Trường ca – Cần 1 sự đổi mới
Là một cách tiếp cận, một phương thức chiếm lĩnh đời sống, một kênh giao tiếp với người đọc, thể loại văn học vừa ổn định, bền vững vừa đổi mới trong quá trình phát triển. Do vậy khái niệm thể loại không bất biến mà luôn linh hoạt mở ra đổi thay và tiếp nhận những yếu tố mới do tài năng sáng tạo của nhà văn đem lại.
Vì thế cũng không nên quá lệ thuộc vào cách gọi tên thể loại của tác giả để tiếp nhận nội dung tác phẩm, như L.Tônxtôi không gọi “Chiến tranh và hòa bình” là tiểu thuyết, M. Gorky gọi cuốn “Người mẹ” là truyện vừa... trong khi chúng đều là những tiểu thuyết đích thực, thậm chí tiêu biểu. Hay có tác phẩm đề tên thể loại rõ ràng như “Tây du ký” (Ngô Thừa Ân), “Tây sương ký” (Vương Thực Phủ) nhưng chúng vẫn là tiểu thuyết, còn “Nhật ký người điên” (Lỗ Tấn) lại là truyện ngắn... Thậm chí có trường hợp đấy là một bài thơ như “Chùa Hương” (Nguyễn Nhược Pháp) nhưng tác giả lại nói với bạn đọc rằng, đấy là “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”... Điều ấy cũng cho thấy một thực tế là đường biên giữa các thể loại cũng mờ nhạt, biến ảo.
Nhìn sâu vào thể trường ca vấn đề còn phức tạp hơn bởi đây là sự gặp gỡ, tiếp biến, chuyển hóa của nhiều thể loại, có cả tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ... Trên thế giới có sự phân biệt khá rõ, nếu trường ca để miêu tả đời sống nói chung, ngoài viết về chiến tranh còn có thể viết về lao động, về tình yêu, thậm chí về cả những sinh hoạt đời thường dân giã, thì “sử thi” để nói về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, cộng đồng.
Thế nên Gogol không ngần ngại gọi tên “Những linh hồn chết”, một tác phẩm văn xuôi là “trường ca” với cái ý nhấn mạnh chất thơ của nội dung của tiểu thuyết này. Có thể chịu ảnh hưởng của quan niệm về thể loại một cách phóng túng của Gogol mà Xuân Diệu dùng “Trường ca” đặt tên cho một tập bút ký, tản văn của mình. Nhưng ở ta thì quan niệm về trường ca có phần hạn hẹp hơn, gần như có sự đồng nhất “trường ca” với “sử thi” là một nên nhiều người gọi luôn là “trường ca sử thi”.
Đứng ở góc độ phương thức phản ánh thì cách hiểu này là có cơ sở bởi lịch sử giữ nước của dân tộc luôn có những sự kiện như những cái mốc bằng vàng đánh dấu một chặng đường đuổi giặc: Nhà Trần đuổi hết giặc Nguyên ở sông Bạch Đằng, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh ở Thăng Long; trận Điện Biên Phủ kết thúc chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương; trận Điện Biên Phủ trên không nước ta sạch bóng giặc xâm lược Mỹ… Do vậy, dễ hiểu những sự kiện này luôn là cảm hứng sử thi cho văn học nghệ thuật, xét từ sự tương hợp thể loại thì trường ca là đích đáng nhất để phản ánh, sáng tạo..
Đúng vậy, với âm hưởng sử thi vang vọng, hoành tráng, với sự miêu tả không gian, thời gian rộng dài, nhiều sự kiện... trường ca đã làm tốt nhiệm vụ miêu tả, khẳng định giá trị văn hóa của những trận đánh, những chiến dịch, thậm chí cả một giai đoạn lịch sử trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cứ mãi như thế sẽ dẫn đến một quan niệm và tư duy thể loại có phần chật chội, xơ cứng, trường ca vẫn được hiểu khuôn theo cái định nghĩa cổ điển: là tác phẩm thơ với dung lượng lớn thường có cốt truyện tự sự. Thậm chí hiểu đơn giản hơn, viết trường ca là kể lại một câu chuyện (thường về đề tài chiến tranh) bằng thơ.
Nếu thế thì phân biệt trường ca khác với truyện thơ ở chỗ nào? Các nhà lý luận dường như chưa có sự phân biệt rạch ròi nên trong các từ điển thuật ngữ văn học gần đây nhất cũng không có khái niệm truyện thơ, trong khi đó trên thực tế vẫn tồn tại cách nói “truyện thơ Nôm”, vẫn gọi “truyện thơ dân tộc Thái” (“Tiễn dặn người yêu”), “truyện thơ dân tộc Mông” (“Tiếng hát làm dâu”)… Có lẽ nên có một sự phân biệt tương đối thế này: về mặt cấu trúc, cùng là kể lại một câu chuyện bằng thơ nhưng truyện thơ coi trọng cốt truyện, giàu chất tiểu thuyết (như “Truyện Kiều”, “Tiễn dặn người yêu”…) còn trường ca giữ độ hài hòa giữa cốt truyện và chất thơ, tính thơ (“Bài ca chim Chơrao” - Thu Bồn, “Đường tới thành phố” - Hữu Thỉnh)... Về mặt đề tài, truyện thơ đi sâu vào yếu tố đời tư còn trường ca thường lấy cảm hứng từ lịch sử cộng đồng.
