'Trưởng Ban Tổ chức TƯ phê bình tôi 2 lần về thi tuyển lãnh đạo'
'Đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ phê bình tôi 2 lần về chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý', Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chiều nay, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn lại việc Bộ Chính trị đã thông qua đề án thí điểm tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng.
Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm đẩy mạnh chiến lược công tác cán bộ thu hút trọng dụng nhân tài và đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai rất chậm.
"Xin Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân, trách nhiệm của ngành Nội vụ trong vấn đề trên và giải pháp đẩy mạnh thực hiện trong thời gian sắp tới, đặc biệt là việc xem xét đưa vào dự luật Cán bộ, công chức sẽ được QH thông qua?”, ĐB chất vấn.
Khuyến khích thi tuyển lãnh đạo
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhìn nhận việc triển khai chủ trương này chậm. Bộ Nội vụ có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đăng ký nhưng ít được quan tâm và Bộ chỉ nhận được 14 bộ, 22 địa phương đăng ký mới chính thức báo cáo cho phép thí điểm.
“Vấn đề này đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ phê bình tôi 2 lần là chủ trương của Bộ Chính trị mà Bộ Nội vụ làm chậm quá”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên ông cũng giải thích lại chỉ có 14 bộ, địa phương đăng ký và đến nay mới làm phân nửa.
Có 2 đơn vị tiên phong làm và đến giờ này hoàn thành kế hoạch thi tuyển là Ban Tổ chức TƯ và Bộ Nội vụ.
Hiện còn nhiều bộ chưa làm, thậm chí có nơi mới chuẩn bị theo quy định của Ban Bí thư.
Ông Tân cho hay, cuối năm nay, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức TƯ sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm đề án này. Trong phiên họp lần này, Ban và Bộ sẽ phối hợp đề xuất một số chủ trương sắp tới.
“Đây là một hình thức tuyển dụng giảm đi quy trình thủ tục hành chính để thật sự chọn được người tài và cấp trên chọn được người để bổ nhiệm. Còn thực hiện quy trình 5 bước thì ở dưới được, trên lại lắc đầu”, Bộ trưởng đề xuất nên khuyến khích và có cơ chế thi tuyển đối với chức vụ cụ thể thay vì chỉ thí điểm 2 năm.
Không để những "phần tử" nhũng nhiễu lọt vào bộ máy
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) quan tâm đến việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy ngay của các bộ ngành: "Bộ Nội vụ đã giảm bao nhiêu đầu mối và bao nhiêu biên chế?".
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hứa sẽ gửi cho đại biểu văn bản nêu rõ số lượng tinh giản của từng bộ.
Riêng Bộ Nội vụ đã giảm từ 24 đơn vị trực thuộc xuống còn 23; giải thể trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ cũng giảm 14 phòng, hiện không có vụ nào còn phòng; giảm 19 đơn vị trực thuộc bên trong, 3 đơn vị đào tạo...
Về biên chế, Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, đến nay đã giảm 76 biên chế, trên 10%. Mục tiêu chung đến 2021 các cơ quan chỉ cần giảm 10% nhưng Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%.
"Bộ Nội vụ là đơn vị đầu tiên trả lại trụ sở cũ (phố Nguyễn Bỉnh Khiêm) sau khi xây dựng đơn vị mới từ năm 2017", ông Tân nói.
Giám đốc Công an Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao Bộ Nội vụ đã làm gương. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Bộ trưởng trả lời tại hội trường về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, DN.
“Tôi đã đề nghị vấn đề này tại những kỳ họp trước, đề nghị đuổi việc những người này nhưng thấy 'khó quá', quy trình nhiêu khê, dài dòng”, ĐB Cầu nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, luật Cán bộ công chức QH sắp thông qua lần này nhưng nếu không sửa thì không có cơ chế cho Chính phủ thực hiện việc này. Vì vậy, ông đề nghị sửa luật phải đưa ra giải pháp mạnh tay giải quyết tình trạng này. Đây cũng là vấn đề nhiều ĐB đặt ra cho Bộ trưởng Nội vụ.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng tổ kiểm tra công vụ đi xuống các địa phương và "tham nhũng vặt" là một trong 5 nội dung kiểm tra của tổ công tác.
"Tham nhũng vặt rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; nhũng nhiễu này tuy nhỏ, nhưng nhiều lỗ nhỏ thì sẽ thành một lỗ lớn, rất nguy hiểm", ông Tân nói thêm.
Theo ông, thời gian qua Chính phủ đã ban hành đề án văn hóa công vụ, phát động xây dựng văn hóa công sở theo hướng làm sao để cán bộ, công chức thực sự là người công bộc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
"Tinh thần này đã được thổi lên, như cơ quan Bộ Nội vụ, có khi anh em làm việc đến 11h đêm", Bộ trưởng Nội vụ đề nghị thay đổi chính sách thù lao trong lao động, cải thiện chế độ lương, thưởng.
Ông ghi nhận ý kiến của ĐB để sửa đổi, bổ sung các quy định làm sao ngăn chặn không để những "phần tử" này lọt vào cơ quan hệ thống hành chính nhà nước, gây nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, giảm lòng tin của người dân.