Trước thềm Xuân nghĩ về công cuộc đổi mới

QTO - Năm qua, nhuận 2 tháng Hai, mùa mưa bão ở Miền Trung kéo dài đến tận cuối Thu, đầu Đông nhưng dường như thời tiết cũng chuyển sang Tết sớm hơn. Mới cuối tháng Chạp mà mưa bụi, mưa bay đã giăng khắp đất trời. Bất giác tôi nhớ câu thơ của Triệu Sở: 'Hoàng mai thời tiết gia gia vũ'. Vâng! vào lúc hoa mai nở thì mọi nơi, mọi nhà đều có mưa Xuân.

Đi trên khắp phố phường từ thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ hay làng quê nào trên đất Việt hôm nay mọi người có thể dễ dàng nhận thấy những công trình xây dựng của Nhà nước, của Nhân dân đang hối hả thi công kịp bước vào hoàn thiện toàn bộ hoặc từng phần theo kế hoạch trước thềm năm mới. Diện mạo đất nước, quê hương khởi sắc từng ngày khiến nhiều người đi xa lâu ngày trở về đều ngạc nhiên, bồi hồi xúc động với những đổi thay trên đất Việt thân thương.

Thấp thoáng đâu đó chưa xa, trong ký ức vẫn còn những cửa hàng lương thực, thực phẩm, bến xe, bến tàu, nhà ga, cửa hàng bách hóa với những ô tay vịn, khoang xếp hàng đã trở thành biểu tượng không thể phai mờ trong tiềm thức nhiều người. Mỗi nhà có vài chiếc xe đạp cọc cạch luôn trong trạng thái thiếu phụ tùng thay thế.

Những chiếc lốp xe vỡ nát, chằng buộc bằng đủ thứ dây nhợ khác nhau được coi là sáng tạo, tiết kiệm của một thời... đã thực sự đi vào dĩ vãng. Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó tin ngày hôm nay ô tô thương hiệu Việt Nam đã lăn bánh trên đất châu Âu, châu Mỹ, nơi đã có lịch sử phát triển công nghiệp xe hơi trước nước ta cả trăm năm. Mới đấy mà đã hơn 35 đất nước đổi mới. Đất nước ta, dân tộc ta vừa đi qua một chặng đường đầy gian nan thử thách mà không phải ai cũng ý thức được một cách đầy đủ.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước bước vào thời kỳ khó khăn nhất, phải đối diện với những tổn thất, những mất mát không thể bù đắp được về vật chất và tinh thần sau 30 năm chiến tranh khốc liệt. Cả nước phải dồn sức thực hiện hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và tiếp đó là 10 năm giúp nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Rồi phải đối phó với thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa ở nhiều vùng quê. Đất nước bị kìm hãm bởi chính mình trong sự trì trệ, bảo thủ của cơ chế quan liêu bao cấp thời chiến không còn phù hợp và sự thiếu hiểu biết về tư duy kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục bị các thế lực thù địch phá hoại nhiều mặt, “cấm vận”, “bao vây kinh tế”...

Tất cả những điều đó dẫn đến hậu quả: khủng hoảng kinh tế, lạm phát tiền tệ, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Hy vọng lạc quan thiếu cơ sở khoa học về cuộc sống sung túc sau hòa bình của nhiều người đã gặp phải một quy luật mà bất cứ quốc gia nào cũng phải chấp nhận sau chiến tranh.

Niềm tin vào Đảng, vào CNXH ít nhiều đã bị lung lay trong không ít cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công cuộc đổi mới vừa phát động, mới khởi nhịp được vài năm chưa kịp nhìn thấy những kết quả rõ ràng thì toàn hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Ngay trong Đảng cũng có kẻ nhân danh dân chủ, đổi mới phủ nhận quá khứ, đòi đa nguyên đa đảng, kích động chia rẽ Đảng với Nhà nước và Nhân dân.

