Trường CĐ, ĐH ở Hải Phòng làm gì để đáp ứng yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp?
Các trường đại học, cao đẳng đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã và đang mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất, sử dụng nhiều công nghệ cao, hiện đại.
Điều này mở ra những cơ hội việc làm, nhưng cũng nhiều thách thức trong cung ứng nguồn nhân lực, đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại thành phố Hải Phòng hiện có 4 trường đại học và 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (17 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp).
Các ngành nghề đào tạo chủ yếu của những đơn vị trên là: hàng hải, y tế, xây dựng, công nghệ thông tin, kế toán, sư phạm, kinh tế, du lịch, quản trị kinh doanh…
Theo thống kê, năng lực đào tạo trung bình mỗi năm của các trường trên địa bàn khoảng từ 50.000 – 57.000 sinh viên, học sinh, học viên.
Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng khoảng hơn 9.000, còn phần lớn là học sinh, học viên tốt nghiệp hệ sơ cấp.
Điều này lý giải trong hơn 70% số lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng chỉ có khoảng 11% số lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, 19% số lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung.
Không chỉ yếu về chất lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hải Phòng còn thiếu về số lượng.
Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Với tính toán của ông Kiên, cứ 1 tỷ USD cần khoảng 10.000 lao động, trong đó có 3.000 – 4.000 lao động có tay nghề cao.
Theo ông Chen Chi Liang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, công ty đầu tư xây dựng các nhà máy tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng với tổng vốn hơn 800 triệu USD để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính, linh kiện điện tử, bảng mạch, thiết bị ngoại vi của máy tính…).
Dự kiến 2 năm tới, công ty mở rộng quy mô sản xuất, cần lượng lớn lao động, nhất là lao động trình độ cao, công ty cần tuyển dụng hơn 40.000 lao động.
Tương tự, ngành hàng hải, kinh tế biển, bài toán về nguồn nhân lực đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Tham gia thị trường logistics ở Hải Phòng hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực logistics trên địa bàn thành phố khoảng 175.000 lao động, mới đáp ứng được khoảng hơn 60% nhu cầu của ngành, trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực các ngành sư phạm, y tế… trên địa bàn thành phố cũng rất lớn.
Năm học 2023-2024, toàn thành phố đang thiếu gần 1.500 giáo viên; đến năm 2025, ngành du lịch thành phố cần hơn 10.000 lao động, ngành điều dưỡng, hộ sinh cần hơn 4.000 lao động…
Đào tạo những gì doanh nghiệp, nhà đầu tư cần
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam thông tin: Có 2 yếu tố tạo “đột phá” trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Trước hết, yếu tố “nội sinh”, bản thân các trường phải tự nỗ lực đổi mới. Để thu hút sinh viên, các trường cần đa dạng hình thức, phương pháp, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh để “đón đầu” nhu cầu tuyển dụng lao động.
Tiếp đến, cần tăng cường kiểm định chương trình đào tạo, khẳng định với người học, xã hội chất lượng đào tạo hoàn toàn đáp ứng được yêu của thực tiễn.
Hoạt động kết nối doanh nghiệp được coi là giải pháp chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng Khoa Kế toán Tài chính (Trường Đại học Hải Phòng) cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, kéo theo nhu cầu nhân lực kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp khá lớn.
Nắm bắt thực tế, Trường Đại học Hải Phòng xác định là sẽ đào tạo những gì doanh nghiệp, nhà đầu tư cần, chứ không đào tạo những gì sẵn có.
Ở góc độ các doanh nghiệp, theo ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C, thành phố Hải Phòng cần quan tâm đổi mới giáo dục và phát triển con người, đầu tư vào những ngành trọng điểm, đặc thù, khó tìm lao động như: tự động hóa, điện – điện tử…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tham gia “sâu” hơn vào khâu đào tạo, đưa những chương trình đào tạo vào giáo trình của các trường.
Để chủ động “bắt nhịp” với sự biến động của thị trường lao động hiện nay và thời gian tới, các trường đại học cần tập trung đưa sinh viên đến thực tập và thực hành chuyên môn, làm quen với văn hóa doanh nghiệp và rèn các kỹ năng mềm.
Đồng thời phối hợp các doanh nghiệp cử chuyên gia nước ngoài đến trường giảng dạy và huấn luyện tại chỗ các kỹ năng phù hợp đối với sinh viên theo các chương trình đào tạo mà các doanh nghiệp đặt hàng.