Trưởng Ban Nội chính Trung ương thăm Khu Di tích Nhà tù Côn Đảo
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng mỗi di tích trên mảnh đất Côn Đảo đều có giá trị to lớn, ghi dấu lịch sử đấu tranh kiên cường của các thế hệ chiến sỹ cách mạng.
Trong chương trình làm việc tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 15/7, Đoàn công tác của Ban Nội Chính Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc làm Trưởng đoàn đã tới thăm Bảo tàng Côn Đảo và Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.
Cùng đi với đoàn có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tới thăm Bảo tàng Côn Đảo, Di tích Trại Phú Hải, Di tích Chuồng cọp Pháp-Trại Phú Tường, Di tích Chuồng cọp Mỹ-Trại Phú Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và đoàn công tác đã nghe Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo thuyết minh về lịch sử nhà tù Côn Đảo cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo.
Vốn là một quần đảo hoang sơ và tươi đẹp nằm ở vùng biển phía Đông Nam của nước ta, nhưng trước năm 1975, Côn Đảo được coi là "địa ngục trần gian," bởi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng ở đây một hệ thống nhà tù khổng lồ trong suốt quá trình xâm lược nước ta.
Khu Di tích Lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Khu Di tích Nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất nước ta. Trong 113 năm tồn tại (1962-1975), khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã hy sinh tại đây.
Trải qua các thời kỳ, hệ thống Nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 117 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp” và 18 Sở tù. Sự tồn tại của mỗi loại phòng giam, hầm đá, phòng cấm cố tập thể, biệt lập chuồng cọp, phòng tắm nắng, hầm phân bò… đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ người tù.
Nhiều người đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng...
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-VHTT đặc cách công nhận Khu Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia.
Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng mỗi di tích trên mảnh đất Côn Đảo đều có giá trị to lớn, ghi dấu lịch sử đấu tranh kiên cường của các thế hệ chiến sỹ cách mạng.
Vì vậy, việc thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo Di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà tù Côn Đảo là trách nhiệm cũng là vinh dự, tình cảm của huyện Côn Đảo nói riêng và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.
Qua đó phát huy giá trị di tích, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, tham quan của Nhân dân cũng như du khách trong nước và quốc tế.
Dịp này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã lưu bút vào sổ lưu niệm tại Bảo tàng Côn Đảo./.