Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ: Những đóng góp của ngành y là hết sức tự hào
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định những đóng góp của ngành y tế là hết sức tự hào.
Chiều 20-2, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân.
Cụ thể, lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm. Công tác an toàn thực phẩm được nâng cao, các chỉ số sức khỏe của người dân đã được nâng lên rõ rệt và cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập.
“Ngành y tế Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới. Đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới” - ông cho hay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến toàn ngành y tế và từng y, bác sĩ và mỗi người dân.
Những thời điểm gian nan đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế.
“Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, những đóng góp của ngành y tế là hết sức tự hào", ông Nghĩa khẳng định.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ngành y tế trong thời gian tới phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Cạnh đó là sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh mới nổi, đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế. Chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông cho rằng những khó khăn cũng là cơ hội khẳng định những giá trị trân quý của nghề chữa bệnh cứu người, là dịp để ngành y tế nhận diện thấu đáo thực trạng, xem xét toàn diện thách thức và xây dựng cho được những giải pháp dài hạn, thúc đẩy ngành có những bước phát triển mới.