Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản:Công tác tuyên truyền, vận động - Giải pháp tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án lớn luôn là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc phát huy hiệu quả của những mô hình “Dân vận khéo” trong GPMB cũng đã chứng minh: Khi có được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân, thì việc khó khăn đến mấy cũng sẽ được giải quyết.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. Ảnh: PV

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. Ảnh: PV

- Đồng chí đánh giá thếnào về vai trò của công táctuyên truyền, vận động trong việc triển khai các dự án lớn của Thành phố, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án trọng điểm?

- Từ trước đến nay, thực hiện thu hồi đất luôn là một điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án về phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Đối với thành phố Hà Nội, đang trong quá trình phát triển và mở rộng đô thị, nhu cầu về mặt bằng phục vụ các dự án ngày càng lớn. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng là công việc rất khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền và vận động luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giúp tháo gỡ những khó khăn trong GPMB. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chia sẻ với chủ trương chung, thì tiến độ GPMB sẽ được đẩy nhanh, giảm thiểu khiếu kiện, mâu thuẫn. Ngược lại, nếu làm chưa tốt, rất dễ phát sinh điểm nóng, làm chậm tiến độ, kéo dài thời gian mà còn gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Từ thực tiễn trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn thành phố những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 28-11-2024 về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ thị đã xác định rõ công tác dân vận là yếu tố nền tảng trong thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Để bảo đảm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác GPMB tại Chỉ thị số 36-CT/TU; đồng thời ban hành phụ lục giúp nhận diện và xử lý những biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong lĩnh vực này.

Trước đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1-10-2021 về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Chỉ thị được ban hành với mong muốn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với việc ban hành hai chỉ thị quan trọng về công tác dân vận, cho thấy, Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đặc biệt là trong triển khai các dự án trọng điểm của thành phố. Sau khi 126 xã, phường được thành lập theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp; Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ Thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hai chỉ thị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Từ thực tiễn triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân những năm qua, đồng chí có thể cho biết những phương thức dân vận cụ thể nào đã phát huy hiệu quả tại các dự án trọng điểm nhằmtạo sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân khi thành phố triển khai các dự án lớn?

- Thực tiễn triển khai công tác tuyên truyền, vận động thời gian qua đã cho thấy những phương pháp, cách làm hiệu quả.

Từ những chỉ đạo kịp thời của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền tại các địa phương trên địa bàn thành phố đã khẩn trương vào cuộc để cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo, qua đó tháo gỡ những nút thắt trong công tác GPMB tại các dự án trọng điểm.

Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đồng bộ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự tham gia của các ban Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo công tác chuyên môn, cung cấp thông tin, chuẩn bị các tài liệu liên quan. Sự kết hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành xuyên suốt, hiệu quả từ khi bắt đầu dự án đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Việc phát huy vai trò của người có uy tín trách nhiệm trong cộng đồng cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận. Tại các địa bàn, nơi đang triển khai các dự án lớn của thành phố, các cán bộ cơ sở là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận luôn đóng vai trò nòng cốt. Bởi những cán bộ này chính là những người gần dân, hiểu dân và là cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và nhân dân.

Cùng với đó, việc phát huy hiệu quả của những mô hình “Dân vận khéo” trong GPMB cũng đã chứng minh: Khi có được sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân, thì việc khó khăn đến mấy cũng sẽ được giải quyết. Cán bộ tuyên giáo, dân vận là người nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa tuyên truyền, vận động, vừa là người giải thích, tháo gỡ vướng mắc, không né tránh trách nhiệm.

Việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng như chủ trương của thành phố là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động trong tình hình mới. Thời gian qua, thành phốHà Nội đã số hóa quy trình GPMB, công khai bản đồ quy hoạch, dữ liệu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư qua Cổng thông tin điện tử thành phố. Tới đây, việc thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dư luận tại các địa phương để từ đó xây dựng kịch bản truyền thông phù hợp cũng sẽ là một hướng đi hiệu quả.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới phương thức truyền thông chủ động, minh bạch. Thời gian qua, hệ thống báo chí Thủ đô và truyền thông cơ sở đã vào cuộc rất tích cực trong việc thông tin rõ ràng, kịp thời về lợi ích, về chính sách bồi thường, hỗ trợ và quyền lợi tái định cư của các dự án mà thành phố đang triển khai. Nhờ đó, người dân có thể nắm rõ, tham gia giám sát dự án tại cộng đồng và loại bỏ tâm lý hoài nghi khi thành phố triển khai các dự án trọng điểm.

- Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình triển khai GPMB tại các dự án lớn, vẫn còn tồn tại tình trạng một bộ phận người dân chưa đồng thuận. Vậy đâu là giải pháp để xử lý tận gốc vấn đề này, thưa đồng chí?

