Trước thềm tổng tuyển cử: Nepal tìm kiếm vị thế giữa các siêu cường

Quản lý quan hệ với hai nước láng giềng siêu cường Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là nhiệm vụ quan trọng đối với chính phủ tiếp theo của Nepal khi nước này tiến tới bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới, theo CNA.

Chính sách đối ngoại đã được coi là một vấn đề nóng bỏng trước cuộc bầu cử quốc hội ở Nepal, nước nằm giáp cả Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, 275 nhà lập pháp nước này phải đối mặt với nhiều câu hỏi về vấn đề ngoại giao khi được bầu vào Quốc hội tháng 11 tới. Cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 20/11 và đây là lần bầu cử thứ hai kể từ khi Nepal ban hành hiến pháp mới vào năm 2015.

Ngày 9/10 là ngày cuối cùng nộp đơn đề cử, và vì vậy chiến dịch tranh cử vẫn chưa kịp bắt đầu. Hiện vẫn chưa có chính đảng hay các ứng viên nào công bố tuyên ngôn của mình. Tuy nhiên, có một số vấn đề chung đang được các ứng viên đặt ra. Chúng hầu như liên quan đến các vấn đề kinh tế - chính trị xã hội.

Nepal đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Ảnh: Feature Story News.

Nepal đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Ảnh: Feature Story News.

Ưu tiên của các chính đảng, liên minh chính trị lớn

Về các vấn đề trong nước, lạm phát cao và nền kinh tế trì trệ được cho là tâm điểm trong chương trình nghị sự của quốc gia 29 triệu dân. Và về vấn đề đối ngoại, sự hiện diện của Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ cũng thu hút nhiều sự quan tâm.

Nhà phân tích chính trị Chandra Dev Bhatta, giám đốc chương trình cấp cao tại Viện nghiên cứu Friedrich-Ebert-Stiftung Nepal, cho biết: "Có rất nhiều vấn đề, nhưng họ luôn quan tâm tới chính sách đối ngoại. Đối với một đất nước như Nepal, chủ nghĩa dân tộc có một vai trò rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm của người dân".

Đảng Quốc đại Nepal của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba đang lãnh đạo liên minh cầm quyền với các chính đảng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mao (CNP-M). Liên minh này cũng được cho là có quan hệ gần gũi hơn với Delhi và các quốc gia phương Tây.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Nepal do cựu thủ tướng K P Sharma Oli - đối thủ chính của ông Deuba - lãnh đạo, được coi là gần gũi hơn với Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nepal.

Năm 2019, Trung Quốc quyết định tài trợ cho 9 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Nepal theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua mạng lưới cảng, đường bộ và đường sắt.

Với chiến lược chủ động thúc đẩy quan hệ, các nhà phân tích đang cho rằng Bắc Kinh là nước có ảnh hưởng lớn nhất ở Nepal.

Mối quan hệ Mỹ - Nepal

Nhưng thực trạng đó có vẻ sẽ thay đổi khi Quốc hội Nepal phê chuẩn một thỏa thuận quan trọng vào tháng 2 vừa qua nhằm giúp họ xích lại gần hơn với Mỹ.

Thông qua Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) hoạt động ở Nepal, Mỹ cam kết hỗ trợ quốc gia không giáp biển này 500 triệu USD cho phát triển đường xá và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Động thái này đã vấp phải nhiều tiếng nói phê bình khi coi đây là một cách để Mỹ, thông qua quốc gia Himalaya này, để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.

Hiệp ước MCC Nepal cuối cùng cũng đã được ký kết sau khi chính phủ Mỹ làm rõ bằng văn bản rằng thỏa thuận này không phải là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington và Hiến pháp của Nepal vẫn sẽ có quyền lực hơn so với thỏa thuận này khi xem xét các vấn đề hợp tác.

Các nhà phân tích tin rằng Nepal chắc chắn sẽ nằm trong chiến lược khu vực của Mỹ khi nước này tái tập trung sự quan tâm vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Giáo sư Harsh Pant thuộc tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation cho biết, trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các nước lớn, Mỹ phải đưa ra giải pháp thay thế tốt hơn cho các quốc gia nhỏ như Nepal để họ có thể "tự quyết định xem họ muốn làm gì".

Trong khi nhiều người đang đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chính của Sri Lanka phần nào là do khoản nợ lớn của nước này với Trung Quốc thì nhiều tiếng nói ở Nepal cũng đang cảnh giác với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh tại nước họ. Vào thời điểm này, các nhà quan sát coi đây là cơ hội để nước láng giềng Ấn Độ thúc đẩy quan hệ hơn nữa với Kathmandu.

Các chuyên gia cho biết, nếu đảng của ông Oli có thể vượt lên đảng của ông Deuba trong cuộc bầu cử sắp tới, Nepal có thể xa rời New Delhi hơn và thúc đẩy thêm quan hệ với Bắc Kinh. Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử sắp tới ở Nepal không chỉ có thể quyết định mối quan hệ của họ với các nước láng giềng mà còn ảnh hưởng đáng kể đến địa chính trị ở Nam Á.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/truoc-them-tong-tuyen-cu-nepal-tim-kiem-vi-the-giua-cac-sieu-cuong-20221013110716373.htm