Trước thềm COP28: Cuộc đua làm chủ thời tiết

Vài tuần trước khi thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP28 diễn ra, một phương pháp cổ xưa, tạo đám mây, bỗng trở nên quan trọng trước những thách thức do hiện tượng nóng lên toàn cầu đặt ra.

Tại Úc, một công ty điện lực tên Snowy Hydro đang thực hiện một chiến dịch ở Dãy núi Snowy: Tăng lượng tuyết rơi bằng cách sử dụng máy tạo hạt bạc iotua. Đây là một nỗ lực nhằm bổ sung trữ lượng nước cho sản xuất thủy điện. Sáng kiến này đặc biệt trở nên phù hợp trong thời điểm nguồn nước đang trở nên khan hiếm vì hiện tượng nóng lên toàn cầu - một thực trạng ảnh hưởng đến 2,3 tỷ người trên thế giới.

“Gieo hạt mây” trên toàn cầu

Gieo hạt mây là một phương pháp không chỉ có riêng ở Úc. Những quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ và Trung Quốc cũng đã áp dụng những kỹ thuật này. Đặc biệt, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một hệ thống điều chỉnh thời tiết toàn diện vào năm 2025. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng không kém cạnh, với rất nhiều tài trợ đổ vào các chương trình nghiên cứu tăng cường lượng mưa.

Lịch sử và sự phát triển của kỹ thuật khí tượng

Những sáng kiến này một phần đến từ lịch sử lâu dài của quá trình thao túng thời tiết, bắt nguồn từ các nghi lễ cổ xưa. Mỹ, từ những năm 1940, đã thử nghiệm các kỹ thuật này, kể cả cho mục đích quân sự - chẳng hạn như cho Chiến dịch Popeye trong Chiến tranh Việt Nam. Các kỹ thuật hiện nay bao gồm việc phân tán các hạt vào trong các đám mây nhằm thay đổi cấu trúc của chúng và tạo ra mưa.

Hiệu quả và tranh cãi

Tuy nhiên, những kỹ thuật này không phải là không mang tính tranh cãi. Rất khó đo lường được hiệu quả thực sự của chúng. Ví dụ, ở Pháp, tổ chức nghiên cứu và phòng chống thảm họa tự nhiên Anelfa sử dụng phương pháp gieo hạt mưa nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa đá gây ra cho cây nông nghiệp. Tuy họ quan sát thấy được mối tương quan, nhưng vẫn chưa ghi nhận được hiệu quả tổng thể.

Các vấn đề địa chính trị và khan hiếm nước

Thách thức lớn là biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước. Căng thẳng quốc tế cũng có thể nảy sinh, thể hiện qua lời cáo buộc của một quan chức Iran vào năm 2018 rằng Israel đang “đánh cắp” mây của Iran.

Tính cần thiết của quy định quốc tế

Luật pháp quốc tế hiện hành không đưa ra quy định cụ thể về việc sử dụng mây, một loại “tài sản” chung. Do đó, bắt buộc phải thiết lập các quy tắc công bằng, không phụ thuộc vào vị trí địa lý hoặc năng lực kỹ thuật của các quốc gia nhằm quản lý hoạt động này.

Trong lúc đó, nhiều tiếng nói đã vang lên về việc kêu gọi công nhận Ngày Quốc tế về Mây, nhầm nhấn mạnh tầm quan trọng của những hiện tượng khí tượng này trong cuộc sống hàng ngày và môi trường toàn cầu của chúng ta.

Nhìn chung, tạo đám mây, một kỹ thuật cổ xưa, đang được khám phá trở lại. Kỹ thuật này mang tính quan trọng cao trong bối cảnh Trái Đất đang nóng lên. Tuy hoạt động này ngày càng trở nên phổ biến, nó đặt ra các câu hỏi về tính đạo đức và địa chính trị. Thế giới cũng đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi về việc đề ra các quy định quốc tế nhằm tránh xung đột về nguồn tài nguyên thiên nhiên chung này.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/truoc-them-cop28-cuoc-dua-lam-chu-thoi-tiet-699821.html