- Việc người dân chưa đồng thuận bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu thông tin, chưa thực sự thấu hiểu về chính sách và tâm lý sợ thiệt thòi. Để xử lý thực trạng này, cùng với việc ban hành những văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đầu tiên là việc công khai, minh bạch toàn bộ chính sách GPMB. Thành phố đã chỉ đạo UBND, cơ quan chính quyền liên quan thực hiện niêm yết công khai bảng giá đất, phương án đền bù, danh sách các hộ dân được hỗ trợ để người dân nắm rõ các thông tin khi triển khai dự án.

Cùng với việc áp dụng cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, thành phố cũng chú trọng nâng cao năng lực cán bộ tiếp dân. Trong đó, đã bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, am hiểu pháp luật, có kỹ năng giao tiếp để trực tiếp làm việc với người dân khi triển khai các dự án GPMB. Nhiều lớp bồi dưỡng chuyên đề về GPMB đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ và cập nhật những kiến thức mới cho cán bộ làm công tác tuyên giáo, dân vận.

Việc thiết lập cơ chế đối thoại hai chiều cũng đã giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe, thấu hiểu những nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân để có những điều chỉnh phù hợp.

Cùng với đó, việc khen thưởng và nhân rộng những hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, những cán bộ làm công tác dân vận giỏi… cũng đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân thông tin về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng. Ảnh minh họa: Vũ Thủy

Đại diện UBND quận Thanh Xuân thông tin về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng. Ảnh minh họa: Vũ Thủy

- Thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương với Ban Tuyêngiáo và Dân vận Thành ủy đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ GPMB. Công tác phối hợp này tới đây sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Trong quá trình triển khai các dự án lớn, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy đóng vai trò đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp triển khai việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận.

Các Tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, giúp các địa phương xây dựng kế hoạch vận động phù hợp với từng địa bàn, từng dự án. Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy sẽ định kỳ tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tuyên giáo, dân vận trong GPMB để kịp thời rút kinh nghiệm.

Thành phố đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, chỉnh trang khu vực nội đô, kết nối không gian của Thủ đô… liên quan đến hàng vạn trường hợp thu hồi đất. Chỉ riêng hai dự án đường sắt quốc gia (gồm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Bắc - Nam đoạn qua Hà Nội), tổng diện tích GPMB đã lên đến gần 358ha; dự án xây dựng cầu Tứ Liên với diện tích GPMB 62,53ha... Khối lượng công việc khổng lồ đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tổ chức tốt các lực lượng phối hợp làm công tác tuyên truyền, vận động ngay từ đầu, làm rõ lợi ích tổng thể của cộng đồng, các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời dự báo trước các vướng mắc để có phương án xử lý phù hợp.

Chúng tôi đã yêu cầu Ban xây dựng Đảng các đảng ủy xã, phường khẩn trương vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, công an xã, phường để đảm bảo công tác GPMB tại các địa phương diễn ra minh bạch, trật tự, đúng pháp luật.

- Trong bối cảnh Trung ương và Thành phố tích cực chuyển đổi số, công tác tuyêngiáo và dân vận sẽ được đổi mới ra sao để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới, thưa đồng chí?

Chuyển đổi số mang lại nhiều thuận lợi cho cán bộ làm công tác tuyên giáo và dân vận. Những cán bộ làm công tác tuyên giáo và dân vận sẽ có thêm công cụ để truyền thông rộng rãi, dễ dàng có được phản hồi nhanh chóng và có thể minh bạch hóa dữ liệu. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ đối với người dân là người cao tuổi, hộ nghèo còn gặp khó khăn.

Việc áp dụng mô hình “dân vận số” kết hợp với hình thức dân vận trực tiếp sẽ là giải pháp để khắc phục những bất cập. Song song với việc ứng dụng nền tảng số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình triển khai GPMB, Thành ủy Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu: Cán bộ tuyên giáo, dân vận phải gần dân, sát dân, hiểu dân, kiên trì vận động, thuyết phục.

Tôi tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm vì công việc chung, sự chân thành, minh bạch và cầu thị kèm theo sự am hiểu pháp luật, đội ngũ cán bộ tuyên giáo và dân vận toàn thành phố sẽ là lực lượng quan trọng, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong triển khai GPMB phục vụ yêu cầu đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô trong giai đoạn sắp tới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truong-ban-tuyen-giao-va-dan-van-thanh-uy-ha-noi-nguyen-doan-toan-cong-tac-tuyen-truyen-van-dong-giai-phap-tao-dong-thuan-trong-giai-phong-mat-bang-710225.html