Trước tình hình đó Đảng ta khẳng định: Lúc này xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Sự nghiệp đổi mới của Đảng, từ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ nông dân sản xuất kinh doanh đến chính sách kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước đã thực sự đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh.

Từ chỗ lương thực không đủ ăn, phải mua, phải nhập đến lúc Việt Nam tự túc, đủ ăn rồi có thừa gạo để xuất khẩu và trở thành nước xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới. Nhiều năm qua, thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra khắp đất nước nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng vượt kế hoạch hàng triệu tấn. Hai năm 2022, 2023 liên tiếp gạo Việt Nam được các nước bầu chọn là gạo ngon nhất thế giới, nhờ đó giá trị thương phẩm của hạt gạo cũng tăng lên nhiều.

Từ chỗ hàng tiêu dùng luôn thiếu thốn đến nay hàng hóa ngày càng đa dạng chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp, chất lượng ngày càng cao, giá thành hạ, thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng công nghiệp và gia dụng đã cạnh tranh ngang ngửa với hàng ngoại nhập.

Thu nhập bình quân của người dân ngày một nâng cao, chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân được cải thiện. Hơn 10 năm nay, người dân đã quen thuộc với khẩu ngữ: “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”. Hàng hóa Việt Nam hiện diện trên quầy hàng các siêu thị khắp các nước Á, Âu, Mỹ, Úc...

Thực hiện công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, từ “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới” (NQĐH Đảng VII, 1991) đến “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” (NQĐH Đảng IX, 2001) đến nay tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến rất tích cực.

Cấu trúc của nền kinh tế có nhiều thay đổi theo hướng năng động và đa dạng hơn. Đã khắc phục được những trì trệ, suy thoái, đạt được mức tăng trưởng cao, liên tục và tương đối toàn diện, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của các kế hoạch 5 năm và từng năm liên tục từ năm 1991 đến 2023, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nhất khu vực, châu lục cũng như thế giới.

Kinh tế nông, lâm, công nghiệp, thủy sản, du lịch... đã có những bước tăng trưởng, phát triển đáng khích lệ. Nhiều khu công nghiệp tập trung đến các mô hình trang trại vườn rừng, vườn đồi, đầm phá, bãi cát, bãi bồi, khu du lịch sinh thái... được hình thành và phát triển. Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực đã xuất hiện ở khắp các địa phương, vùng miền trong cả nước.

Một số sản phẩm nông, lâm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương cũng đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước, bước đầu có sức cạnh tranh trên thị trường, giữ được tín nhiệm với bạn hàng xa gần.

Còn nhớ khi mới bước vào đổi mới bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam chỉ đạt khoảng 100 USD/người/năm; năm 2008 đạt 1.024 USD/người/năm; đến năm 2023 này ước tính đạt xấp xỉ hơn 4.250 USD/người/năm. Như thế, trong vòng hơn 35 năm bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam gấp hơn 40 lần có thể khẳng định là điều kỳ diệu.

Những thành tựu của đất nước ta đạt được trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh là kết quả hàng chục năm kiên trì thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế đúng đắn với các chủ trương hợp lòng dân, các nghị quyết Trung ương được triển khai kịp thời đã tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên yên tâm phấn khởi cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới; cho các tầng lớp nhân dân các địa phương, ngành nghề có mọi điều kiện, khả năng thuận lợi nhất vào sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước.

Nguyện vọng tha thiết của đại đa số Nhân dân là mong muốn đất nước ổn định và ngày càng phát triển. Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao bản lĩnh và năng lực lãnh đạo công cuộc đổi mới; kiên quyết phòng chống tham nhũng, toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân, vững vàng đưa đất nước vươn tới phồn vinh, xã hội công bằng văn minh.

Miên man trong dòng suy nghĩ, chợt nhận thấy những hạt mưa phùn li ti giăng mắc khắp đất trời mang lại cảm giác thật thư thái, dễ chịu. Một mùa Xuân nữa đang về.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/truoc-them-xuan-nghi-ve-cong-cuoc-doi-moi/183457.htm