Nhìn vào lịch sử trường ca thì trên thế giới trường ca và sử thi từng được coi là một. Theo nhiều nhà nghiên cứu, trường ca đã qua ba giai đoạn phát triển. Sử thi cổ đại (từ thế kỷ X về trước) với “Iliad”và “Ôđixê” của Homere, “Mahabrahata” của Ấn Độ, “Đẻ đất đẻ nước” của Việt Nam. Sử thi (trường ca) trung đại là sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn, rồi chủ nghĩa hiện thực từ thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX đã có chất trữ tình và ý nghĩa xã hội với các phẩm chất triết lí, các hình ảnh tượng trưng. Có thể kể trường ca “Cuộc phiêu du của Childe HaroldvàManfred” của G.Byron, “Rusian và Lutmila”của A.Pushkin,“Ai được sống sung sướng ở nước Nga” của N.Nekrasov…
Trường ca hiện đại tính từ thế kỉ XX đến nay thì mở ra thật rộng rãi, ngoài miêu tả các sự kiện lịch sử trọng đại cùng cảm xúc rất đa dạng của tác giả còn là các bình diện khác của đời sống với muôn vàn cung bậc, sắc thái. Các trường ca của V. Mayakovski, P. Nêruda, P. Eluard… là những ví dụ tiêu biểu. Dần dần trường ca được định nghĩa đó là các sáng tác thơ có tầm vóc lớn với hình thức kết cấu phức điệu, dàn hợp xướng nhiều bè, đa giọng điệu, kết cấu đa tầng, sự trùng điệp và luôn biến đổi của các hình ảnh, chi tiết. Trường ca bao chứa những cảm xúc mãnh liệt, dài hơi được thể hiện qua ngôn ngữ giàu tinh thần đối thoại, trí tuệ.
Nhìn chung thế giới chỉ đồng nhất sử thi với trường ca trước thế kỷ X còn sau đó thì phân biệt rõ ràng hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với thay đổi của tư duy thể loại, đời sống có gì trường ca đều có thể vươn ra chiếm lĩnh miễn là phù hợp với đặc trưng bản thân nó. Nhưng ở ta, như đã nói, chịu sự quy định của lịch sử trường ca phải làm nhiệm vụ công dân của một đất nước gặp nhiều nạn binh đao nên tất yếu phải đề cao yếu tố cộng đồng, nhấn mạnh phẩm chất anh hùng, hướng tới cái cao cả, cái chân lý lịch sử... Nhưng ở ngày hòa bình hôm nay, hòa nhịp cùng bước đi với thế giới, trường ca cần một sự mở rộng biên độ phản ánh với nhiều vẻ đề tài, chủ đề, sự đa dạng tâm trạng, cảm xúc, sự phong phú về cách biểu hiện...
Mặt khác, nếu đồng nhất “trường ca” (bài thơ dài) với “sử thi” thì khó có sự phân biệt về tính chất như bài thơ “Thần” (tương truyền của Lý Thường Kiệt) dù ngắn nhưng đầy ắp tinh thần sử thi: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” hay những câu thơ vang vọng âm hưởng thời đại của Tố Hữu: “Chào 61! đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu”... Như vậy, rõ ràng cần một sự đổi mới thể loại, mà trước hết là đổi mới nội dung. Trường ca không chỉ nói về lịch sử đuổi giặc hay dựng xây đất nước mà còn nói về muôn vẻ đời thường hay cá nhân trong tình yêu, học tập, lao động, đi lại... bằng nhiều giọng điệu, có cả trang nghiêm và thông tục, ngợi ca và châm biếm, giễu nhại...
Ví như ở ngày hôm nay chúng ta cần những tác phẩm chống tham nhũng như bài thơ “Chống tham ô lãng phí” của Phùng Quán. Bài này được in lần đầu năm 1957 là sự kết tinh những nồng nàn cảm xúc thăng hoa như lửa cháy, của những chi tiết chọn lọc gây ám ảnh, của nhịp điệu mạnh mẽ, ào ạt. Bài thơ dài (76 câu), đích đáng là một trường ca với đầy đủ nhất những phẩm chất của thể loại, có cả ngợi ca, suy ngẫm, ngậm ngùi: “Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn/ Của quần chúng anh hùng lao động/ Đang buộc bụng thắt lưng để sống/ Để xây dựng kiến thiết nước nhà/ Để yêu thương nuôi nấng chúng ta”. Có cả mỉa mai, lên án: “Những con chó sói lãng phí quan liêu/ Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!”.
Gần đây nhất là sự ra mắt trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc viết về đề tài du lịch văn hóa. Qua cốt truyện một bi kịch tình yêu của hai nhân vật (Trúc, Mai), tác phẩm đã thơ hóa những hành trình, những điểm đến với những huyền thoại, những phong tục, tập quán, và cả lịch sử. Nó như một cuốn “hướng dẫn”, như một “cẩm nang” theo cách của nghệ thuật trường ca để hiểu thêm, để biết rõ hơn nơi sẽ đến, nơi cần biết. Hơn nữa nó đáp ứng cả những vấn đề mang tính thời sự như kêu gọi sự quan tâm về môi sinh, về vấn đề tâm linh, tôn giáo...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/truong-ca--can-1-su-doi-moi-i681165/