào ngủ được cũng không dám ngọ nguậy nhiều vì sợ mẹ tỉnh giấc. Ấy thế mà mẹ cũng có ngủ được đâu, mẹ quay sang vuốt mất sợi tóc lòa xòa xuống trán tôi.

- Làm sao? Hồi hộp quá không ngủ được à?

- Có gì đâu mà hồi hộp ạ. Con chỉ hơi buồn thôi, từ mai không được ở nhà với mẹ nữa rồi.

Mẹ tôi cười rồi vỗ vỗ vào vai tôi.

- Lợn béo thì xuất chuồng, gái lớn thì gả chồng. Mẹ không giữ đâu nhé, nuôi tốn cơm lắm!

- Con có phải con lợn đâu mà.

Hai mẹ con tôi cười ầm cả lên, rồi lại dặn nhau hạ tông giọng vì sợ bố tỉnh giấc.

- Đáng lẽ ra, đêm nay mẹ phải dặn dò con rất nhiều. Nào là về nhà chồng phải thế này, về nhà chồng phải thế kia. Nhưng mà mẹ nghĩ mẹ đã dạy con tất cả những điều ấy từ rất lâu rồi, giờ cũng chẳng còn gì để nói nữa.

- Con chỉ mong hai đứa bọn con được như bố mẹ mà thôi.

Mẹ tôi lại cười lớn mà chẳng thèm quan tâm có đánh thức bố hay không.

- Thôi đi cô, giống hai ông bà già chúng tôi để tôi ngày chí chóe với nhau như chó với mèo à.

- Thật mà!

Cuối cùng, tôi thấy mắt mẹ hơi ươn ướt, mẹ không trêu chọc tôi nữa mà giọng nói trở nên nghiêm túc hơn.

- Mẹ dặn hai đứa, cãi nhau cũng được, giận dỗi nhau cũng chẳng sao. Thế nhưng khi hai vợ chồng căng thẳng với nhau thì tuyệt đối không bao giờ được xưng “tôi, tao”.

Tôi ngơ ngác nhìn mẹ vì thật lòng chưa thể hiểu được hết ý mà mẹ muốn truyền đạt cho tôi.

- Khi con nóng giận, lời nói ra không thể rút lại được nữa. Bởi vậy mà việc không xưng hô thiếu tôn trọng nhau là bước tiền đề để kiềm chế cảm xúc nhất thời. Nếu lúc đó cả hai đứa sẵn sàng “tôi, tao” với nhau thì cũng sẽ sẵn sàng nói những lời lẽ tổn thương lẫn nhau.

Mẹ nói tôi mới nhớ, quả thật bố mẹ tôi cãi cọ rất nhiều, như cơm bữa là đằng khác, thế nhưng tuyệt đối tôi chưa từng nghe bố mẹ “tao - mày”, “cô - tôi”, “anh - tôi” với nhau. Tôi đã luôn ngưỡng mộ cuộc hôn nhân của bố mẹ mình, thật chẳng thể ngờ nền móng của sự vững bền đó lại bắt đầu từ chuyện nhỏ bé đến như vậy. Chung quy lại, họ có thể hạnh phúc đến vài chục năm sống với nhau, có lẽ cũng từ cái tiền đề tôn trọng lẫn nhau mà họ luôn tâm niệm trong lòng.

Mạn Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truoc-ngay-len-xe-hoa-me-dan-do-con-gai-vo-chong-cai-nhau-dung-bao-gio-xung-toi-20221016132037986.htm